Trưa 2/5 trên quốc lộ 20, ở khu vực cổng khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen có hai xe ô tô chắn ngang đường ở cả hai chiều. Sau đó, một đoàn xe ô tô từ trong khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen qua khoảng trống giữa hai xe để qua đường.
Việc hai chiếc xe chặn quốc lộ 20 đã khiến nhiều người bức xúc vì gây ùn ứ giao thông.
Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, đây là đoàn xe caravan được cho là của Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 Saigon Times Club. Sau khi ăn trưa tại khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen, đoàn xe này rời khu du lịch, hướng ra quốc lộ 20 để lên huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Khi ra đến quốc lộ 20, nhóm này dùng hai ô tô chắn giữa quốc lộ 20 theo chiều lên và xuống, để đoàn xe hàng chục chiếc lần lượt băng qua đường.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, hành vi trên vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ, cũng như các quy định khác của pháp luật, gây cản trở cho phương tiện tham gia giao thông và đang tiến hành xử lý theo quy định.
Về hành vi này, ông Dương Đức Anh - Thành viên Ban điều hành cộng đồng Otofun nhận xét: "Nhiều người không hiểu được hết ý nghĩa việc mình làm là đang vi phạm pháp luật, họ nghĩ đơn giản chỉ để đoàn xe đi qua thôi. Dù là cố tình hay bộc phát thì đây là hành vi vi phạm luật giao thông, gây cản trở giao thông và tạo sự ức chế cho người đi đường.
Ở góc độ xử lý hành chính, khoản 21, Điều 9 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm các hành vi cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ.
Trong trường hợp này, hai người điều khiển xe ô tô chắn đường không phải là lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông nên việc dừng, đỗ xe giữa đường như trên là trái nguyên tắc và vi phạm pháp luât nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 18 Luật trật tự, an toàn giao thông thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe, không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cùng với đó, trên đường bộ, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy. Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Do đó, theo quy định tại điểm k, Khoản 5, Điều 6 Nghị định 168/2024 hành vi dừng xe, đỗ xe ô tô trái quy định gây ùn tắc giao thông sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển vi phạm còn bị trừ hai điểm giấy phép lái xe.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành vi chặn xe nêu trên còn có thể bị xem xét xử lý về tội "gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bởi lẽ, khách thể của tội này là trật tự, hoạt động đúng đắn, trạng thái hoạt động bình thường của trật tự công cộng, trật tự xã hội và trật tự quản lý của cơ quan Nhà nước.
Ở tội này, người phạm tội sẽ phải đối diện với khung hình phạt là bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Chính vì người tham gia giao thông có thể chưa nắm rõ luật nên khi ra đường bị "ảo" về cách xử lý, dẫn đến gây ra bức xúc cho người khác, ông Dương Đức Anh chia sẻ.
Ngoài ra, người dân tham gia giao thông chỉ có thể lưu thông chứ không được tự ý đứng ra tổ chức phân luồng giao thông, như vụ việc nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ, tự ý ra đường phân luồng giao thông, chặn đường các phương tiện khác để phục vụ cho đoàn xe sang đám cưới tại khu vực đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa vào chiều 24/11/2024.
Là một người có kinh nghiệm điều hành, tổ chức những đoàn xe đông tham gia giao thông, ông Dương Đức Anh chia sẻ: "Trước hết, chúng ta phải đứng ra phổ biến cho mọi người về kiến thức pháp luật, kiến thức đi đường và kiến thức giao thông. Sau đó chúng ta phải có kế hoạch tổ chức chức chặt chẽ, đi từ điểm A đến điểm B sẽ có những điểm nào trên cung đường dự kiến, những điểm đó có nút thắt giao thông như thế nào (bệnh viện, trường học). Bên cạnh đó, chúng ta cần tổ chức đưa đón đoàn xe vào những giờ không cao điểm và tất cả mọi người phải tuân thủ chặt chẽ mọi yêu cầu, hướng dẫn của người tổ chức, đảm bảo sự xuyên suốt giữa người dẫn đầu đoàn xe và người cuối cùng, để đoàn xe di chuyển đồng nhất, không dừng đỗ bất chợt, gây cản trở giao thông".
Ngoài ra, theo ông Dương Đức Anh, việc phối hợp của tổ chức chính quyền địa phương là bắt buộc, cụ thể từ khâu xin phép tổ chức đưa đón, cùng với đó là xin hướng dẫn, chỉ đạo.
Đối với các đoàn xe ưu tiên, xe chở nguyên thủ quốc gia hoặc các đối tượng quan trọng, ông Dương Đức Anh cho rằng, khi lực lượng chức năng ra tín hiệu chặn xe, tổ chức phân luồng giao thông thì người dân thường xuyên đi theo bản năng, tức thấy vắng họ sẽ lao qua đường bất chấp. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý một bộ phận thanh niên thích thể hiện cũng thường xuyên làm ngơ những chỉ dẫn của lực lượng CSGT trong trường hợp này.
Đối với những trường hợp này, ông Dương Đức Anh cho biết, bên cạnh chế tài xử phạt thì cần kết hợp với hoạt động tuyên truyền thường xuyên để người dân dễ dàng nắm được thời điểm sự kiện mà những đoàn xe ưu tiên tham gia.
Trong năm 2025, rất nhiều sự kiện trọng đại sẽ diễn ra và nước ta dự kiến vinh dự được đón nhiều đoàn khách quốc tế nữa tới thăm. Do đó, người dân cần lưu ý tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng khi tham gia giao thông có sự góp mặt của những đoàn xe ưu tiên, tránh làm tổn hại đến hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Duy Anh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chan-duong-trai-phep-hanh-vi-nguy-hiem-cho-xa-hoi-328671.htm