UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 273/UBND-NLN ngày 15/1/2025 về việc chấn chỉnh, tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, như sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tích cực chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung tại các văn bản: Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/1/2022 về việc triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2030; Công văn số 6404/UBND-NLN ngày 7/11/2024 về việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh; Công văn số 4793/UBND- NLN ngày 29/8/2024 về việc tăng cường quản lý đàn chó và đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại; Công văn số 877/UBND-NLN ngày 27/2/2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không chỉ đạo, thực hiện quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh, để bệnh dại xảy ra trên địa bàn.
Quyết liệt ngăn chặn hiểm họa từ chó thả rông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa phương.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn phát sinh dịch bệnh; đối với các trường hợp phát bệnh kiểm tra, rà soát hồ sơ của chủ cơ sở trong việc chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại, đề xuất cơ quan chức năng biện pháp xử lý (nếu có vi phạm); chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo đủ số lượng vắc-xin dại tiêm phòng.
Tăng cường quản lý đàn chó phòng ngừa bệnh dại.
Sở Y tế cần chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp phơi nhiễm, nghi phơi nhiễm vi-rút dại để hướng dẫn tiêm phòng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại cho người. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn, cào, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao... đảm bảo 100% người bị phơi nhiễm được điều trị dự phòng bệnh dại.
Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng dân cư.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an cơ sở trong việc tuyên truyền, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh dại nói riêng và bệnh trên động vật, thủy sản chung; phối hợp phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc làm lây lan dịch bệnh.
Các sở, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện triệt để biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Phương Thảo