Chàng trai 19 tuổi hôn mê vì ăn 2 loại thực phẩm này suốt 2 năm

Chàng trai 19 tuổi hôn mê vì ăn 2 loại thực phẩm này suốt 2 năm
4 giờ trướcBài gốc
Theo tờ Stheadline, nam thanh niên 19 tuổi ở Ninh Ba (Trung Quốc) đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ số chất béo trung tính (triglyceride) của bệnh nhân vượt quá 45 mmol/l, lượng đường trong máu vượt quá 65 mmol/l, trong khi mức đường huyết sau khi ăn bình thường không vượt quá 11,1 mmol/l.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và viêm tụy cấp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hôn mê đột ngột của anh là tăng áp lực thẩm thấu do lượng đường trong máu quá cao.
Ảnh minh họa.
Qua tìm hiểu, nam thanh niên thường xuyên ăn gà rán và uống trà sữa. Sau 6 tháng ăn và uống 2 loại thực phẩm này, nam thanh niên tăng từ 75 kg lên 95 kg.
Sau một thời gian dài tiêu thụ đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường và dầu mỡ, bệnh nhân có dấu hiệu thường xuyên bị khát nước. Trước khi rơi vào tình trạng hôn mê, nam thanh niên đã bị đau bụng đến ngất xỉu.
Theo bác sĩ Chu Kiến An, khoa Nội tiết và Chuyển hóa, Bệnh viện Trường Canh (Đài Loan, Trung Quốc), việc đánh giá một người mắc bệnh tiểu đường chỉ dựa trên hình dáng cơ thể có thể không chính xác, người mắc tiểu đường không nhất thiết phải bị béo phì.
Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ Chu Kiến An cho biết chúng ta còn có thể tự đánh giá nguy cơ mắc tiểu đường dựa trên biểu hiện của da, thị lực và nước tiểu:
-Các nếp gấp da sẫm màu: Các nếp da như cổ, nách bị ảnh hưởng bởi tình trạng kháng insulin thường trở nên dày, sẫm màu hơn.
-Tăng lượng thức ăn/nước uống/số lần đi tiểu: Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ liên tục muốn đi tiểu để bài tiết lượng đường dư thừa, điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng khát nước thường xuyên. Lượng đường bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc thức ăn không được hấp thụ hoàn toàn, có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn.
-Dễ mệt mỏi: Lượng đường trong máu sẽ bị đào thải theo nước tiểu khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng và mất nước. Khi triệu chứng này xảy ra, lượng đường trong máu có thể nằm ngoài tầm kiểm soát và bạn cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt.
-Nhiễm trùng đường tiết niệu: Lượng đường trong máu cao sẽ khiến lượng lớn đường bị đào thải qua nước tiểu. Đường có thể làm sinh sôi vi khuẩn trong niệu đạo, gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
-Nhìn mờ: Giác mạc có thể bị phù do lượng đường trong máu cao, khiến thị lực bị mờ. Nếu mắc bệnh tiểu đường, nhiều khả năng bạn sẽ mắc bệnh về võng mạc, thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp.
-Sụt cân nhanh chóng: Tình trạng mất nước do bệnh tiểu đường có thể khiến bạn sụt cân nhanh chóng. Nếu bạn nhận thấy cơ thể mình giảm 10kg trong 2 tháng thì hay xem xét nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
-Vết thương khó lành: Máu của bệnh nhân tiểu đường có chứa đường. Chúng sẽ ngăn chặn các tế bào miễn dịch tiếp cận vết thương để loại bỏ vi khuẩn, khiến vết thương khó lành. Khi tình trạng này xảy ra, người bệnh thường ở giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường.
-Phụ nữ cũng có thể bị ngứa bộ phận sinh dục.
Bệnh đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh.
- Tim và mạch máu: Vì sự tăng đường glucose máu mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim mạch. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Thận: Suy thận cũng là một trong những biến chứng thường gặp của người đái tháo đường. Nếu nặng bệnh nhân phải chạy thận hoặc ghép thận.
- Biến chứng mắt: Lượng đường trong máu cao có thể làm hư các mạch máu nhỏ ở đáy mắt gây tổn thương thị giác. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa.
- Dây thần kinh bị ảnh hưởng có thể gây ra biến chứng bàn chân đái tháo đường và các rối loạn tình dục.
- Tổn thương da lâu lành: Người bị bệnh đái tháo đường vết thương lâu lành dẫn đến tình trạng dễ nhiễm trùng do máu huyết lưu thông kém.
- Rối loạn giấc ngủ: Ngủ không ngon, bị mất ngủ, hay ngủ gà ngủ gật.
Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện. Vì vậy cần chú ý đến những điều sau để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
Ăn uống:
-Ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây.
-Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều tinh bột.
-Tránh thực phẩm nội tạng động vật, thức uống nhiều đường (nước ngọt).
Tập luyện:
Ảnh minh họa.
-Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần.
-Kiểm soát chỉ số BMI từ 18-25.
Trong đó việc khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh, 6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ và điều trị thường xuyên đối với người đã mắc bệnh là rất quan trọng.
Minh Hoa (t/h theo Znews, Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/chang-trai-19-tuoi-hon-me-vi-an-2-loai-thuc-pham-nay-suot-2-nam-204241216105507622.htm