Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo tỉnh Cao Bằng, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cơ sở các đội vũ trang cách mạng ở Việt Bắc, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ra đời trong điều kiện bí mật của Cách mạng, nhưng đội quân ấy nhanh chóng phát triển và được biết đến bởi những trận đánh làm xoay chuyển cục diện chiến trường ở Đông Dương và tác động mạnh tới tình hình thế giới.
Trên chiến trường Đông Dương, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân khiến quân viễn chinh Pháp - quân đội nhà nghề của một nước thực dân hùng mạnh, liên tiếp thất bại.
Đi lên từ những vũ khí, trang bị thô sơ thuở ban đầu, họng pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chụp lửa xuống đầu thù, đập tan cụm cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Trong hồi ký “Đông Dương hấp hối”, tướng Henry Navarre - Tổng chỉ huy Quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương không giấu nổi sự thán phục về những đối thủ của mình: “Quân đội Việt Minh rất cơ động, linh hoạt, thoắt ẩn, thoắt hiện..."
Còn với đạo diễn Liên Xô Roman Karmen, từng khuôn hình, câu chữ trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” do ông và các đồng nghiệp sản xuất năm 1954 đều cho thấy sự cảm phục với Quân đội nhân dân Việt Nam - một đội quân kiên cường, bất khuất, tài năng và gắn bó với nhân dân chặt chẽ.
Tiếng sấm Điện Biên Phủ nổ ra ở Đông Dương và vang tới tận châu Phi xa xôi. Với phong trào cách mạng của những nước thuộc địa châu Phi, Việt Nam là nguồn cảm hứng, còn chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, là những bài học quý.
Ông Tayeb Cherfaoui - Chủ tịch Hội hữu nghị Algeria - Việt Nam chia sẻ: "Bộ đội Việt Nam tiến quân từ nhiều phía, thông qua các đường hào, đường hầm. Đó giống như công việc đào hang của loài kiến và sau này, Algieria chúng tôi cũng đã học tập chiến thuật này".
Theo giáo sư Abdallah Saab - Đại học Bách khoa Mohamed VI, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Morroco, Quân đội Việt Nam đã bài binh bố trận, đã huy động mọi thứ, tấn công từ nhiều phía, và khiến quân Pháp thực sự hoảng loạn, mặc dù người Pháp có đầy đủ các phương tiện và máy bay chiến đấu. Khi đọc các tác phẩm về trận chiến Điện Biên Phủ, giáo sư Abdallah cảm tưởng giống như đang xem một bộ phim lịch sử hành động hào hùng.
Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ cáo chung, Mỹ thay chân Pháp ném vào chiến trường hàng trăm ngàn quân, với biết bao vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ. Tiềm lực khổng lồ của công nghiệp chiến tranh Mỹ không thể thắng nổi đường Trường Sơn, con đường của lòng dân. Pháo đài B52 tưởng chừng “bất khả xâm phạm” của công nghệ chiến tranh Mỹ đã bị thiêu cháy trên bầu trời Hà Nội.
Chân trần nhưng chí thép - hình tượng tuy ngắn gọn nhưng đã đủ để mô tả về Quân đội nhân dân Việt Nam. Một đội quân được võ trang bằng ý chí thép, được sinh ra từ nhân dân, biết dựa vào nhân dân để chiến công, nối tiếp chiến công, để mang lại độc lập, tự do, thống nhất cho tổ quốc.
Mạnh Hùng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chan-tran-nhung-chi-thep-290297.htm