Hành trình của Naim Qassem
Giáo sĩ Naim Qassem xuất thân từ một gia đình giáo sĩ, sinh năm 1953 tại Beirut, Lebanon. Ông bắt đầu hoạt động chính trị trong Phong trào Amal của người Shia ở Lebanon từ những năm 1970 trước khi gia nhập Hezbollah. Sự hình thành của Hezbollah xảy ra khi quân đội Israel tràn vào Lebanon để đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của cố Tổng thống Yasser Arafat khỏi đất nước này vào năm 1982.
Hezbollah trong tiếng Arab có nghĩa là “Đảng của Thượng đế” được thành lập từ sự hợp nhất 3 tổ chức của người Hồi giáo dòng Shia tại Liban là Phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức Daw'ah và tổ chức Ulema nhằm mục đích bảo vệ người Hồi giáo và công khai mục tiêu hướng đến “tiêu diệt nhà nước Israel”.
Giáo sĩ Naim Qassem sẽ là lãnh đạo tối cao của Hezbollah.
Giáo sĩ Naim Qassem gia nhập Hezbollah vào những năm đầu tiên của tổ chức và nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật quan trọng. Ông được đánh giá là người giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ tư tưởng Shia trong tổ chức Hezbollah, đồng thời đóng góp tích cực vào các chiến dịch quân sự và xã hội của tổ chức. Ông là người quản lý mạng lưới giáo dục của Hezbollah và cũng tham gia giám sát các hoạt động tại Nghị viện Lebanon của nhóm này, đồng thời là thành viên của Hội đồng Shura (Hội đồng tối cao của Hezbollah).
Ông Qaseem được nhiều người phương Tây biết tới nhờ một tác phẩm xuất bản năm 2005 có tên “Hezbollah, câu chuyện từ bên trong”. Cuốn sách được dịch sang nhiều thứ tiếng và trở thành một trong những tài liệu quan trọng nhất để tìm hiểu về Hezbollah đối với những người bên ngoài.
Giáo sĩ Naim Qassem được chọn làm nhà lãnh đạo tối cao của Hezbollah sau cái chết của lãnh đạo Hassan Nasrallah và giáo sĩ Hashem Safieddine, người đứng đầu hội đồng điều hành tổ chức. “Cuối cùng, ông ấy là một trong những nhân vật cuối cùng của đội ngũ lãnh đạo chính trị và tôn giáo đủ điều kiện để được bầu làm tổng thư ký”, nhà nghiên cứu Nicholas Blanford, thành viên cấp cao của chương trình Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.
Giáo sĩ Naim Qassem lên lãnh đạo Hezbollah là tất yếu sau khi những lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức đã bị ám sát.
Những thách thức phải đối mặt
Được bầu lên trong bối cảnh xung đột căng thẳng với Israel, giáo sĩ Naim Qassem phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Lebanon đang trải qua khủng hoảng kinh tế với lạm phát và thất nghiệp ở mức cao kéo dài từ sau đại dịch COVID. Điều này khiến cho ông Naim Qassem sẽ phải đối mặt với áp lực tìm kiếm giải pháp tài chính để thực hiện các hoạt động hỗ trợ xã hội, nhằm duy trì ảnh hưởng của Hezbollah ổn định trong cộng đồng người Shia.
Trong khi đó, Hezbollah đang bị nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế xem là nhóm khủng bố nên chính phủ và các tổ chức tài trợ phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và tìm cách cô lập Hezbollah. Điều này gây khó khăn trong việc thu hút viện trợ hay hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy Hezbollah vào tình thế phải phụ thuộc hơn vào Iran, làm tăng thêm áp lực chính trị và tài chính. Hezbollah được Iran hỗ trợ về cả tài chính lẫn quân sự từ lâu nhưng điều này đồng thời đặt ra một sự phụ thuộc lớn. Khi Iran gặp khó khăn về kinh tế, phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt trong những năm qua thì Hezbollah phải đối mặt với việc giảm nguồn hỗ trợ, ảnh hưởng đến sức mạnh và vị thế của tổ chức.
Các vấn đề nội bộ của Lebanon cũng gây sức ép lên Hezbollah. Tổ chức không chỉ là một lực lượng quân sự mà còn là một thế lực chính trị trong Quốc hội Lebanon. Tuy nhiên, với sự chia rẽ chính trị sâu sắc và mâu thuẫn giữa các phe phái, giáo sĩ Qassem sẽ phải thiết lập một chiến lược chính trị tinh tế để củng cố vị thế của Hezbollah mà không gây thêm bất ổn cho Lebanon. Tình trạng thất nghiệp, tham nhũng và khủng hoảng tài chính đã dẫn đến làn sóng biểu tình trong những năm gần đây. Ông Qassem cần tìm cách giải quyết các yêu cầu từ người dân Lebanon, đồng thời duy trì hình ảnh của Hezbollah như một lực lượng bảo vệ lợi ích người Shia mà không mất đi sự ủng hộ của các cộng đồng khác.
Naim Qassem được biết tới như là nhà phát ngôn của Hezbollah.
Quan hệ với Israel cũng đang ở trong giai đoạn căng thẳng khi quân đội Israel đã tiến vào Lebanon từ cuối tháng 10/2024 sau khi thực hiện một loạt vụ tấn công nhằm vào các quan chức cấp cao của tổ chức này trong thời gian trước đó. Một cuộc chiến toàn diện với Israel vào lúc này thực sự quá sức với lực lượng Hezbollah khi những chỉ huy quân sự hàng đầu của họ mới bị thiệt mạng.
Sự chia rẽ quan điểm trong chính Hezbollah về cách thức đối đầu với Israel làm tổ chức này khó tìm được tiếng nói chung. Hezbollah có thể phải đối mặt với sự phân hóa nội bộ dưới sự lãnh đạo của Qassem khi những người ủng hộ đường lối quân sự mạnh mẽ của cựu lãnh đạo Hassan Nasrallah cảm thấy rằng nhà lãnh đạo mới đang làm yếu đi vị thế của Hezbollah nếu không có những hành động đáp trả thích đáng.
Một nhà lãnh đạo mới, khác biệt
Nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Qassem, ông Hassan Nasrallah là nhà lãnh đạo mang phong cách thiên về chính trị quân sự, chủ trương đối đầu với Israel và củng cố liên minh với Iran và Syria. Nasrallah coi trọng việc giữ vững hình ảnh Hezbollah như một lực lượng quân sự mạnh mẽ, có khả năng tự vệ và bảo vệ cộng đồng Shia. Ngược lại, Qassem được cho là sẽ có xu hướng ít đối đầu và tập trung vào các vấn đề nội bộ hơn.
Một chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông Washington nhận xét: "Nếu Nasrallah là người xây dựng vị thế của Hezbollah như một thế lực quân sự, thì Qassem có thể là người củng cố Hezbollah như một tổ chức chính trị - xã hội tại Lebanon".
Trong khi đó, giáo sĩ Hashem Safieddine, một trong những lãnh đạo tư tưởng hàng đầu của Hezbollah trước đó nổi bật với quan điểm tôn giáo bảo thủ và nghiêng về việc củng cố hệ thống giáo lý Shia. Qassem tuy cùng thuộc phái Shia nhưng có cách tiếp cận mở hơn với cộng đồng, đặt nặng các hoạt động dân sinh và phát triển cộng đồng. Điều này có thể dễ dàng nhận ra qua chiếc khăn màu trắng mà ông sử dụng khi xuất hiện trước công chúng khác với giáo sĩ Safieddine dùng khăn xếp màu đen của những giáo sĩ nhận mình là “hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad”. Ông Qassem vì thế tập trung vào cải cách xã hội và có thể ít quan tâm hơn đến việc tạo dựng hình ảnh Hezbollah như một lực lượng đối đầu tôn giáo mạnh mẽ.
Các lực lượng cứng rắn của Hezbollah đang quyết tâm trả thù cho lãnh đạo của mình.
Do những khác biệt đó, các chuyên gia đều cho rằng sẽ có những thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Naim Qassem trong điều hành Hezbollah. Với sự suy yếu của kinh tế Lebanon, Qassem có thể sẽ hướng Hezbollah vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục cho người dân, giúp đỡ họ trong giai đoạn khó khăn. Điều này sẽ giúp Hezbollah trở nên gần gũi hơn với cộng đồng Lebanon và tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt chính trị trong nội địa. Theo một khảo sát cuối năm 2023, khoảng 63% người dân ở Lebanon mong muốn Hezbollah đầu tư vào các dự án phát triển thay vì chỉ tập trung vào quân sự.
Dưới sự lãnh đạo của Qassem, Hezbollah có thể sẽ giảm sự căng thẳng với Israel, tập trung vào củng cố sự ổn định trong nước và không làm gia tăng thêm các xung đột quốc tế. Điều này có thể phản ánh qua việc giảm các chiến dịch quân sự tại biên giới Lebanon-Israel và thay vào đó đầu tư vào hệ thống an ninh nội bộ.
Sự ủng hộ dành cho Hezbollah trong xã hội Lebanon vẫn còn lớn.
Theo giáo sư David Hirst, chuyên gia về chính trị Trung Đông: "Giáo sĩ Naim Qassem được biết đến là một nhân vật rất có sức ảnh hưởng trong nội bộ Hezbollah, với tầm nhìn thiên về bảo vệ cộng đồng Shia tại Lebanon và xây dựng hệ thống xã hội tự cung tự cấp. Điều này cho thấy ông Qassem có xu hướng đặt trọng tâm vào các vấn đề xã hội và dân sinh hơn là chỉ tập trung vào các hoạt động quân sự và đối đầu trực tiếp với Israel”.
Về mối quan hệ với Iran, các chuyên gia dự đoán rằng Qassem sẽ có một cách tiếp cận thực dụng hơn. Tiến sĩ Riccardo Bocco từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Geneva đưa ra nhận định: "Naim Qassem có thể hướng tới việc giảm sự phụ thuộc về tài chính từ Iran, thay vào đó tìm cách phát triển kinh tế nội bộ Lebanon để duy trì sự độc lập của Hezbollah".
Những quan điểm khác biệt này có thể chưa ngay lập tức mang đến sự thay đổi trong hoạt động của Hezbollah nhưng chắc chắn nó là những tín hiệu tốt để hy vọng lực lượng này sẽ không làm giả tăng căng thẳng khu vực.
Tiểu Phong