Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa Võ Văn Công chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Đặng Tuấn -TTXVN
Ngày 21/7, tại tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái”, thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đến từ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp cho biết, cả nước hiện có hơn 6 triệu hộ chăn nuôi trong tổng số 8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, cung cấp sản phẩm cho hơn 100 triệu dân và 10 triệu du khách mỗi năm. Một số mô hình kết hợp chăn nuôi với du lịch sinh thái đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Khánh Hòa, mô hình nuôi dê gắn du lịch cho lợi nhuận tăng gấp 3,78 lần; tại Thái Nguyên, mô hình chè xanh OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn du lịch thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Du lịch nông nghiệp đang trở thành hướng đi hiệu quả, gia tăng giá trị cho ngành chăn nuôi.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ mô hình, giải pháp chăn nuôi bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, đồng thời tập trung bàn thảo về việc kết hợp chăn nuôi với du lịch sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng sinh kế và phát triển kinh tế nông thôn; giới thiệu nhiều mô hình hiệu quả đã được giới thiệu, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Văn Công, khi chia sẻ về những nỗ lực và thành quả của ngành nông nghiệp địa phương trong những năm qua, cho biết: Khánh Hòa đã tập trung đầu tư, tái cơ cấu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất, qua đó đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 155 triệu đồng/ha đất canh tác, đặc biệt sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt tới 990 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, những rủi ro từ thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, cùng với tình trạng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún đã ảnh hưởng không nhỏ cho việc thu hút đầu tư, chuyển giao kỹ thuật và phát triển các chuỗi giá trị phù hợp thị trường, nhất là các mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hưởng- đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,9–1,1°C trong 60 năm qua. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự suy giảm hệ sinh thái nông nghiệp khiến ngành chăn nuôi chịu tác động nặng nề, đòi hỏi giải pháp bền vững và linh hoạt hơn, địa phương cần nghiên cứu các biện pháp chăn nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tiến sĩ Đặng Quý Nhân - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ mô hình Chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái hút khách. Ảnh: Đặng Tuấn -TTXVN
Tại diễn đàn, nhiều mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái đã được chia sẻ. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch tại Khánh Hòa, quy mô 300 con dê cái và 15 dê đực, giúp nâng tỷ lệ sống đến 3 tháng tuổi đạt 92,8%. Dự kiến lợi nhuận từ 100 con dê cái sau ba năm đạt hơn 557 triệu đồng, gấp gần 4 lần so với chăn nuôi ngoài mô hình.
Ngoài ra, mô hình chăn nuôi cừu sinh sản tại Khánh Hòa hay nuôi vịt biển thích nghi với vùng nước mặn ở Đắk Lắk (Phú Yên cũ), và Quảng Trị cũng cho thấy tính hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường. Nhiều mô hình còn kết hợp các hoạt động du lịch trải nghiệm như tham quan, cắm trại, giới thiệu đặc sản nông nghiệp tại chỗ, thu hút đông đảo du khách.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện đàn bò của vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên đạt trên 2,2 triệu con, chiếm tỷ lệ hơn 37% cả nước. Tổng đàn cừu đạt 102.000 con; trong đó, hơn 90% tập trung tại tỉnh Khánh Hòa, chiếm gần như toàn bộ đàn cừu cả nước. Vùng còn là thủ phủ dê với hơn 550.000 con và có sản lượng mật ong chiếm gần 27% cả nước. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các mô hình chăn nuôi đặc sản kết hợp du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều thách thức như: chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; thiếu chính sách tích hợp giữa nông nghiệp và du lịch; thiếu vốn đầu tư và hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp. Diễn đàn đã đề xuất các giải pháp: hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ tài chính, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình farmstay, phát triển sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, tăng cường liên kết chuỗi giá trị và đào tạo kỹ năng du lịch cho nông dân.
Theo Tiến sĩ Đặng Quý Nhân – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua. Tính đến nay, cả nước đã có gần 17.000 sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên. Đây là những sản phẩm đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, giúp thu hút lao động tại chỗ và gia tăng giá trị cho nông nghiệp.
Đặng Tuấn/vnanet.vn