Sau 5 năm kể từ cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 5 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, những người yêu hội họa lại có dịp gặp ông qua triển lãm tổng kết cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Quốc Thái kể từ năm 1966 đến trước khi mất năm 2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái 1943-2020.
1. Có thể nói, “Chân dung Quốc Thái” là triển lãm đầy đủ nhất của ông từ trước đến nay, giới thiệu 150 tác phẩm, hiện diện một chân dung người nghệ sĩ yêu và dành cả cuộc đời mình cho hội họa. Đặc biệt hơn, hội họa của Nguyễn Quốc Thái là lịch sử, là chiến tranh và hòa bình, được kể bằng sắc màu.
“Chân dung Quốc Thái” có đầy đủ các chất liệu, từ lụa đến bột màu, từ đề tài đến tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh tĩnh vật, từ minh họa báo chí, từ truyện tranh cho đến tranh áp phích, thiết kế tem thư... Đó là chân dung của một chiến sĩ - nghệ sĩ suốt cuộc đời dành niềm đam mê cho hội họa. Với Quốc Thái, vẽ như là một lẽ sống.
Ông vẽ nhiều đề tài, trong đó mảng đề tài cổ động, tem và ký họa chiến tranh là các sáng tác của ông trong giai đoạn những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước, thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hải Phòng 1972 hiện lên qua nét vẽ ký họa của ông như một cuốn nhật ký chiến tranh bằng tranh, đó là “Phố Ký Con bị bom Mỹ trưa ngày 27/12/1972”, “Tội ác của giặc Mỹ đánh phá nhà máy xi măng Hải Phòng 1972”...
Người xem có thể thấy đầy đủ trạng thái của một vùng đất qua thời gian, thông qua tác phẩm mà ông ghi lại, phá hủy - hồi sinh, đen trắng - rực rỡ, xáo trộn - êm đềm, nghiêm trang - phóng khoáng... đã cất trữ trong mình sinh lực sống dồi dào, khỏe khoắn, rộng rãi của người dân Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Và, ngay trong thời chiến, những tác phẩm của Quốc Thái vẫn toát lên hy vọng, mong ước về hòa bình. Thậm chí, ngay cả những ký họa chiến tranh như: “Ký họa Cầu Niệm”; “Ký họa phố Phan Bội Châu”, Hải Phòng (1972), những thiết kế tem thư, những tranh cổ động “Không ngừng rèn luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu”, “Vì hạnh phúc nhân dân” (1975), chiến tranh hiểu theo một nghĩa nào đó thì cũng là để có hòa bình, để ước mơ hòa bình thành hiện thực.
Đi qua chiến tranh để đến hòa bình, những bức vẽ về thời bình của ông trên nhiều chất liệu như bột màu, màu nước, lụa, đặc tả phong cảnh quê hương như Cát Bà, Hạ Long, mang màu sắc tươi sáng, rực rỡ, thanh bình. Đó là những cô thôn nữ gặt lúa, các bà, các chị đi lễ chùa làng, những đôi trai gái chở nhau đạp xe bình yên trên phố, đến những con đò đậu thanh bình ở bến sông Tam Bạc.
Ngoài những đề tài quen thuộc như phong cảnh, tranh cổ động, ông còn một mảng đề tài về chân dung gia đình, các thiếu nữ và tĩnh vật cũng rất ấn tượng. Người mẫu đặc biệt của ông trong nhiều bức chân dung chính là vợ, bà Nguyễn Thị Kim. Bà chia sẻ: “Ông là người đam mê hội họa. Khi ông làm việc, ngoài thời gian ông làm cho cơ quan, ông về nhà đều vẽ. Tất cả những giờ còn lại ông đều dành hết cho nghệ thuật. Ông nói ông muốn có những bức tranh để lại cho đời”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Chúng ta thấy ở từng chất liệu, lụa mượt mà bao nhiêu thì tranh bột màu với bút pháp mạnh mẽ, quyết liệt bấy nhiêu. Để thấy rằng, ông không thể dối lòng mình, vẽ theo mạch cảm xúc và đĩa màu cứ vụt hiện để ông dùng bút pháp của mình tạo nên tác phẩm. Đóng góp của ông không chỉ trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, mà như sự khởi đầu, một nền cốt đẹp đẽ nhất cho mỹ thuật Hải Phòng".
2. Họa sĩ Quốc Thái sinh tại Hải Phòng, năm 1943. Ông có tố chất và niềm đam mê rất lớn ngay từ khi còn là cậu bé 7 tuổi. Tự mò mẫm học vẽ, lớn lên ông được tuyển vào Sở Công an Hải Phòng vẽ tranh an toàn giao thông, kẻ vẽ khẩu hiệu... rồi chuyển về Báo An ninh Hải Phòng, phụ trách mảng mỹ thuật cho đến lúc nghỉ hưu. Ông cũng là họa sĩ chuyên minh họa cho Báo Cửa Biển.
Ngoài tự học, ông cũng học hỏi thêm ở các đàn anh và ký họa không ngừng nghỉ. Mảng đề tài cổ động, tem và ký họa chiến tranh là những sáng tác chủ yếu của ông trong giai đoạn những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước - khoảng thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họa sĩ Quốc Thái đã có nhiều giải thưởng mà đáng chú ý nhất là giải thưởng trong cuộc thi vẽ bìa cho họa báo Ba Lan (năm 1973), một trong số ít đất nước luôn có những trào lưu tiên tiến nhất về hội họa trên thế giới.
Tranh sơn dầu “Cây rừng che bộ đội” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng viết: “Họa sĩ Quốc Thái, người Công an suốt đời chỉ cầm bút vẽ ấy đã về hưu. Những bức tranh của anh “như mọi họa sĩ thuộc thế hệ trong kháng chiến chống Mỹ, trung thành với bút pháp tả thực, bút pháp mà ông học được trong Trường Mỹ thuật, bút pháp để ghi nhận thực tế như nó có. Ông vẽ phong cảnh, chân dung, tĩnh vật một cách chân tình, điềm đạm, bức tranh thường bình lặng tới mức, như là không phải sinh ra trong khói lửa đạn bom” (Phan Cẩm Thượng).
Xưởng vẽ chật hẹp của anh đặt trên gác 2 một ngôi nhà nhỏ trong một ngách phố Văn Cao. Tranh quây quanh bốn bức tường. Tranh chất trên gác lửng: Phác thảo, ký họa, sơn nước (acrylics), sơn dầu. Đó là những bữa tiệc của màu sắc.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Có nhiều con đường để đến với hội họa, Nguyễn Quốc Thái chọn con đường hội họa hiện thực nhưng điều đặc sắc nhất ở ông là bút pháp phóng khoáng, những vết bút to, nhát bút tự do bay bổng chứ không gò gẫm tỉ mẩn kiểu vờn tỉa. Bên cạnh đó là một bảng màu mạnh, hòa sắc tươi, tương phản trong chất liệu bột màu trên giấy. Còn với lụa, ông ưa dùng lụa thô, dệt sợi to, chuyển êm giữa các khối, hình, mảng và nền, thậm chí đôi khi nhòe vào nhau để tối giản hóa, lược bỏ chi tiết rườm rà, độ đậm nhạt giữa các mảng ít chênh lệch. Dù là phong cảnh hay chân dung thì ông cũng tôn trọng cái mềm mại, thâm trầm, yên tĩnh của lụa. Lụa của Nguyễn Quốc Thái đẹp ở chỗ ông chỉ gợi chứ không tả kể. Thủ thỉ, tâm tình, kiệm lời chứ không đao to búa lớn rườm lời”.
Có thể nói, chân dung họa sĩ Quốc Thái là một chân dung đa diện. Và, dù vẽ đề tài gì thì tranh của ông cũng thể hiện tình yêu với cuộc sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông vẽ cho đến khi sức khỏe không còn cho phép... “Độ ham sống, yêu cuộc sống của ông chính là ham vẽ. Nguyễn Quốc Thái luôn sống trong, sống cùng nghệ thuật. Xem tranh trong triển lãm "Chân dung Quốc Thái" ta thấy được sự bình yên, an yên của người họa sĩ đã đi qua chiến tranh để thêm trân trọng và yêu quý cuộc sống hòa bình” (Lê Thiết Cương).
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái sinh năm 1943-2020 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1982, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội Mỹ thuật Hải Phòng. Ông được trao Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, đoạt giải nhì bộ tem quân đội năm 1972, giải nhì bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976, giải nhất tranh cổ động năm 1976, Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giải thưởng Hoa phượng đỏ các năm 1990, 1991, 1992, 1994, 1995. Ông có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Việt Hà