Đội tàu khai thác của Phú Quý ngày càng tăng về số lượng và đảm bảo các điều kiện đánh bắt xa bờ
Kinh tế biển - trụ cột bền vững
Từ lúc mặt trời còn chưa kịp ló rạng, cảng Phú Quý đã rộn ràng tiếng động cơ, tiếng gọi nhau giữa ngư dân và các tiểu thương. Trên bến dưới thuyền, không khí buổi sớm nơi đầu sóng ngọn gió luôn đầy năng lượng, cũng như chính sức sống của ngành kinh tế biển tại đặc khu.
Theo ông Lê Hồng Lợi - Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý, một trong những điểm sáng nổi bật của nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính là sản lượng khai thác hải sản không chỉ đạt mà còn vượt kế hoạch, bình quân hằng năm đạt trên 32.000 tấn, riêng năm 2024 đạt trên 36.000 tấn. “Chúng tôi luôn xác định, kinh tế biển không chỉ là sinh kế mà còn là bản sắc, là động lực phát triển bền vững. Muốn đi xa, phải có chiến lược và quan trọng nhất là đồng hành cùng người dân, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề, hiện đại hóa đội tàu, nâng cao chất lượng khai thác”, ông Lợi chia sẻ.
Đội tàu khai thác của Phú Quý đã tăng thêm 346 chiếc so với đầu nhiệm kỳ. Đặc khu hiện có 1.735 tàu cá/7.540 lao động, trong đó có 594 chiếc công suất trên 90 CV, bao gồm cả 130 tàu dịch vụ thu mua, chế biến. Đặc biệt, toàn bộ 591 tàu cá đủ điều kiện xa bờ đã được lắp thiết bị giám sát hành trình và không có tàu nào vi phạm vùng biển nước ngoài, thể hiện rõ nỗ lực trong quản lý và chấp hành pháp luật biển. Ngư dân Võ Văn Sơn, chủ tàu cá tại cảng Phú Quý, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi đánh bắt theo kinh nghiệm là chính. Giờ đây, có sự hỗ trợ của địa phương, tàu được trang bị máy móc hiện đại, đi biển an toàn hơn, khai thác hiệu quả hơn. Đặc biệt, thiết bị giám sát hành trình giúp bà con yên tâm vì luôn được kết nối với đất liền, tránh vi phạm pháp luật”.
Song song với khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng phát triển ổn định và bài bản. Đặc khu hiện có 72 cơ sở nuôi trồng, tổng diện tích trên 14.484 m², sản lượng đạt bình quân gần 100 tấn/năm, tập trung vào các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá bớp, tôm hùm.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá cũng được đầu tư mạnh mẽ. Hiện nay, công trình khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá đặc khu Phú Quý đang dần thành hình, mang theo niềm hy vọng về một tương lai thịnh vượng. Với quy mô neo đậu 1.000 tàu thuyền công suất 600CV, dự án sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho ngư dân, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản tại các ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa, DK1.
Đặc khu cũng đã hình thành 1 nghiệp đoàn nghề cá và 80 tổ đoàn kết, gắn kết ngư dân thành lực lượng tự quản vững mạnh trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền.
Nhiều sản phẩm du lịch đã để lại ấn tượng cho du khách
Du lịch khởi sắc - bền vững và xanh
Nếu như kinh tế biển là xương sống, thì du lịch chính là đôi cánh đưa Phú Quý “cất cánh”. Những năm gần đây, hình ảnh Phú Quý, hòn đảo nhỏ với thiên nhiên hoang sơ, yên bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc khu đã triển khai thực hiện đề án phát triển Khu du lịch Phú Quý cấp tỉnh, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng biển, đảo. Các loại hình mới như du lịch lặn ngắm san hô, thuyền SUP, trekking núi, trải nghiệm chợ hải sản sáng sớm… ngày càng được nhiều du khách yêu thích.
Từ năm 2020 đến nay, lượng khách đến đặc khu liên tục tăng, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng quý I/2025, Phú Quý đón hơn 24.000 lượt khách, trong đó có 1.250 khách quốc tế, tăng so với cùng kỳ năm trước.
Phú Quý nhìn từ hướng biển
“Phú Quý xác định phát triển du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đậm đà bản sắc văn hóa, phải phát triển bền vững, xanh và có chiều sâu. Muốn vậy, chúng tôi ưu tiên nâng cấp hạ tầng, quy hoạch bài bản, ứng dụng chuyển đổi số và kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào các dịch vụ phục vụ khách du lịch”, ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý chia sẻ thêm.
Chị Nguyễn Thị Thảo, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết cảm nhận sau chuyến du lịch Phú Quý: “Đây là lần thứ 2 tôi đến Phú Quý. Lần này tôi thật sự bất ngờ khi dịch vụ đã cải thiện rõ rệt, từ nhà nghỉ, ăn uống đến các tour trải nghiệm đều rất chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc. Tôi thích nhất là được lặn ngắm san hô và leo núi vừa vui, vừa được sống chậm lại giữa thiên nhiên”.
Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay tại đảo đã và đang thay đổi nhanh chóng. Đặc khu hiện có 19 khách sạn/393 phòng, 41 villa và nhà nghỉ/364 phòng, cùng gần 100 homestay, nhà trọ phục vụ khách. Bên cạnh đó, có trên 30 cơ sở ăn uống, cửa hàng đặc sản, từng bước hình thành chuỗi dịch vụ đa dạng, tiện nghi.
Đáng chú ý, kể từ khi điện được cung cấp 24/24h từ năm 2014, kết hợp với 4 tuyến tàu cao tốc hiện đại rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền, Phú Quý đã xóa được “điểm nghẽn” hạ tầng, mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho ngành du lịch.
Ngư dân Phú Quý thu hoạch sau chuyến ra khơi đánh bắt
Tự tin vững bước nhiệm kỳ mới
Với những thành quả đạt được, Phú Quý đang vững vàng bước vào nhiệm kỳ mới với quyết tâm cao và tầm nhìn chiến lược. Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ đặc khu Phú Quý lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ diễn ra vào ngày 24 - 25/7 tới đã đưa ra chủ đề: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, xây dựng đặc khu Phú Quý phát triển toàn diện, xanh, bền vững, nghĩa tình”.
Phú Quý cũng xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch và khai thác biển, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những trụ cột mới trong mô hình tăng trưởng.
Đặc biệt, một trong những dấu mốc quan trọng là, vào năm 2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đây được coi là “cú hích” để đặc khu phát triển đúng hướng, trở thành hậu cứ quan trọng phía Đông Nam của Tổ quốc. “Thành công nhiệm kỳ qua là nhờ biết khai thác nội lực. Nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lấy kinh tế biển làm trụ cột, phát triển du lịch xanh, bền vững, từng bước xây dựng Phú Quý trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và điểm đến hấp dẫn của khu vực”, ông Lợi nói.
Từ vùng đất xa giữa biển khơi, đặc khu Phú Quý đang từng bước chuyển mình, không chỉ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn khẳng định mình là một trung tâm kinh tế biển - du lịch đặc sắc và bền vững. 2 nguồn “nội lực” là kinh tế biển và du lịch sẽ tiếp tục là đôi cánh đưa Phú Quý vươn cao, vươn xa trong hành trình phát triển tương lai, trước mắt là trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thanh Nhàn