Áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa gửi văn bản đến các nhà mạng tại Việt Nam yêu cầu chặn ứng dụng Telegram. Các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu báo cáo kết quả và giải pháp xử lý về Cục trước ngày 2/6.
Đa số các hội nhóm trên Telegram tại Việt Nam liên quan đến lừa đảo, phản động
Trước đó, Cục Viễn thông nhận được văn bản của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo cơ quan công an, có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy; có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...
Bên cạnh đó, nền tảng này cũng là công cụ chính trong nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng, hơn 13.000 nạn nhân bị ảnh hưởng và hơn 23 triệu dữ liệu cá nhân bị rao bán công khai.
Telegram không chấp hành quy định pháp luật tại Việt Nam
Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam: phải có trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý; kiểm tra giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam triển khai các biện pháp kỹ thuật để "ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet".
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam.
Theo công văn này, việc lợi dụng hoạt động viễn thông thực hiện các hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 9 Luật Viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch vụ (điểm đ khoản 2 Điều 13 Luật Viễn thông).
Bên cạnh đó, căn cứ theo pháp luật về viễn thông, từ ngày 1/1/2025 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên Telegram không chấp hành quy định.
Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông, Với các vi phạm Điều 9 Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn (điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐCP).
Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ được quy định Nghị định 163/2024/NĐ-CP, triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Trang Linh