Nhân dân Đà Lạt mít tinh mừng giải phóng, ngày 3/4/1975. Ảnh: Tư liệu
• NHỮNG NĂM THÁNG GIAN KHỔ MÀ HÀO HÙNG
Đã ngoài 80 tuổi nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Huỳnh Minh Xuyến - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng vẫn vẹn nguyên kỷ niệm những tháng ngày tham gia kháng chiến. Từ một người lính ở chiến trường Tuyên Đức, năm 1974, ông được điều về huyện Đơn Dương phụ trách công tác Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng của huyện, sau đó ra làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền công tác (Đội công tác K1).
Trong câu chuyện được kể rành mạch từng mốc thời gian, từng sự kiện, ông Huỳnh Minh Xuyến cho hay, huyện Đơn Dương vào những năm 1972 - 1974 rơi vào tình cảnh “thoái trào”, bị địch đánh úp làm cho lực lượng của ta tổn thất nặng nề. Khi Đội công tác K4 bị “xóa sổ”, Đội công tác K1 của ông cũng phải lập đi lập lại mấy lần vì nhiều người hy sinh và đảm nhận nhiều địa bàn ở huyện. Những tháng ngày sống trong vùng địch, ông và đồng đội đã nỗ lực móc nối, xây dựng cơ sở từ bên trong. Gian khổ, hiểm nguy là vậy, có lần bị thương, nhưng trong lòng người lính Cụ Hồ này vẫn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Để đến ngày 2/4/1975, khi ta giành chiến thắng nhiều nơi, địch hoảng sợ tháo chạy về Phan Rang, Đội công tác K1 vào tiếp quản và thiết lập chính quyền ở Thạnh Mỹ, Lạc Lâm rồi cùng bộ đội 815 tăng cường về các thôn, ấp để thiết lập chính quyền quân quản.
Đà Lạt sau 50 năm giải phóng nhiều đổi thay và phát triển, nhưng trong tâm trí ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phụ trách Đội Công tác Thanh niên, Sinh viên, Học sinh nội thành Đà Lạt những năm 1960 đến tháng 4/1975, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng không thể quên được những tháng ngày “sống trong lòng địch”. Là người đã từng xông pha một thời hoa lửa tham gia phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông kể rằng, đó là những năm tháng gian khổ mà hào hùng. “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho phong trào đấu tranh chính trị trong thành phố bùng mạnh, tạo thành áp lực về chính trị để địch lung lay, lo sợ, khí thế của Nhân dân từ đó ngày càng hào hùng, tiến lên đấu tranh giải phóng thành phố…”, ông Hoàng chia sẻ.
Đấu tranh chính trị, không có vũ khí, trực diện với kẻ thù và chấp nhận sự hy sinh, ông cùng đồng đội đã phải khéo léo, sáng tạo hoạt động để địch không phát hiện mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Và phong trào đấu tranh chính trị nội thành của Nhân dân mà trong đó, tổ chức Đoàn và lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh trong lòng đô thị Đà Lạt đã có những đóng góp tích cực vào giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng vào ngày 3/4/1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cựu chiến binh Huỳnh Minh Xuyến - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng bồi hồi bên những kỷ vật những ngày tham gia kháng chiến tại huyện Đơn Dương
BỪNG LÊN KHÍ THẾ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Đà Lạt - Lâm Đồng là địa phương diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, liên tục từ những ngày đầu khó khăn, gian khổ đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử, góp phần cùng Nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị quyết định hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, phong trào cách mạng hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức có bước phát triển mới, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu bình định, lấn chiếm của địch, củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng bên trong. Sau khi giải phóng Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung, được sự chi viện của các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang Lâm Đồng cùng với phong trào quần chúng nhanh chóng chớp thời cơ tiến công và nổi dậy đánh địch và giành được những thắng lợi vang dội, có tính chất quyết định ở thị xã B’lao, Bảo Lộc, Đồng Đò (Di Linh). Ngày 28/3/1975, tỉnh Lâm Đồng (cũ) hoàn toàn được giải phóng.
Sau khi tỉnh Lâm Đồng được giải phóng, Bộ Chỉ huy tiền phương của Khu ủy và Quân khu 6 quyết định tiếp tục tấn công, truy kích địch, thực hiện kế hoạch giải phóng Tuyên Đức - Đà Lạt. Tại Đà Lạt, quân địch hoang mang cực độ, tinh thần suy sụp. Trong những ngày 27, 28/3, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng kêu gọi Nhân dân đứng lên khởi nghĩa được tung ra khắp thành phố. Tối 31/3/1975, địch đốt các kho đạn ở Núi Bà, sân bay Cam Ly, Trường Võ Bị và rút chạy khỏi Đà Lạt. Một số đảng viên và cơ sở bên trong nhanh chóng thành lập Ban Tự quản, tổ chức lực lượng tự vệ để tiếp quản các vị trí quan trọng như Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, nhà máy điện, nhà máy nước, bưu điện,… đồng thời trấn áp những phần tử phá hoại, gây rối an ninh trật tự. Từ ngày 1 và 2/4/1975, Nhân dân ở các ấp vùng ven đã hoàn toàn làm chủ tình hình.
3 giờ sáng ngày 3/4/1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi, tiến về giải phóng thị trấn D’ran, lực lượng chủ lực tập trung tiến về Đà Lạt. Đúng 8 giờ 20 phút, ngày 3/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên Tòa Hành chính Tuyên Đức - Đà Lạt, cơ quan đầu não của chính quyền cũ tại địa phương, đánh dấu giờ phút lịch sử: Tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn được giải phóng.
Trong khi tỉnh Tuyên Đức, thị xã Đà Lạt và nhiều địa phương khác đã giải phóng thì cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 bước vào những giờ phút quyết định. Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng để góp phần vào nhiệm vụ chung của cách mạng, quân và dân Đà Lạt đã không quản ngại, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho chiến dịch. Hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn lít xăng, dầu được chuyển đến tiền tuyến để tiếp tế cho bộ đội. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức thời gian cấp bách, Nha Địa dư nhờ được bảo vệ an toàn, không bị phá hoại sau đó được tiếp quản đã dốc toàn lực hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chính nơi đây đã in ấn hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và bản đồ TP Sài Gòn - Gia Định để kịp thời cung cấp cho các đơn vị chủ lực trên đường tiến quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân hai tỉnh Lâm Đồng (cũ), Tuyên Đức đã kết thúc thắng lợi. Với sự chi viện to lớn của bộ đội chủ lực miền Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 6, quân và dân hai tỉnh tiêu diệt và làm tan rã hơn 27.000 tên địch, đánh chiếm 10 tiểu khu, chi khu, quận lỵ và hàng trăm đồn bót, giải phóng trên 300.000 dân. Sau khi giải phóng, quân và dân hai tỉnh tiếp tục truy quét bọn tàn quân, kêu gọi 20.757 ngụy quân, ngụy quyền trình diện, truy bắt 1.230 tên, thu 11.355 súng các loại.
Giải phóng Lâm Đồng, Tuyên Đức - Đà Lạt có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI nối liền Quốc lộ 1A và đường 20 để chi viện sức người, sức của cho quân và dân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ghi nhận những thành tích vẻ vang, trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại, quân và dân Lâm Đồng - Tuyên Đức đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 46 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (30 tập thể, 16 cá nhân); 257 danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; 220 Huân chương Độc lập, 164 Huân chương Quân công, 3.784 Huân chương Chiến công… Trong đó, Đà Lạt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Sau 50 năm giải phóng, từ một tỉnh nghèo và lạc hậu, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, các tổ chức phản động thường xuyên chống phá, đến nay Lâm Đồng đã phát triển vượt bậc. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã đạt được những kết quả khả quan, là tỉnh phát triển khá của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng 5,3%; ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu ngân sách 13.100 tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán Trung ương giao; kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục phát triển mạnh; quốc phòng, an ninh giữ vững và ổn định…
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975 - 3/4/2025) là dịp nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để ngày càng thêm tự hào. Từ niềm tự hào ấy, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Lâm Đồng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, quyết tâm cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TUẤN HƯƠNG