Chàng trai Tây Ninh 'hô biến' đồ chơi thơ bé thành tác phẩm nghệ thuật triệu view

Chàng trai Tây Ninh 'hô biến' đồ chơi thơ bé thành tác phẩm nghệ thuật triệu view
một giờ trướcBài gốc
Chàng thợ cắt tóc “thất nghiệp” và hành trình biến đam mê thành thu nhập
Sinh năm 1987, tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, anh Lê Ngọc Dư có niềm yêu thích đặc biệt với việc làm đồ thủ công từ khi còn nhỏ. Anh được mệnh danh "chú Cuội" bởi tài nghệ sáng tạo tuyệt vời và niềm đam mê không giới hạn của mình với nghề truyền thống.
"Chú Cuội" Lê Ngọc Dư và những tác phẩm đầy tâm huyết.
Những ngày tháng thơ bé, anh Dư cùng người anh sinh đôi vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên đã tự tay làm những món đồ chơi từ những thứ xung quanh như cây tre, cây trúc trong vườn nhà. Vốn yêu thích sự sáng tạo nên dù thiếu thốn về kinh tế không ngăn cản được 2 anh em nhà anh Dư tạo ra những thứ mới mẻ từ những nguyên liệu sẵn có. Những cây tre, trúc xung quanh nhà trở thành nguyên liệu lý tưởng để hai anh em bắt đầu mày mò sáng tạo.
Niềm đam mê này không ngừng lớn lên và được vun đắp qua thời gian. Dư kể, khi dịch Covid-19 xảy ra, công việc làm mẫu tóc của anh và anh trai bị gián đoạn. Trong thời gian đó, họ có nhiều cơ hội hơn để quay lại với thú vui thủ công mỹ nghệ.
Anh Dư cho biết, thời điểm dịch bệnh khiến cuộc sống bị đảo lộn, mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhưng đồng thời cũng cho 2 anh em có cơ hội nhìn nhận lại những gì mình thật sự đam mê. Với tinh thần kiên trì và niềm yêu thích cái đẹp, họ bắt đầu sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo từ những chất liệu quen thuộc xung quanh nhà.
Bàn tay khéo léo của anh em anh Dư tạo ra những sản phẩm thủ công từ nguyên liệu quê hương.
Cũng từ thời điểm này, niềm đam mê làm đồ thủ công không chỉ còn là sở thích, mà giờ đã nhen nhóm trở thành nguồn thu nhập ổn định cho anh Lê Ngọc Dư. Càng làm càng mê, anh Dư và anh trai tiếp tục tìm tòi, học hỏi, tham khảo từ công nghệ và từ đó hoàn thiện được thêm nhiều món đồ độc lạ hơn.
Những sản phẩm được tạo ra từ tre, trúc, gáo dừa không chỉ đẹp mắt mà còn mang giá trị nghệ thuật cao. Dưới bàn tay tài hoa của anh Dư, những món đồ này trở nên sống động và chân thực, gợi nhớ về vẻ đẹp bình dị của thôn quê Việt Nam.
Một trong những sản phẩm nổi bật của chàng trai Tây Ninh là chuông gió con cò, tác phẩm được lấy cảm hứng từ những chiếc chuông gió thông thường nhưng Dư đã sáng tạo thêm về chất liệu và kiểu dáng, biến chúng thành phiên bản đặc biệt.
Dư không ngừng tìm tòi cách sử dụng những phần khác nhau của cây tre, trúc để tạo ra hình dáng giống với những con vật. Anh Dư chia sẻ, mỗi chi tiết nhỏ trên sản phẩm đều được tính toán tỉ mỉ, từ việc chọn phần gốc cây tre để làm thân cá, đến việc làm từng cọng lông cánh của con cò. Tất cả đều phải chân thực và sống động nhất có thể.
Những sản phẩm thủ công của Dư không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn thể hiện sự tỉ mỉ, kỳ công và đầy tâm huyết. Mỗi sản phẩm có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để hoàn thành.
Đặc biệt, những mẫu phức tạp, như "ếch hứng bi", một tác phẩm được chế tác từ thân tre có hình dáng tự nhiên, đòi hỏi sự chính xác trong việc cân bằng và thiết kế. Để hoàn thiện tác phẩm này, Dư đã mất gần nửa năm tìm kiếm nguyên liệu và hiện thực hóa ý tưởng.
Biến trò chơi thơ bé thành những sản phẩm nghệ thuật triệu view
Để lưu giữ quá trình sáng tạo, anh Dư đã nghĩ đến việc quay video và chia sẻ lên mạng xã hội TikTok nhưng không ngờ rằng những video này lại nhanh chóng trở nên viral, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ.
Video về chuông gió con cò của anh đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng, mang đến hàng chục triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều người tỏ ra thích thú trước sự sáng tạo độc đáo và tỉ mỉ trong từng chi tiết của các sản phẩm thủ công. Cũng từ đây, biệt danh "chú Cuội" của Dư ra đời, thể hiện sự gần gũi, mộc mạc nhưng không kém phần tài năng của anh.
Cộng đồng mạng thích thú trước những tác phẩm thủ công đẹp mộc mạc.
Sự lan tỏa của các video không chỉ giúp Dư nổi tiếng mà còn giúp anh kết nối với nhiều người có chung đam mê. Khách hàng của anh không ngừng tìm đến, có những người sẵn sàng đặt mẫu trước cả năm để sở hữu một sản phẩm độc quyền. Giá của các sản phẩm cũng rất đa dạng, từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào độ phức tạp và kích thước. Điều này đã giúp anh Dư có nguồn thu nhập ổn định từ đó tập trung hoàn toàn vào công việc sáng tạo.
Mặc dù đã từng bước thành công trên con đường sáng tạo thủ công, anh Dư không chỉ muốn dừng lại ở việc tạo ra các sản phẩm để bán mà anh còn khao khát mong muốn gửi gắm những thông điệp về việc giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam qua từng tác phẩm.
Đối với anh Dư, mỗi sản phẩm không chỉ là món đồ trang trí mà còn mang trong mình cái hồn của vùng quê, nơi anh lớn lên và đã truyền cảm hứng cho anh trong suốt cuộc đời.
Nhìn vào tương lai, anh Lê Ngọc Dư vân đang nung nấu và ấp ủ cho mình những dự định lớn hơn. Anh mong muốn sẽ đến 1 ngày có thể mở một xưởng sản xuất thủ công bài bản để có thể chia sẻ kinh nghiệm và truyền đam mê cho các bạn trẻ.
Anh Dư từng chia sẻ, bản thân muốn tạo ra một không gian để các bạn trẻ có thể tiếp xúc và học hỏi về nghề làm sản phẩm thủ công. Đây không chỉ là một công việc, mà còn là cách để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Dự định mở xưởng không chỉ giúp anh Dư tiếp tục phát triển nghề nghiệp mà còn tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ đam mê đồ thủ công có cơ hội được trải nghiệm, học hỏi và phát triển tài năng. Anh hy vọng rằng, những sản phẩm thủ công từ tre, trúc của mình sẽ vượt qua biên giới, để bạn bè quốc tế biết đến và trân trọng hơn nghề thủ công độc đáo của Việt Nam.
Câu chuyện của anh Lê Ngọc Dư không chỉ là hành trình của một chàng trai yêu thích sự sáng tạo, mà còn là câu chuyện về niềm đam mê, kiên trì và khát khao bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Bằng đôi tay tài hoa và tâm hồn đầy nhiệt huyết, anh đã biến những vật liệu bình dị thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lan tỏa tình yêu với thủ công mỹ nghệ và đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Thanh Nam
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/chang-trai-tay-ninh-ho-bien-do-choi-tho-be-thanh-tac-pham-nghe-thuat-trieu-view-c17a83758.html