Chung cư My House (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) - một trong những công trình vi phạm trật tự xây dựng bị kiểm tra đột xuất năm 2024. Ảnh: Nguyên Cao
Công trình tăng, vi phạm giảm
Theo báo cáo vừa trình UBND thành phố Hà Nội của Sở Xây dựng, trong năm 2024 (thời kỳ lấy số liệu từ ngày 31-10-2023 đến ngày 30-10-2024) UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 23.621 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 415 công trình có vi phạm (chiếm tỷ lệ 1,75%). Trong số này có 93 trường hợp xây dựng không phép; 180 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 16 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận...
Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 265/415 trường hợp (chiếm tỷ lệ 63,8%), đang giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 150/415 trường hợp (chiếm tỷ 36,2%). UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 874 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,8 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước số tiền 14,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, tổng số công trình xây dựng năm 2024 tăng 7.061 công trình; tuy nhiên, tỷ lệ số công trình vi phạm giảm. Cụ thể, tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính giảm 33; tổng số tiền xử phạt giảm trên 5 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, một trong những hoạt động trọng tâm, thực hiện theo các chỉ đạo của UBND thành phố về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện.
Thống kê cho thấy, số lượng công trình thuộc diện kiểm tra, rà soát là 53.619. Trong đó, các đơn vị đã kiểm tra, rà soát 49.754 công trình, còn lại 3.865 công trình chưa kiểm tra, rà soát. Qua kiểm tra, tổng số công trình có vi phạm đã được phát hiện là 1.976 (trong đó có 1.334 công trình vi phạm chưa xử lý và 642 công trình vi phạm đã xử lý). Lực lượng chức năng đã ban hành 288 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 8,7 tỷ đồng.
Từ những kết quả trên, lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định, trong năm 2024, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nền nếp. Các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản được giải quyết.
Một số địa bàn không phát sinh công trình vi phạm như quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây, hoặc có tỷ lệ công trình có vi phạm thấp (dưới 1%) như các quận Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai; các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín.
Tăng cường trách nhiệm để phát huy hiệu quả
Sở Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý trật tự xây dựng còn một số tồn tại, hạn chế. Ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sự bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ.
Ngoài ra, công tác quản lý trật tự xây dựng chưa đồng đều, việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo số liệu của UBND cấp huyện, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị còn nhiều hạn chế, vẫn để phát sinh các vụ việc mới, một số nơi chưa kiểm soát chặt chẽ để xảy ra vi phạm.
Cụ thể, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn chưa chấp hành chế độ báo cáo định kỳ theo quy định dù đã được nhiều lần đôn đốc. Các huyện Phúc Thọ, Mê Linh đến hết năm 2024 không có báo cáo, báo cáo không đầy đủ về kết quả kiểm tra, rà soát chung cư mini và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, tham mưu UBND thành phố xử lý đối với các loại hình nhà ở chung cư; nhiều tầng, nhiều căn hộ...
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, trong năm 2025, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết sẽ tiếp tục duy trì thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn một số phường, xã, thị trấn để kịp thời phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
Sở cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh…
Trên cơ sở đề xuất trên của Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản giao một số sở ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, triển khai theo đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với trật tự xây dựng. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình trên địa bàn quản lý, 100% công trình xây dựng được kiểm soát. Thành phố quyết tâm không để xảy ra các “điểm nóng” vi phạm trong năm 2025.
Bảo Hân