Trước đó, bệnh nhân P.K, 18 tuổi, quê An Giang cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất do chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng trong tình trạng hôn mê sâu.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức, đặt nội khí quản và hội chẩn chuyên khoa. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng, bệnh viện đã tiến hành kích hoạt Chi hội Vận động hiến ghép mô tạng của đơn vị và giải thích kĩ với gia đình bệnh nhân. Gia đình đồng ý hiến tặng tạng, trong trường hợp chàng trai chết não.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy mô tạng của chàng trai 18 tuổi để cứu nhiều người
Sau 7 ngày điều trị, khi nguy cơ chết não của bệnh nhân cận kề, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân từ cơ sở pháp lý đến chuyên môn bằng các hội đồng độc lập.
Các chuyên gia từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, các bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, Trung ương Huế, Đại học Y Dược TPHCM cùng đến nơi phối hợp hỗ trợ.
Ngày 23/11, chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã cùng với Bệnh viện Thống Nhất tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.
Cảnh sát giao thông TPHCM dẫn đoàn cho xe cấp cứu chở tạng hiến ra sân bay (Ảnh Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia)
Sáng 24/11, sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, PGS.TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Đến 10h20 phút cùng ngày, hội đồng hoàn thành thủ tục xác định chết não. Ngay sau đó, các chuyên gia thực hiện phẫu thuật lấy mô tạng và chuyển đi các trung tâm ghép tạng.
Tạng hiến được bảo quản để lên máy bay ra Hà Nội và Huế (Ảnh Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia)
PGS.TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: “Chúng ta phải báo cáo với cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, và Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an để thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý cho bệnh nhân. Việc đánh giá chết não được thực hiện rất cẩn thận, phải họp đi họp lại nhiều lần để đưa ra quyết định, bởi đây là sinh mạng của một con người. Vì vậy, các bằng chứng đưa ra phải hết sức xác đáng, khi đó chúng ta mới tiến hành các bước tiếp theo”.
Sau đó, có 2 quả thận được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, quả tim và một phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một phần gan ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 2 giác mạc được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Phút mặc niệm tưởng nhớ người hiến tạng tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM trong buổi cung cấp thông tin (Ảnh: Thùy Liên)
TS.Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan mật tụy Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sau ca phẫu thuật ghép tạng, bệnh nhi đã ổn định, tự thở: “Riêng với bé và những đồng đội, sáng hôm sau bé đã nói lại được những câu đầu tiên như “Mẹ đâu?”, “Ba đâu?”. Điều đó thực sự mang đến niềm hạnh phúc rất lớn. Cuối tuần vừa qua, chúng tôi cùng nhau phối hợp và hoàn thành những công việc rất ý nghĩa. Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với nạn nhân đã hiến tạng, đã trao tặng các bộ phận cơ thể mình để cứu sống người khác. Chúng tôi nhận thấy rằng, ý nghĩa của việc hiến tạng từ những người cho chết não là vô cùng to lớn”.
Kim Dung/VOV-TP.HCM