Từ vùng đất đầy thương tích chiến tranh, nay những xã anh hùng vùng đồng bào DTTS đã ngát xanh trù phú. Trong ảnh: Xã Đồng Nai Thượng, huyện Đạ Huoai
• ĐẤT XƯA VƯƠN MÌNH
Từng là vùng căn cứ cách mạng kiên cường trong những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xã anh hùng Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) hôm nay khoác lên mình một diện mạo mới. Cuộc sống của đồng bào các DTTS nơi đây đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và trên hết là tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên của chính người dân.
Ở tuổi 81, mái tóc ông K’Dô (Thôn 1) đã bạc trắng theo năm tháng, nhưng ký ức về những ngày kháng chiến vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Sinh năm 1944, vào Đảng năm 1969, ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Phước Long, làm nhiệm vụ tải đạn, tiếp tế lương thực cho bộ đội. “Ngày ấy gian khổ lắm, rừng thiêng nước độc, bom đạn cày xới khắp nơi, nhưng bà con trong xã vẫn một lòng theo cách mạng. Ai có gạo góp gạo, ai có lúa góp lúa, có củ mì, con gà cũng sẵn sàng chia sẻ nuôi bộ đội. Cứ thế, dân làng đùm bọc nhau, bảo vệ từng cánh rừng, từng con suối, giữ vững hậu phương cho tiền tuyến”, ông K’Dô xúc động nhớ lại.
Chiến tranh qua đi, tinh thần đoàn kết ấy vẫn không hề thay đổi. Ông K’Dô tự hào khi chứng kiến quê hương từng ngày đổi mới. “Giờ đây, bà con không chỉ no đủ mà còn biết làm ăn lớn, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Nhìn đường sá khang trang, nhà cửa kiên cố, tôi càng thấy rằng lòng tin của người dân vào Đảng, vào Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn”, ông nói, ánh mắt ánh lên niềm vui.
Cuộc sống của thế hệ trẻ trên các buôn làng căn cứ cách mạng một thời ngày càng được chăm lo, phát triển
Nhắc về những năm tháng chiến tranh, ông K’Xung - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, tự hào nói: “Ngày trước, dù đói khổ, thiếu thốn đủ bề, bà con vẫn một lòng theo cách mạng, góp gạo, tải đạn, làm đường, che chở bộ đội. Nay hòa bình, tinh thần ấy vẫn không đổi thay, chỉ khác là thay vì đánh giặc, bà con đồng lòng đánh nghèo, đánh khó, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương”. Những năm ông K’Xung còn đương nhiệm, Lộc Bắc vẫn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng rồi, với sự vận động kiên trì của chính quyền địa phương, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, bơ, chanh dây... Khoa học - kỹ thuật được đưa vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.
Bà Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, chỉ trong 5 năm qua, Lộc Bắc đã có những thay đổi rõ rệt. Cuối năm 2021, xã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,48%. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, bà con còn tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống, chung tay xây dựng đời sống tinh thần phong phú hơn.
Về xã Đinh Trang Thượng - vùng căn cứ cách mạng, Xã 5 anh hùng năm xưa, hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc của địa phương vốn được xem là đặc biệt khó khăn của huyện Di Linh. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, bà con Xã 5 không chỉ tích cực đóng góp cho cách mạng về lương thực, thực phẩm, cung cấp sức người, sức của,... mà còn hăng hái tham gia chiến đấu để giải phóng quê hương. Xã 5 có 350 người nhưng đã có đến 29 liệt sĩ, 5 thương binh và 2 bệnh binh; 33 gia đình được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Mẹ Ka Lin là mẹ của 3 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những con số chứa đầy mất mát, hy sinh, nhưng cũng sâu nặng lòng tự hào cùng lời nhắc nhớ để chính quyền cùng bà con Nhân dân nơi đây phát huy truyền thống kiên cường, xây dựng cuộc sống mới khi hòa bình lặp lại.
Những đôi tay khi xưa đánh giặc, nay chăm chút ruộng vườn xanh ngát. “Đi qua chiến tranh, mới thấy không có gì sung sướng hơn được ăn bữa cơm trong hòa bình”, cựu chiến binh K’Pô (Thôn 2, xã Đinh Trang Thượng) bày tỏ sự hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mặc dù là đối tượng bệnh binh với tỷ lệ 61%, ông vẫn chăm chỉ làm việc hàng ngày, cùng gia đình phát triển kinh tế. Với 3,5 ha cà phê cùng trồng tiêu, chăn nuôi heo, gà, vịt,... chỉ riêng năm 2024, gia đình của ông có thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng tự hào chia sẻ, không chỉ riêng ông K’Pô, mà bây giờ trên địa bàn xã, đã có rất nhiều hộ gia đình có thu nhập tương tự từ cà phê, dâu tằm, cây ăn trái và các loại rau, củ, quả. Cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người xã Đinh Trang Thượng đạt 47 triệu đồng. Nhà cửa xây dựng khang trang, bà con mua sắm thêm nhiều máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không còn cảnh mưa lầy, nắng bụi, hạ tầng giao thông nông thôn được Nhà nước đầu tư đã khắc phục khó khăn trong việc đi lại của người dân. Diện mạo nông thôn nơi xã Anh hùng Lực lượng vũ trang ngày càng thêm khởi sắc.
Những vườn dâu tốt tươi trên xã anh hùng Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) mang lại thu nhập ổn định cho người dân
• SỨC SỐNG MỚI TRÊN NHỮNG BUÔN LÀNG
Sự đổi thay của xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) hay xã Đinh Trang Thượng (Di Linh) cũng là sự khởi sắc chung của những xã anh hùng trên Nam Tây Nguyên. Điều đó không chỉ thể hiện qua những con số, mà còn được cảm nhận rõ nét trong đời sống hằng ngày. Những con đường rộng mở nhờ chính bàn tay người dân góp công, hiến đất xây dựng cùng với các nguồn lực của Nhà nước. Những ngôi nhà kiên cố mọc lên, thay thế dần những mái nhà tạm bợ. Những cánh rừng xanh tốt được gìn giữ nhờ ý thức trách nhiệm của bà con. Trên khắp các thôn, buôn, không khí lao động sản xuất rộn ràng, đâu đâu cũng thấy những nụ cười phấn khởi, ánh mắt sáng lên niềm tin vào tương lai tươi sáng.
50 năm kể từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục hậu quả chiến tranh; củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Lâm Đồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS hơn 25,7%. Những năm qua, nhờ các chính sách đầu tư đồng bộ, sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền và tinh thần đồng lòng của người dân, đời sống vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt.
Đặc biệt, năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi được tỉnh triển khai hiệu quả với tổng nguồn vốn hơn 268,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân đạt gần 98%, vốn sự nghiệp đạt 37%, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển bền vững. Kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng về hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục và văn hóa đạt từ 99% đến 100%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, không xảy ra điểm nóng.Kinh tế vùng DTTS tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với mức trên 7,5%, thu nhập bình quân đầu người vượt 50 triệu đồng/năm. Công tác giảm nghèo đạt hiệu quả rõ rệt khi tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng DTTS giảm còn 5,47%, giảm 3,28% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,91% (giảm 1,33%), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,56% (giảm 1,95%).
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh khẳng định: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của người dân, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Trước đây, bà con chủ yếu du canh, du cư, phụ thuộc vào nương rẫy, đời sống bấp bênh... nay định canh, định cư, điều kiện sinh hoạt đầy đủ. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, điện - đường - trường - trạm được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành đã giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, từ đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng bào các DTTS ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tháng 4 lịch sử, ký ức về những ngày buôn làng đói cơm thiếu áo vẫn lo cho bộ đội từng hạt muối, bát cơm và anh dũng, kiên cường đứng lên chống giặc lại rộn ràng, sôi nổi trong câu chuyện của những chứng nhân lịch sử. Giờ đây, trong câu chuyện của họ còn có thêm niềm tự hào về việc làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng văn minh, con em học hành đỗ đạt. Một trang mới lại được viết tiếp bởi những người trẻ đầy trách nhiệm của buôn làng, luôn biết ơn và trân trọng để kế thừa truyền thống quý báu của cha ông.
VIỆT QUỲNH - NHẬT QUỲNH