“Nhặt sạn” tại lễ hội
Hầu hết lễ hội đều có dịch vụ trông giữ xe. Chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội đều chủ động tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 11 ngày 11/4/2017 của UBND tỉnh về giá dịch vụ trông giữ xe. Theo đó, giá dịch vụ trông giữ xe ban ngày đối với xe đạp, xe đạp điện là 2 nghìn đồng/lượt; xe mô tô 4 nghìn đồng/lượt; xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi 15 nghìn đồng/lượt; xe ô tô 12 chỗ ngồi trở lên 20 nghìn đồng/lượt. Quy định là vậy nhưng thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc.
Tại lễ hội đền Hả, phường Hồng Giang (TX Chũ) có nhiều sạp hàng bày bán đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hội chùa Hà, xã An Hà (Lạng Giang) diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng. Để thuận tiện khi đi hội, người dân thường gửi xe với giá 10 nghìn đồng/xe mô tô, 20 nghìn đồng/ô tô. Điều đáng nói, vé được làm thủ công, chỉ là một tờ giấy nhỏ có ghi số; người trông xe dùng phấn để viết lên xe con số tương ứng là thu tiền. Chị Nguyễn Thị Loan, thôn Núi Dứa, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) cho hay: “Tôi không biết giá như vậy là cao hơn quy định. Hầu như năm nào tôi cũng đi hội làng Hà, chuyện phí gửi xe và các dịch vụ khác tôi nghĩ là giá chung nên không thắc mắc gì”. Đó cũng là tâm lý của nhiều du khách, điều này vô tình tiếp tay cho các đối tượng thu lợi bất chính.
Nhiều năm nay, thực phẩm bày bán tại các lễ hội chủ yếu là đồ đóng gói (trên bao bì có tiếng nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt); đồ ăn nhanh như xúc xích, lạp sườn, bánh xèo, cá viên chiên, bò bía… vì đáp ứng tiêu chí dễ làm, không cần quá nhiều dụng cụ chế biến, giá cả phải chăng, nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, thức ăn không được bảo quản trong tủ kính hoặc màng che bụi bẩn. Thời gian qua, trên địa bàn chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm tại lễ hội song nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn hiện hữu.
Không chỉ vậy, đồ chơi bán cho du khách (chủ yếu là trẻ em) phần lớn là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả đồ chơi bạo lực (súng, kiếm…). Tại lễ hội đền Hả diễn ra từ ngày 3-5/2 (tức từ mùng 6-8 tháng Giêng) tại phường Hồng Giang (TX Chũ) có nhiều sạp bán đồ chơi trẻ em mang những đặc điểm kể trên. Chị N.T.H chỉ vào sạp hàng và nói: “Trẻ con thường thích ô tô, máy cẩu, bộ lắp ghép... như thế này. Giá hợp lý, chỉ vài chục nghìn đồng/món. Tôi tranh thủ bán dịp lễ hội, ở đâu cũng bán đồ chơi như thế này, không có hàng xịn hơn đâu”.
Qua tìm hiểu cho thấy, tình trạng tự ý tăng phí dịch vụ gửi xe, bán hàng không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá sản phẩm… cũng diễn ra ở một số lễ hội khác trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó việc xử lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mới dừng lại ở nhắc nhở.
Bám địa bàn, kiểm soát thị trường
Những tháng đầu năm mới, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội truyền thống với quy mô khác nhau. Khắc phục hạn chế, tồn tại, đưa hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại lễ hội vào nền nếp, nhiều đơn vị, địa phương đã quan tâm kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Cùng đó, yêu cầu chủ hàng quán ký cam kết thực hiện đúng các quy định trong kinh doanh, bảo đảm tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp dịch vụ đúng giá niêm yết, thực hiện phòng, chống cháy nổ. Ban tổ chức cũng quan tâm tổ chức nhiều trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, nhảy bao bố, đánh đu; dọn dẹp vệ sinh môi trường nên tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Những tháng đầu năm mới, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô khác nhau. Khắc phục hạn chế, nhiều đơn vị, địa phương đã quan tâm kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, dịch vụ để bình ổn thị trường, tạo ấn tượng đẹp cho người dân, du khách.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chỉ đạo các đội trực thuộc thực hiện nghiêm đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết, Đội đã phân công cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm huyện Sơn Động, phân công cán bộ phụ trách các đơn vị cấp xã tại huyện Lục Ngạn và TX Chũ (là những nơi diễn ra nhiều lễ hội với quy mô lớn) thường xuyên bám nắm địa bàn.
Đặc biệt đồng loạt kiểm soát việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống; nhắc nhở hoặc lập biên bản các trường hợp bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm; hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp hàng quán, bãi trông giữ phương tiện hợp lý, thu đúng giá theo quy định; phối hợp quản lý, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng kinh doanh vàng mã, thực phẩm tươi sống, dịch vụ đổi tiền lẻ, tổ chức các trò chơi có thưởng biến tướng sang cờ bạc trá hình.
Từ đầu tháng 2/2025 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng trăm cơ sở, hàng quán kinh doanh và yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay sai phạm để bảo đảm quyền lợi khách hàng và an toàn trong suốt mùa lễ hội; với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Bài, ảnh: Thành Nguyên