'Chắp cánh' cho sản phẩm OCOP vươn xa

'Chắp cánh' cho sản phẩm OCOP vươn xa
6 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, số lượng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vượt gấp đôi mục tiêu đề ra. Các sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu tại thị trường trong nước, một số sản phẩm đã được “xuất ngoại”, hướng tới xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.
Nhiều điểm sáng trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP
Người dân xã Tứ Yên (Sông Lô) xưa có câu ca rằng: “Quê tôi ăn Tết cổ truyền - Riêng thứ bánh tẻ chẳng quên năm nào”. Hòa chung không khí ấm áp của mùa Xuân, năm nay, người dân xã Tứ Yên ăn Tết sẽ phấn khởi hơn, bởi món bánh tẻ truyền thống của địa phương mới được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bảo, thôn Yên Kiều, chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP thương hiệu “Bánh tẻ Tứ Yên” cho biết: “Ấp ủ đưa món ăn truyền thống trở thành sản phẩm đặc trưng được nhiều người biết đến, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề làm bánh, tôi chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo các quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói, bảo quản thực phẩm thành sản phẩm hoàn thiện. Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao sẽ là tiền đề để “Bánh tẻ Tứ Yên” mở rộng thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề, giới thiệu hình ảnh quê hương”.
Là 1 trong 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) đang nghiên cứu, phát triển 4 dòng sản phẩm đã được chứng nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh lên hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Các sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo được chế biến từ mật ong tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ảnh: Chu Kiều
Tổng Giám đốc Honeco Lê Thị Nga cho biết: “Từ nền tảng nghề nuôi ong truyền thống dưới chân núi Tam Đảo, cùng với việc ứng dụng quy trình sản xuất các sản phẩm từ mật ong theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 và tiêu chuẩn GMP, công ty hiện có 16/22 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Trong đó, 4 sản phẩm gồm: Mật ong Tam Đảo đặc biệt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tacumin, mật ong gừng và rượu Mota Honey đã đạt đầy đủ điều kiện xét phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp tỉnh”.
Với nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, Honeco đã có 13/22 sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Honeco cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh phát triển sản phẩm OCOP 5 sao mang thương hiệu quốc gia.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2024, toàn tỉnh có thêm 49 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 12 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, vượt gấp đôi mục tiêu đề ra. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 177 sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Còn đó những thách thức…
Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.
Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng tăng cho thấy tư duy sản xuất của người dân thay đổi theo hướng tích cực, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh quê hương.
Với sự đầu tư bài bản về công nghệ, quy trình sản xuất khép kín, các sản phẩm của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo được xây dựng trở thành sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Chu Kiều
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh việc rút ngắn thủ tục hồ sơ đăng ký, đánh giá sản phẩm OCOP cho các chủ thể, các sản phẩm OCOP được chứng nhận thể hiện rõ nguồn gốc sản phẩm, nâng cao tỉ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại địa phương, phát huy giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, qua đánh giá các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho thấy, phần lớn sản phẩm ở dạng thô sơ, quy mô sản xuất nhỏ, một số sản phẩm chỉ được trồng theo khung thời vụ, chưa đảm bảo được vùng nguyên liệu sản xuất.
Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP còn hạn chế, nhiều chủ thể thiếu kinh phí hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, dẫn đến chưa khuyến khích, phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm tại các địa phương.
Để “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP vươn xa, các địa phương cần chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.
Xây dựng, triển khai tốt quy hoạch nông nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung đối với nhóm sản phẩm theo thế mạnh của từng địa phương; bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất có sản vật độc đáo, chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng miền.
Tập trung định hướng nông dân đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đồng thời lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huy động mọi nguồn lực theo quy định hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP…
Hoàng Sơn
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121397//%E2%80%9Cchap-canh%E2%80%9D-cho-san-pham-ocop-vuon-xa