Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm - Bài cuối: Tháo điểm nghẽn, khơi thông trách nhiệm

Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm - Bài cuối: Tháo điểm nghẽn, khơi thông trách nhiệm
một ngày trướcBài gốc
Bài 1: "Bắt bệnh" sợ sai, sợ trách nhiệm
Bài 2: Không thụ động, làm chậm bước tiến chung
Lực cản khiến cán bộ không dám hành động
Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: Biểu hiện sợ sai, né tránh trách nhiệm hết sức phong phú rất nhiều lĩnh vực, ở nhiều cơ quan. Hậu quả là làm chậm lại việc giải quyết công việc, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên và bộ máy công quyền. Nếu cán bộ không dám làm, chỉ biết né tránh, đùn đẩy thì không thể có chuyển biến trong công việc, càng không thể đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều cán bộ sợ sai là do hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, nhiều quy định chồng chéo, thiếu hướng dẫn cụ thể. Trong các lĩnh vực như đầu tư, đất đai, tài chính công, môi trường… cán bộ dễ rơi vào tình huống “dễ sai - khó đúng”, dẫn đến tâm lý “thà không làm còn hơn làm sai”. Từ đó phát sinh tình trạng chờ chỉ đạo, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, làm kéo dài thời gian xử lý công việc, ảnh hưởng tới tiến độ chung và lòng tin của người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Na Hang kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Năng Khả (Na Hang).
Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thời gian qua cũng phần nào tác động đến tâm lý cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 45 tổ chức đảng và 593 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 4.706 lượt tổ chức đảng và 5.555 lượt đảng viên. Cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật đối với 13 tổ chức đảng; 1.015 đảng viên, trong đó có 242 là cấp ủy viên các cấp.
Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn này, một số cán bộ lại chọn cách “né việc”, ngại va chạm để tránh bị liên đới trách nhiệm. Họ không thiếu năng lực, nhưng thiếu quyết đoán và bản lĩnh, lo sợ bị quy trách nhiệm nếu xảy ra sai sót, kể cả khi đã làm đúng quy trình. Nếu không có cơ chế bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm”, thì tình trạng e dè, sợ sai sẽ tiếp tục là điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển chung của tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm với những chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp cụ thể.
Tạo cơ chế để cán bộ dám làm, dám chịu
Để tạo chuyển biến thực chất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Trong đó, tỉnh xây dựng cơ chế giao quyền rõ ràng, phân cấp mạnh cho cơ sở đi kèm với giám sát minh bạch. Cán bộ ở vị trí được giao nhiệm vụ rõ ràng phải chịu trách nhiệm với kết quả thực thi. Năm 2023, chỉ số cải cách TTHC trong bộ Chỉ số CCHC của tỉnh đạt thấp. Trước tình hình này, Giám đốc các Sở đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời nhận trách nhiệm trước UBND tỉnh. Cán bộ phụ trách bộ phận một cửa và các phòng chuyên môn bị yêu cầu giải trình về tình trạng hồ sơ chậm xử lý, trả kết quả không đúng hẹn. Sau đợt kiểm điểm, các sở đã xây dựng kế hoạch chấn chỉnh, cắt giảm 30% thời gian giải quyết, đưa hệ thống theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ vào vận hành. Năm 2024, Chỉ số cải cách TTHC của tỉnh đã đạt điểm tối đa 100%, số lượng hồ sơ trả đúng hạn đạt trên 99%.
Năm 2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 20-QĐ/TU ngày 1/7/2023 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo quy định, mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung với động cơ trong sáng đều được khuyến khích, trước hết là các ý tưởng nhằm giải quyết những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, cấp bách, việc mới, việc khó của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cán bộ có thể mạnh dạn cho triển khai thí điểm đối với những kế hoạch đổi mới, sáng tạo, đột phá vào những nội dung chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ hoặc không còn phù hợp, còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Việc xem xét bảo vệ cán bộ trong trường hợp có rủi ro, sai sót phải chủ động và công tâm, khách quan, toàn diện. Đây là sự khuyến khích rất kịp thời những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để tháo gỡ nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, gắn việc đánh giá với tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Những cán bộ có sáng kiến, cách làm hiệu quả, dám đột phá trong khuôn khổ pháp luật được biểu dương, ghi nhận kịp thời.
Để cán bộ không “né” việc khó
Một trong những điểm sáng thể hiện sự thay đổi về tư duy, hành động trong thời gian qua đó là huyện Hàm Yên, địa phương có khối lượng công việc giải phóng mặt bằng rất lớn cho dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với chiều dài trên 48 km qua 11 xã, thị trấn, 1.600 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng và di dời tái định cư. Giải phóng mặt bằng vốn là khâu khó khăn, dễ phát sinh khiếu kiện, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện, các phòng ban chuyên môn và cán bộ cơ sở đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao. Đến thời điểm hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công đã hoàn thành. Đặc biệt huyện di dời 337/337 ngôi mộ đúng quy định.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Đức Chiến cho biết: Ngay từ khi triển khai, huyện xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định thành bại của dự án. Cán bộ từ huyện đến xã đều phải xuống tận hộ dân, kiên trì vận động, giải thích chính sách, tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể.
Với cách làm chủ động, minh bạch, huyện Hàm Yên đã hoàn thành bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho chủ đầu tư, góp phần quan trọng để dự án cao tốc được triển khai thông suốt. Đặc biệt, không xảy ra điểm nóng hay khiếu kiện kéo dài. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và thực sự đặt lợi ích chung lên trên hết.
Không chỉ trong các công việc hành chính, Tuyên Quang thời gian qua cũng thể hiện rõ tinh thần “không để doanh nghiệp chờ đợi”. Trong quý I năm 2025, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 9,7% so với cùng kỳ (xếp thứ 11/63 tỉnh thành trên cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc); giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 6.724 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch năm, tăng 23,4%. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng từ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức các buổi làm việc chuyên đề với từng nhóm lĩnh vực như chế biến nông lâm sản, du lịch,… Qua đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, quy hoạch…
Ông Yasushi Saito, Giám đốc Công ty TNHH Erex Sakura Tuyên Quang cho biết: Chúng tôi đang có 2 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thời gian qua chúng tôi đã được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để dự án đi vào hoạt động trong năm 2025. Chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ tạo ổn định nguyên liệu đầu vào và được liên kết các doanh nghiệp sản xuất nông lâm sản của địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Để khắc phục tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, tỉnh cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đưa việc đánh giá cán bộ vào thực chất, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chứ không chỉ dựa trên báo cáo hay thành tích hình thức. Những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ phải được luân chuyển, thay thế kịp thời. Tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; khuyến khích cán bộ chủ động đề xuất sáng kiến, đổi mới phương pháp làm việc, không “chờ”, không “né” khi gặp khó. Những người tiên phong, tạo ra chuyển biến tích cực sẽ được ghi nhận, khen thưởng xứng đáng.
Cùng với đó cần xây dựng văn hóa trách nhiệm trong cơ quan hành chính. Đưa tiêu chí “trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với dân” thành tiêu chí đánh giá năng lực, đạo đức công vụ; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn cho cán bộ, công chức.
Đồng thời tạo động lực bằng môi trường làm việc minh bạch, dân chủ. Khi cán bộ được giao quyền rõ ràng, có lãnh đạo đồng hành và có cơ chế bảo vệ thì sẽ mạnh dạn hơn trong hành động.
Bài, ảnh: Thanh Phúc
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/chan-chinh-tinh-trang-ne-tranh-trach-nhiem-bai-cuoi-thao-diem-nghen-khoi-thong-trach-nhiem-210296.html