Kỷ nguyên “Dr. Google” đang nhường chỗ cho thời đại “Dr. ChatGPT”. Ảnh: Midjourney
“Dr. Google” nhường chỗ cho “Dr. ChatGPT”
Trên Reddit, một người dùng chia sẻ câu chuyện họ đã sống với hậu quả của chấn thương khi tập đấm bốc là tình trạng đau hàm suốt 5 năm. Người này đã đi khám nhiều chuyên gia, chụp MRI, nhưng không ai đưa ra được giải pháp. Cho đến khi người bệnh mô tả vấn đề với ChatGPT. Chatbot AI này gợi ý khả năng liên quan sai lệch khớp hàm và chỉ dẫn một kỹ thuật đặt lưỡi để điều chỉnh. Bệnh nhân thử làm theo - và tiếng kêu biến mất. “Sau 5năm sống chung với nó,” người này viết trên Reddit hồi tháng 4, “AI đã cho tôi cách khắc phục chỉ trong 1 phút”.
Câu chuyện lan truyền mạnh mẽ, được đồng sáng lập LinkedIn, Reid Hoffman, chia sẻ trên X. Và đó không phải là trường hợp cá biệt. Mạng xã hội ngày càng tràn ngập những câu chuyện bệnh nhân tự nhận được đánh giá chính xác từ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) về kết quả MRI hay X-quang.
Courtney Hofmann, mẹ của một cậu bé mắc chứng bệnh thần kinh hiếm gặp, cho biết sau 17 lần khám với các bác sĩ trong suốt ba năm mà không tìm ra nguyên nhân, cô đã chuyển toàn bộ hồ sơ, hình ảnh và ghi chú y tế của con trai cho ChatGPT. Chatbot đưa ra chẩn đoán: hội chứng dây tủy bị dính - tình trạng tủy sống không di chuyển tự do vì bị dính với các mô quanh cột sống - điều mà các bác sĩ trước đó đã bỏ sót. “Chỉ sáu tuần sau khi tôi dùng ChatGPT, con trai tôi được phẫu thuật và giờ đã là một đứa trẻ hoàn toàn mới,” cô kể lại trên podcast của New England Journal of Medicine vào tháng 11/2024.
Những công cụ AI thân thiện với người dùng đang thay đổi cách mọi người tìm kiếm lời khuyên y tế - cả về triệu chứng lẫn chẩn đoán. Kỷ nguyên “Dr. Google” đang nhường chỗ cho thời đại “Dr. ChatGPT”. Các trường y, bác sĩ, nhóm bệnh nhân và chính những công ty phát triển chatbot đang chạy đua để bắt kịp xu thế, tìm hiểu xem câu trả lời y tế từ LLM chính xác đến đâu, cách tốt nhất để bệnh nhân và bác sĩ sử dụng chúng, và phải xử lý ra sao khi bệnh nhân nhận thông tin sai lệch.
Tiềm năng và rủi ro đan xen
“Chắc chắn điều này sẽ cải thiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân,” BS. Adam Rodman - giảng viên Trường Y Harvard và là bác sĩ lâm sàng - nhận định. “Hãy tưởng tượng mọi người có thể trò chuyện với LLM được kết nối với hồ sơ y tế của chính họ”.
Rodman đã chứng kiến bệnh nhân dùng chatbot AI ngay khi ông đang khám bệnh trong ca trực. Gần đây, khi đang chăm sóc hơn chục bệnh nhân cùng lúc, ông gặp một phụ nữ vì quá sốt ruột với thời gian chờ đợi đã chụp ảnh hồ sơ y tế rồi đưa vào chatbot AI. “Bà ấy bảo: ‘Tôi đã hỏi ChatGPT rồi” Rodman kể. Và chatbot đã trả lời đúng về tình trạng rối loạn máu của bà.
Là người tiên phong ứng dụng công nghệ và là chủ tịch nhóm chỉ đạo việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo Trường Y Harvard, BS. Rodman cho rằng AI có thể cung cấp thông tin tốt hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân, đồng thời nâng cao chất lượng giao tiếp giữa họ. “Tôi xem đây là cơ hội để trao đổi với bệnh nhân về điều họ thực sự lo lắng”, ông nói.
Nhưng “cơ hội” vẫn chỉ là tiềm năng. Một số nghiên cứu cho thấy AI có thể đưa ra lời khuyên y tế và chẩn đoán chính xác trong nhiều trường hợp. Nhưng khi công cụ này đến tay con người - dù là bác sĩ hay bệnh nhân - thì độ chính xác lại thường giảm. Người dùng có thể mắc lỗi - chẳng hạn không cung cấp đầy đủ triệu chứng cho AI, hoặc bỏ qua thông tin chính xác mà AI phản hồi.
Các hãng AI vào cuộc kiểm chứng
Một số công ty phát triển chatbot AI đang xây dựng công cụ chuyên biệt để đảm bảo độ tin cậy thông tin y tế. Ngày 12/5, OpenAI - công ty mẹ của ChatGPT - công bố HealthBench, hệ thống đánh giá năng lực AI khi trả lời câu hỏi sức khỏe. Chương trình được xây dựng với sự hỗ trợ của hơn 260 bác sĩ từ 60 quốc gia, mô phỏng 5.000 cuộc hội thoại giữa người dùng và AI, với hướng dẫn chấm điểm do các bác sĩ thiết kế.
“Chúng tôi nhận thấy các mô hình ngôn ngữ lớn đã cải thiện đáng kể và hiện đã vượt các chuyên gia trong việc viết câu trả lời cho các ví dụ kiểm tra”, OpenAI công bố. “Nhưng ngay cả những hệ thống tiên tiến nhất vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện - đặc biệt là khả năng tự yêu cầu thêm bối cảnh khi câu hỏi còn mơ hồ và độ tin cậy trong kịch bản xấu nhất.”
“Bác sĩ tương lai” phải học dùng AI
Bernard S. Chang - Trưởng khoa Đào tạo Y khoa của Trường Y Harvard, cho biết các bác sĩ tương lai sẽ phải học cách sử dụng AI song song với việc tư vấn cho bệnh nhân biết cách dùng đúng. Đó là lý do Harvard trở thành một trong những trường đầu tiên giảng dạy sinh viên cách tích hợp công nghệ này vào thực hành. “Đây là một trong những điều thú vị nhất đang diễn ra trong giáo dục y khoa”, Chang nói.
Ông nhớ lại thời kỳ cách đây 20 năm, khi bệnh nhân bắt đầu lên mạng tìm thông tin y tế. Họ thường nói: “Tôi hy vọng bác sĩ không phải kiểu người lên Google tra bệnh”. Nhưng khi công cụ tìm kiếm trở nên phổ biến, ông chỉ muốn đáp lại: “Bạn sẽ không muốn đến khám một bác sĩ không biết Google”. Và giờ ông thấy điều tương tự với AI: “Bác sĩ nào thực sự đi đầu y học mà lại không dùng công cụ quyền lực này?”
Thế Định