Bùi Thịnh Đa với niềm đam mê làm búp bê khớp cầu
Búp bê khớp cầu mô phỏng theo cơ thể người thật. Các bộ phận của búp bê không được gắn trực tiếp vào nhau mà sử dụng các khớp hình cầu riêng lẻ. Việc này giúp người chơi có thể tạo dáng linh hoạt, thay đổi kết cấu búp bê theo ý muốn.
Nói về cơ duyên đến với nghệ thuật làm búp bê khớp cầu, Thịnh Đa cho biết, vào thời điểm đang học lớp 6, trong lúc lướt mạng, cậu vô tình thấy loại búp bê này và lập tức bị ấn tượng, mong muốn có được một con búp bê như vậy. Tuy nhiên, do giá của chúng quá cao nên cậu đã quyết định mua đất sét về nặn để thỏa trí tò mò. Càng nặn, Thịnh Đa càng bị lôi cuốn và nhận ra đây chính là đam mê của mình nên tập trung nghiên cứu, thực hành.
Bùi Thịnh Đa với niềm đam mê làm búp bê khớp cầu
Quãng thời gian sau đó thật sự không đơn giản đối với Thịnh Đa bởi búp bê khớp cầu vẫn là bộ môn mới lạ ở Việt Nam. Do vậy, cậu phải mày mò học hỏi qua sách vở, qua internet rồi dần dần tích lũy kinh nghiệm. Thế nhưng khó khăn lớn nhất đối với nam sinh này trong việc theo đuổi đam mê không phải đến từ mức giá cao của búp bê hay việc phải tự học mà là sự phản đối từ phía gia đình.
"Ban đầu, ba mẹ tôi hoàn toàn không ủng hộ bởi vì suy nghĩ búp bê chỉ dành cho bé gái. Nhưng tôi đã cố gắng chứng minh cho ba mẹ hiểu rằng búp bê là một bộ môn nghệ thuật. Muốn tạo ra một tác phẩm đẹp, người nghệ sĩ cần rất nhiều kỹ năng như phải học về giải phẫu học, cách làm khớp, may trang phục, trang điểm…", Thịnh Đa chia sẻ.
Các tác phẩm của Thịnh Đa
Với những nỗ lực không ngừng, Thịnh Đa đã dần khẳng định được bản thân với những tác phẩm mang thông điệp tích cực và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có cả ba mẹ mình. Đây cũng là động lực để cậu tiếp tục theo đuổi đam mê. Khi có kinh nghiệm, Thịnh Đa xác định phong cách sáng tạo búp bê khớp cầu riêng cho mình.
Thịnh Đa cho hay, các tác phẩm của anh hướng đến sự không hoàn hảo như tác phẩm cô nàng búp bê mang bệnh bạch biến. Khi được đưa lên các diễn đàn, tác phẩm này nhận được sự quan tâm, đồng cảm của nhiều người. "Tôi mong muốn mọi người có cái nhìn thoáng hơn về tiêu chuẩn cái đẹp, cái đẹp không chỉ nằm ở bề ngoài mà con cả tính cách, nội tâm", Thịnh Đa chia sẻ.
Khi khẳng định được bản thân, Thịnh Đa có thể kiếm tiền từ nghề làm búp bê. Mỗi búp bê khớp cầu có giá hàng triệu đồng, tùy từng sản phẩm. Trong đó, Thịnh Đa chủ yếu tạo hình búp bê theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài. Đối với bất cứ đơn hàng nào, cậu cũng có sự chọn lọc kỹ lưỡng và chỉ nhận những ý tưởng phù hợp. Trung bình cậu phải mất 3-4 tháng mới hoàn thiện xong 1 tác phẩm, thậm chí có tác phẩm kéo dài đến 3 năm.
Tác phẩm búp bê khớp cầu của Bùi Thịnh Đa
Không chỉ làm búp bê theo đơn đặt hàng, Thịnh Đa còn mở workshop làm búp bê khớp cầu, thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm bởi sự thú vị và độc đáo của bộ môn này. Nhiều năm gắn bó với làm búp bê khớp cầu đã giúp cho chàng trai "Gen Z" này rèn luyện được tính kiên trì.
"Tôi nghĩ không chỉ riêng làm búp bê mà trong mọi việc, khi muốn học hỏi cái gì mới, mình cũng phải quyết tâm và kiên trì theo đuổi. Trong tương lai, tôi mong muốn tạo ra được những tác phẩm mang nhiều chủ đề hơn. Gần đây, tôi cũng đang triển khai một dự án búp bê mặc trang phục truyền thống của người Việt với mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới", Bùi Thịnh Đa chia sẻ.
Mộc Miên