Chặn đường lui quân chiến lược của địch, góp phần giải phóng Phú Yên

Chặn đường lui quân chiến lược của địch, góp phần giải phóng Phú Yên
2 ngày trướcBài gốc
Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa).
Những chiến công vang dội ấy góp phần giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975 và làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Hòa ra sức xây dựng và phát triển quê hương giàu, đẹp, văn minh.
Về xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) hôm nay, những con đường rộng mở khang trang, cờ hoa rực rỡ và cánh đồng lúa trải dài xanh mướt. Xã Hòa Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân phát triển, diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh nằm ngay tại trung tâm xã, thuận lợi cho người dân và học sinh đến tưởng niệm. Nơi đây 65 năm trước, vào ngày 22/12/1960, cùng với khí thế sục sôi trong cả nước, phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh - cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở Khu 5 đã nổ ra, trở thành mốc son chói lọi trong phong trào cách mạng của quân và dân ta.
Từ phát súng của phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh
Ông Dương Dụ, nguyên cán bộ vũ trang tham gia phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh.
Ông Dương Dụ (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) là một trong những cán bộ vũ trang của tỉnh chi viện cho phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh. Mặc dù đã 95 tuổi nhưng ông Dụ vẫn nhớ rất rõ không khí hào hùng của quân và dân ta trong những năm tháng ấy. Những năm 1954 - 1960, phong trào cách mạng ở Phú Yên gặp nhiều khó khăn. Địch thẳng tay đàn áp chiến sỹ cách mạng và nhân dân ta. Đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là "Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân".
Theo lời kể của ông Dương Dụ, vào 19 giờ, ngày 22/12/1960, phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh nổ ra. Lực lượng tham gia hành quân qua các thôn xóm rồi chia thành 3 cánh đến trụ sở xã Hòa Thịnh, nổ súng đánh vào trung đội của địch. Khi đó, ông Dụ cùng với một số đồng chí chỉ huy cánh quân thứ hai đột nhập vào nhà và bắt sống chỉ huy của địch. Nghe tiếng súng nổ, hàng nghìn người dân từ các hướng đổ ra đường, mang theo gậy gộc, giáo mác cùng lực lượng vũ trang huyện tấn công, truy bắt địch rồi tập trung về trụ sở xã vào 1 giờ, sáng 23/12/1960. Hòa Thịnh trở thành xã đầu tiên của đồng bằng Khu 5 được chính quyền cách mạng làm chủ.
Phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bất khuất và tinh thần quật cường của quân và dân Tây Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung. Ngọn lửa Đồng khởi Hòa Thịnh sáng ngời trong đêm tối đã soi rọi con đường đấu tranh cách mạng, khơi dậy sức mạnh của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ những năm tiếp theo.
Tháng 3/1975, sau những thất bại liên tiếp tại chiến trường Tây Nguyên, quân địch tổ chức rút quân về huyện Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhằm bảo toàn lực lượng, phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhận lệnh của Quân khu 5, quân và dân Phú Yên phối hợp cùng Sư đoàn 320 bộ đội chủ lực tổ chức tấn công, phá tan kế hoạch rút lui của địch.
Đến trận thắng vang dội “Bạch Đằng trên cạn” trên Đường 5
Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Trưởng Ban tác chiến Tỉnh đội Phú Yên vào năm 1975 kể lại trận chiến Đường 5.
Kế hoạch vượt sông Ba của địch tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) để di chuyển hướng rút quân từ Đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai) về Đường 5 (nay là Quốc lộ 29 nối hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk) bị trinh sát của ta nắm được. Từ ngày 19/3/1975, quân ta tấn công các cứ điểm xung quanh Đường 5 như: Cầu Cháy, Hòn Sặc, Hòn Kén, Núi Tranh... Đến ngày 25/3/1975, quân ta tấn công, chia cắt địch trên Đường 5, tiêu diệt và bắt sống khoảng 1.500 tên địch, thu giữ 200 xe các loại.
Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, khi đó là Trưởng Ban Tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên nhớ lại: Lực lượng quân ta trong trận Đường 5 gồm Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 9 và một số đại đội đặc công. Trong khi đó, lực lượng địch rút từ Tây Nguyên về Tuy Hòa với hơn 10.000 quân, gấp 20 lần quân ta. Chiến thắng Đường 5 khiến cuộc rút lui chiến lược của địch thất bại, gây hoang mang trong hàng ngũ địch và tạo thuận lợi cho quân đội ta giải phóng tỉnh Phú Yên. Trận chiến này còn cho thấy sự đoàn kết một lòng của quân và dân ta khi quân đội được sự hỗ trợ rất lớn của người dân trong việc bắt, quản lý tù binh. Chiến thắng Đường 5 được nhiều tướng lĩnh của quân đội ta ví như trận “Bạch Đằng trên cạn”. Nhiều người nhận định, lực lượng vũ trang Phú Yên có một số tiểu đoàn nhưng sức chiến đấu bằng cả một sư đoàn.
Đoàn viên thanh niên tham quan Di tích lịch sử Chiến thắng Đường 5 (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa).
Di tích Chiến thắng Đường 5 (hiện nằm trên Quốc lộ 29, thuộc khu vực Gò Mầm, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ thanh niên của huyện Tây Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
Bí thư Huyện đoàn Tây Hòa Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ, thế hệ thanh niên hôm nay luôn phát huy, kế thừa tinh thần kiên trung, bất khuất của các thế hệ cha ông đi trước để xây dựng quê hương Tây Hòa ngày càng giàu đẹp. Hằng năm, Huyện đoàn thực hiện nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho thân nhân gia đình chính sách; đồng thời tổ chức cho nhiều đoàn viên, học sinh về nguồn ôn lại lịch sử đấu tranh của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Đường vào xã Hòa Thịnh khang trang, sạch đẹp.
Sau ngày thống nhất đất nước, huyện Tây Hòa vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 11 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2024 đạt 60,3 triệu đồng. Giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 0,59%. Thu ngân sách năm 2024 của huyện đạt gần 254 tỷ đồng (đạt 195% dự toán tỉnh giao).
Tự hào với những thành tích trong xây dựng và phát triển quê hương, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí cho biết, vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Hòa vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có những thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, công tác cải cách hành chính và thu ngân sách. Thời gian tới, huyện huy động tối đa mọi nguồn lực và sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo tinh thần: Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Bài và ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/chan-duong-lui-quan-chien-luoc-cua-dich-gop-phan-giai-phong-phu-yen-20250331160142690.htm