'Chảo lửa' Trung Đông - biến số khó lường trên thị trường dầu mỏ

'Chảo lửa' Trung Đông - biến số khó lường trên thị trường dầu mỏ
3 giờ trướcBài gốc
Động thái này làm dấy lên những câu hỏi về xu hướng biến động giá dầu trong thời gian tới, giữa bối cảnh xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang và xuất hiện những lo ngại mới về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ.
Hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, LB Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Mối đe dọa về nguồn cung
Trong cuộc họp mới nhất, JMMC nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính then chốt của việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Ủy ban sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ các điều chỉnh sản lượng đã được thống nhất tại cuộc họp của khối này vào ngày 2/6/2024. OPEC có đủ năng lực dự trữ dầu mỏ để bù đắp cho việc mất hoàn toàn nguồn cung từ Iran nếu Israel tấn công cơ sở hạ tầng của nước này. Tuy nhiên, OPEC sẽ gặp khó khăn nếu Iran trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng của các nước láng giềng vùng Vịnh.
Iran, thành viên OPEC, hiện sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 3% sản lượng dầu toàn cầu. Xuất khẩu dầu của Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã tăng lên mức gần cao kỷ lục 1,7 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ lượng đơn đặt hàng lớn từ các nhà máy lọc dầu Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết Israel có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran, đe dọa nguồn cung năng lượng của nước này.
Ông Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects, nói rằng: "Về lý thuyết, nếu toàn bộ sản lượng dầu của Iran bị mất- điều không nằm trong kịch bản dự đoán của chúng tôi - OPEC+ vẫn có đủ năng lực dự trữ để bù đắp cú sốc đó". Trong những năm gần đây, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng đáng kể để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Do đó, nhóm này đang nắm giữ hàng triệu thùng dầu dự trữ. Các nhà sản xuất dầu thuộc OPEC+ hiện cắt giảm tổng cộng 5,86 triệu thùng dầu/ngày. Các chuyên gia ước tính Saudi Arabia có thể tăng sản lượng thêm 3 triệu thùng/ngày và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất có thể tăng cường 1,4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nguồn cung dự phòng này tập trung ở vùng Vịnh Ba Tư, nên dễ bị tổn thương nếu xung đột leo thang.
Cuộc họp OPEC+ hôm 2/10 không đề cập đến xung đột giữa Israel và Iran, nhưng một số thành viên hy vọng tình hình sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại ngân hàng UBS, công suất dầu mỏ dự phòng có thể giảm đáng kể nếu các cơ sở sản xuất năng lượng trong khu vực bị tấn công. Trong trường hợp đó, phương Tây có thể phải sử dụng kho dự trữ chiến lược.
Xung đột tại Trung Đông có thể khiến giá dầu tăng cao, nhất là nếu sản lượng bị ảnh hưởng mạnh. Điều này có thể làm tăng giá nhiên liệu và gây khó khăn cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11.
Mặc dù vậy, ông Rhett Bennett, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty kinh doanh năng lượng Black Mountain, cho rằng sự gia tăng sản lượng dầu từ Mỹ đã giúp thị trường giảm bớt lo ngại về các cú sốc nguồn cung. Mỹ hiện sản xuất 13% dầu thô toàn cầu, giúp ổn định thị trường trước những biến động từ Trung Đông.
Vì sao giá vẫn thấp?
Mặc dù căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, giá dầu hiện vẫn ở mức dưới 75 USD/thùng, mức thấp nhất trong chín tháng, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Các nhà phân tích cho biết Saudi Arabia cần giá dầu đạt 85 USD/thùng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế.
Giá dầu thấp đã buộc các thành viên OPEC+ phải hoãn tăng sản lượng thêm hai tháng so với kế hoạch ban đầu, đến tháng 12/2024. Saudi Arabia cũng đã từng để ngỏ khả năng tăng sản lượng nếu cảm thấy các nhà sản xuất khác đang lợi dụng nỗ lực bảo vệ giá dầu của họ.
Theo tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia mới đây đã cảnh báo rằng giá dầu có thể giảm xuống còn 50 USD/thùng nếu các thành viên OPEC+ không tuân thủ các mức hạn chế sản lượng trong thỏa thuận. Theo các đại biểu OPEC+, phát biểu này được coi là một lời đe dọa ngầm từ Saudi Arabia, sẵn sàng phát động một cuộc chiến giá cả để giữ thị phần nếu các nước khác không tuân theo thỏa thuận của nhóm.
Ông Asawin Panterdthai, nhà phân tích tại tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT Plc, dự đoán giá dầu toàn cầu khó có thể tăng trong quý IV/2024, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trì trệ. Theo ông Asawin, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ước đạt 4,7% trong quý III/2024, thấp hơn mức ước tính trung bình của cả năm là 5%. Kinh tế Trung Quốc trì trệ chủ yếu là do tác động từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu là chính sách của Mỹ sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 5/11, được cho là có khả năng ngăn chặn giá dầu tăng. Mặc dù Mỹ là quốc gia sản xuất dầu lớn, nhưng nước này cũng cần nhập khẩu một lượng dầu đáng kể để phục vụ cho nền kinh tế. Ông Asawin cho biết Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay để thúc đẩy nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu dầu của Mỹ cao hơn vào mùa Đông.
Ngân hàng Wells Fargo dự kiến trong năm 2025 giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) dự kiến đạt mức trung bình 65 USD/thùng. Tuy nhiên, Wells Fargo thừa nhận rằng một số yếu tố có thể làm thay đổi diễn biến của giá dầu, bao gồm sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu nhanh hơn dự kiến.
Triển vọng tiêu thụ
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng công bố hồi giữa tháng 9 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 khoảng 70.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 7,2%, xuống còn 900.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm tốc. IEA dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc chỉ tăng 180.000 thùng/ngày trong năm 2024 trong bối cảnh xe điện trở nên phổ biến và kinh tế khó khăn.
IEA cho biết, do nhu cầu dầu của Trung Quốc dường như đang giảm tốc và tại hầu hết các quốc gia khác, nhu cầu dầu chỉ tăng khiêm tốn hoặc giảm. Vì vậy, IEA càng có cơ sở để dự báo rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, tuần trước, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn, nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ tại Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông, trong khi quá trình chuyển dịch sang xe điện và nhiên liệu sạch chậm lại trên thế giới.
Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng trong thời gian dài hơn so với các dự báo của những công ty dầu khí đa quốc gia và IEA. Trong trung hạn, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 111 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tăng 800.000 thùng/ngày so với dự báo năm 2023. Đến năm 2029, nhu cầu dầu thế giới là 112,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 6 triệu thùng/ngày so với dự báo của IEA.
OPEC đánh giá nhu cầu dầu thế giới tăng trong trung hạn là do tình hình kinh tế thế giới trong năm nay cải thiện hơn so với năm ngoái khi áp lực lạm phát giảm dần và các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất. Về dài hạn, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự báo năm 2023. Đến năm 2050, nhu cầu dầu thế giới là 120,1 triệu thùng/ngày.
Theo Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais, nhu cầu năng lượng trong tương lai phần lớn do các nước đang phát triển chi phối, do dân số, tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Ông Al Ghais kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan hợp tác để đảm bảo môi trường đầu tư thân thiện trong dài hạn.
Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/chao-luatrung-dong-bien-so-kho-luong-tren-thi-truong-dau-mo-20241003205634212.htm