Chỉ thị số 06/2024 của Chánh án TAND Tối cao đã nêu rõ phương châm công tác trong năm 2025 của ngành Tòa án là “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”. Từ đó, Chánh án TAND Tối cao đã yêu cầu Chánh án TAND các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chánh án TAND Tối cao giao là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, TAND các cấp triển khai, ứng dụng có hiệu quả các phần mềm đã đưa vào sử dụng, nhất là phần mềm trợ lý ảo, quản lý án, quản lý văn bản và điều hành...
Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức. Ảnh: HỮU ĐĂNG
TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào xét xử và xây dựng tòa án điện tử tại TP.HCM.
Nhân dịp đầu năm mới, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề xây dựng tòa án điện tử tại đơn vị này.
. Thưa ông, xây dựng tòa án điện tử, chuyển đổi số trong hệ thống tòa án đang được TAND Tối cao, TAND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong những năm qua. Xin ông cho biết TAND TP Thủ Đức đã thực hiện việc chuyển đổi số này như thế nào?
+ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 – 2030 với chủ đề chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược được nêu ra tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp đó là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành TAND. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của điều này, TAND TP Thủ Đức đã xác định những bước đi quan trọng để tiến đến tòa án điện tử, trước hết là việc chuyển đổi số.
TAND TP Thủ Đức là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về áp dụng công nghệ vào công tác xét xử trực truyến. Ảnh: THANH TRÍ
Như đã biết, TAND TP Thủ Đức được thành lập từ năm 2021. Yêu cầu cấp bách và tiên quyết là thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành. Ban lãnh đạo đơn vị đã quyết tâm xây dựng hệ thống văn phòng số, trong đó toàn bộ dữ liệu đầu vào và đầu ra đều được quản lý trên phần mềm. Với gần 20.000 văn bản được phát hành mỗi năm, việc quản lý vận hành trên phần mềm đã sớm đưa đơn vị hoạt động ổn định và phát triển
Bên cạnh đó, TAND TP Thủ Đức có bề dày lịch sử, với lượng án văn từ năm 1976 đến nay là rất lớn, văn bản giấy sẽ bị xuống cấp theo thời gian. Năm 2023, TAND TP Thủ Đức đã đi đầu trong việc chuyển đổi số qua việc số hóa toàn bộ 118.000 bản án, quyết định từ năm 1976 đến nay.
Đây là những con số biết nói, thể hiện quyết tâm của toàn đơn vị trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
. TP Thủ Đức là địa bàn rộng, số lượng vụ án phải giải quyết cao nhất trong các đơn vị của TAND hai cấp TP.HCM. Vậy việc áp dụng các giải pháp, phần mềm trong giải quyết án có những lợi ích gì cho cả thẩm phán và người dân?
+ TAND TP Thủ Đức hàng năm có số lượng giải quyết án hơn 8.000 vụ việc. Việc áp dụng các giải pháp, phần mềm trong giải quyết án giúp Ban lãnh đạo đơn vị, thẩm phán quản lý được số liệu đầu vào, đầu ra, đặc biệt là án tồn.
Trên cơ sở đó, thẩm phán chủ động trong việc lập kế hoạch giải quyết án, Ban lãnh đạo đơn vị dễ dàng theo dõi, truy xuất số liệu phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành; kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.
Công tác lãnh đạo, điều hành được thông suốt sẽ giúp việc giải quyết án thuận lợi, tạo sự yên tâm, tin tưởng khi người dân đến liên hệ công tác cũng như tham gia tố tụng.
. TAND TP Thủ Đức là một trong những đơn vị tiên phong của TAND hai cấp TP trong việc xây dựng tòa án điện tử. Xin ông cho biết trong năm 2025 đơn vị của mình đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào? Những kiến nghị, giải pháp đối với tòa án cấp trên để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tòa án điện tử là gì?
+ Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ có sự đột phá, góp phần đem lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Do vậy, cần đặt ra những bài toán về chuyển đổi số trong công tác phối hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính nói chung và giữa tòa án với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương nói riêng.
UBND TP Thủ Đức, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức triển khai phát hành và tiếp nhận văn bản đi và đến theo hình thức văn bản điện tử thông qua phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng. Điều này giúp quản lý hiệu quả công việc và văn bản đi, đến.
Bên cạnh đó, TAND TP Thủ Đức gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ là nơi cư trú của đương sự. Hiện nay, việc gửi và nhận phiếu xác minh cư trú chưa thực hiện qua “Phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng” mà phải giao và nhận trực tiếp tại trụ sở Công an các phường trên địa bàn nên mất nhiều thời gian, công sức.
Do đó, TAND TP Thủ Đức đang phối hợp với các cơ quan khối nội chính trong việc ứng dụng chuyển đổi số, phối hợp lãnh đạo điều hành, gửi nhận văn bản trên cơ sở chính phủ điện tử.
TAND TP Thủ Đức sẽ nghiên cứu triển khai việc cung cấp bản sao bản án, quyết định cho các cơ quan, ban ngành theo quy định trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng.
Đồng thời kiến nghị nghiên cứu việc gửi và nhận kết quả xác minh cư trú tại Công an các phường trên địa bàn TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung cần được thực hiện qua phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, văn bản trả lời được thực hiện bằng chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
. Xin cảm ơn ông!
TP.HCM: Chính thức tiếp nhận nộp tạm ứng án phí trên cổng dịch vụ công Quốc gia
Theo quyết định của Chánh án TAND Tối cao về việc triển khai áp dụng dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo quyết định này thì tòa án cấp sơ thẩm bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 31-12-2024; còn tòa án cấp phúc thẩm triển khai thực hiện từ ngày 31-5-2025.
Ngay sau khi quyết định được ban hành, TAND TP.HCM đã tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác đóng tạm ứng án phí, lệ phí trên cổng dịch vụ công Quốc gia để TAND quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai áp dụng.
Việc triển khai áp dụng nộp án phí, lệ phí tòa án trên Cổng dịch vụ công sẽ giúp cho người dân thuận tiện, nhanh chóng trong việc đóng tạm ứng án phí, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời góp phần vào quá trình chuyển đổi số của tòa án.
HỮU ĐĂNG