Ông Hồ Anh Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank. Ảnh: TCB.
Ngày 25/7, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường, chính thức đổi tên thành Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam, viết tắt là VBA.
Cùng với việc thay đổi tên nhận diện, đại hội đã bầu bổ sung 8 Ủy viên Ban chấp hành mới, trong đó có hai lãnh đạo cấp cao từ lĩnh vực ngân hàng là ông Hồ Anh Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).
Em trai Chủ tịch Techcombank, sở hữu khối tài sản ấn tượng
Ông Hồ Anh Ngọc sinh năm 1982, là em ruột của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Ngọc tốt nghiệp Cử nhân ngành Thương mại - Kế toán và Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Macquarie, Sydney, Australia. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia).
Gia nhập Techcombank từ tháng 1/2007, ông Hồ Anh Ngọc từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Trợ lý Ban Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Giám đốc Khu vực, Giám đốc Ngân hàng bán buôn miền Nam và đứng đầu nhiều mảng kinh doanh chiến lược của ngân hàng.
Từ ngày 24/4/2021 đến nay, ông Ngọc đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Techcombank.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, ông Ngọc còn từng đảm nhiệm vị trí chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp khác như Chủ tịch CTCP One Mount Group, CTCP 1MG Housing, CTCP One Distribution hay Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thảo Điền, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành, Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay.
Hiện, ông Ngọc cũng nắm giữ 99,98% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Du thuyền Việt Nam và sở hữu trên 10% vốn tại Masterise Group.
Ông Ngọc hiện không nắm cổ phiếu của Techcombank nhưng vợ ông, bà Nguyễn Hương Liên, lại là cổ đông lớn của ngân hàng. Ảnh: Việt Linh.
Vợ ông Ngọc là bà Nguyễn Hương Liên, hiện là cổ đông lớn của Techcombank. Tính đến ngày 21/3, bà Liên sở hữu hơn 139 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 2% vốn điều lệ. Ước tính giá trị thị trường ở thời điểm hiện tại của số cổ phiếu này là gần 4.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Liên cũng đang sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của Masterise Education, hơn 5% tại CTCP CLB Đầu tư và Phát triển Việt Nam và nắm trên 67% vốn điều lệ của TC Advisors.
Lãnh đạo công nghệ NamABank, người đứng sau loạt sáng kiến số hóa
Một Ủy viên Ban chấp hành khác của Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam là ông Nguyễn Vĩnh Tuyên - hiện là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của NamABank.
Ông có bằng Thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin và hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ và tổ chức tài chính lớn trước khi gia nhập NamABank.
Tại NamABank, ông Tuyên kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Trưởng phòng Phát triển ứng dụng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin...
Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc NamABank. Ảnh: NAB.
Từ cuối năm 2021 đến nay, ông Tuyên nắm giữ cùng lúc hai chức vụ quan trọng kể trên, cho thấy vai trò trung tâm của ông trong chiến lược chuyển đổi số của nhà băng này.
Những năm qua, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên cũng là người góp phần đưa NamABank trở thành một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Ông là người đứng sau nhiều sáng kiến như triển khai robot giao dịch tự động tại quầy, phát triển hệ thống OneBank cho phép khách hàng giao dịch 24/7, và nâng cấp nền tảng Ngân hàng số Open Banking lên phiên bản 2.0.
Tính đến cuối năm 2024, ông Tuyên sở hữu gần 4 triệu cổ phiếu NAB, tương đương gần 0,3% vốn điều lệ ngân hàng. Ước tính theo thị giá NAB đóng cửa ngày 25/7, số tài sản mà ông Tuyên đang nắm giữ là hơn 60 tỷ đồng.
Hồng Nhung