Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học kiểm tra khu tái định cư phục vụ Dự án giải phóng mặt bằng Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Ảnh: Hoàng Sa
• NHIỀU DƯ ĐỊA, TIỀM NĂNG
Lâm Đồng nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 - 1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18 - 25oC, đây là lợi thế riêng có của Lâm Đồng mà không tỉnh nào ở phía Nam có được.
Hệ thống giao thông của Lâm Đồng có các quốc lộ, tỉnh lộ nối liền với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; có sân bay quốc tế Liên Khương (sân bay quốc tế duy nhất vùng Tây Nguyên) là những lợi thế rất lớn. Đặc biệt, ngày 31/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, giai đoạn 1, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Với lợi thế địa lý và hạ tầng giao thông đang từng bước hoàn thiện, Lâm Đồng có thể trở thành và sẽ trở thành đầu mối huyết mạch giao thông cho toàn bộ vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác cũng như với nhiều nước trên thế giới”.
Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là thế mạnh để Lâm Đồng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Lâm Đồng được đánh giá là địa phương phát triển NNCNC đi đầu trong cả nước với doanh thu mỗi năm trên 1 ha sản xuất rau khoảng 2 tỷ đồng, sản xuất hoa khoảng từ 3 - 5 tỷ đồng; tỷ trọng sản xuất NNCNC, nông nghiệp thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt... Đây đang là hướng đi bền vững, mang thương hiệu riêng và đầy tự hào của Lâm Đồng. Song song với đó, ngành Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm cũng là lợi thế lớn đang được tỉnh tập trung khai thác, phát triển.
Những đặc trưng riêng biệt từ cảnh quan và khí hậu đã giúp Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Bởi vậy, ngay từ những tháng ngày bắt tay dựng xây cuộc sống mới sau ngày giải phóng, tỉnh Lâm Đồng đã xác định đây là thế mạnh chiến lược, là ngành kinh tế mũi nhọn. 50 năm sau ngày giải phóng và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, với những chiến lược phát triển hiệu quả, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Cuối năm 2024, Lâm Đồng đã chào đón vị khách du lịch thứ 10 triệu là minh chứng rõ nét cho điều đó. Riêng TP Đà Lạt tiếp tục khẳng định là 1 trong 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á, Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO. Và năm 2025 này, Đà Lạt tiếp tục được vinh danh với Giải thưởng Festival Hoa châu Á và du lịch sinh thái; Giải thưởng Festival châu Á 2025 - hạng mục Festival Hoa và vườn châu Á 2025; Giải thưởng đỉnh cao châu Á - hạng mục Festival thân thiện môi trường nhất…
Lâm Đồng có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản. Những năm qua, tỉnh đã mở rộng các dự án, lĩnh vực công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và có doanh thu. Văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc của 47 dân tộc anh em cùng các kiệt tác, di sản như: văn hóa cồng chiêng, Mộc bản Triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang...; nguồn nhân lực dồi dào với dân số khoảng 1,3 triệu người; hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có quy mô với 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và hơn 60 cơ sở đào tạo nghề cùng 3 viện nghiên cứu... là những “vốn quý” để Lâm Đồng phát triển, cất cánh.
Sản xuất sợi len lông cừu xuất khẩu tại TP Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành
• QUYẾT TÂM TĂNG TỐC, BỨT PHÁ
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Năm 2025 này, mục tiêu là phải đưa Lâm Đồng tăng tốc, bứt phá”. Để tăng tốc, bứt phá, Lâm Đồng đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương của Trung ương, trên tinh thần rất khẩn trương và đồng bộ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thì mạnh mẽ và quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng rất nhanh nhạy, đổi mới và đột phá.
Xác định con người là yếu tố quyết định sự phát triển và việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chính là cơ hội cho Lâm Đồng “sàng lọc” để “chọn đúng người, giao đúng việc”. Về vấn đề này, Quyền Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Lâm Đồng có nội dung triển khai thực hiện vượt kế hoạch của Trung ương. Qua quá trình triển khai thực hiện rút ra nhiều kinh nghiệm quý, đó là cái gì đúng, cần thiết và vì cái chung thì quyết tâm làm; cái gì không đúng thì sẽ kiên quyết không làm”. Bởi vậy hiện nay, vấn đề nhiều công việc bị ách tắc do tình trạng né tránh, đùn đẩy đã không còn, thay vào đó là tinh thần mạnh mẽ làm. Đây có thể xem là bước chuyển rất quan trọng trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên của tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt phương châm: “Đúng quyết làm - sai phải tránh; tốt quyết làm - xấu phải tránh; nên quyết làm - hư phải tránh”.
“Thời cơ, vận hội mới đang mở ra và chính chúng ta cần phải nắm bắt, phải hành động để không vuột mất cơ hội vàng phát triển của Lâm Đồng”.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học
Chậm một bước là lỡ một nhịp. Chậm một nhịp là vuột mất thời cơ. Xác định rõ những gì đã có và đang có của tỉnh là cơ sở để tỉnh Lâm Đồng quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9 - 10% trong năm 2025. Quyền Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Mục tiêu tăng trưởng 9 - 10% là hoàn toàn có thể đạt được dựa vào những tiềm năng và lợi thế. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm: Rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng”.
Về những giải pháp cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái trao đổi: UBND tỉnh sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát lại toàn bộ 203 dự án cùng 18.000 ha đất đang bị “treo”, nhiều năm liền không triển khai dự án, dẫn đến hoang phí nguồn lực. Nếu dự án nào không triển khai, không đủ nguồn lực sẽ thu hồi. Tỉnh cũng đã làm việc với một số công ty sản xuất chip, công nghệ bán dẫn và điện toán để thu hút nguồn đầu tư này và tiến độ rất khả quan…
Để đảm bảo các điều kiện cho phát triển, Lâm Đồng hiện đang đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cao tốc, nâng cấp quốc lộ nối Lâm Đồng với các tỉnh lân cận, xây dựng cảng cạn tại huyện Đức Trọng và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương... UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng tháo gỡ các khó khăn về quy hoạch để mời gọi các nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước đầu tư hình thành bệnh viện chất lượng cao, trường học song ngữ liên cấp, các dịch vụ hội nghị, nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn quốc tế… để người dân từng bước được hưởng các tiện ích xã hội cao cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái khẳng định: “Những ai làm cho Lâm Đồng giàu, đẹp hơn và người dân Lâm Đồng hạnh phúc hơn thì UBND tỉnh sẽ phục vụ tận tình, chu đáo”.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại. Xây dựng đô thị thông minh đối với TP Đà Lạt. Thu hút các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Lâm Đồng...
Để đạt được các mục tiêu đặt ra cần có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân. “Có được lòng dân ủng hộ thì những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng sẽ thực hiện được”, đồng chí Nguyễn Thái Học khẳng định.
Những ngày này, người Nam Tây Nguyên đang sống lại trong không khí hân hoan của ngày giải phóng, của niềm hạnh phúc thống nhất non sông. Và cùng với đó, khí thế dựng xây cũng đang lan rộng, người Lâm Đồng hôm nay đang viết tiếp những trang sử mới của phát triển, ổn định, thịnh vượng để cùng cả nước vươn mình.
NGỌC NGÀ