Chấp hành viên Đào Thanh Tuấn và ấn tượng lần lên núi 'bắt trâu' ở Nặm Cài

Chấp hành viên Đào Thanh Tuấn và ấn tượng lần lên núi 'bắt trâu' ở Nặm Cài
5 giờ trướcBài gốc
Chấp hành viên Đào Thanh Tuấn.
Chuyện của người chấp hành viên "cắm bản"
Hôm tôi hẹn gặp để viết bài cho cuộc thi Chuyện nghề THADS, nghe qua điện thoại thấy giọng ông Đào Thanh Tuấn - Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quang Bình (Hà Giang) thở hổn hển bảo: “Mình đang lên bản vận động người dân nộp tiền thi hành án, không biết khi nào về, đường mòn đi lại khó lắm, khéo phải ngủ ở đây vài ngày”. Vừa nói dứt, điện thoại báo không có sóng, mất liên lạc. Đến tận hôm sau nữa tôi mới gọi lại được cho ông Tuấn.
Ông Đào Thanh Tuấn được lãnh đạo ngành giới thiệu là một trong những cán bộ thi hành án dân sự tiêu biểu ở Hà Giang, với bề dầy kinh nghiệm công tác ba chục năm.
Đặc biệt, ông Tuấn được coi là một chấp hành viên bám bản. Ông Tuấn quê gốc ở Phú Thọ, nhưng quá trình học tập, sinh sống ở tỉnh Yên Bái ở với bố mẹ, học xong ông nhận công tác tại huyện miền núi Hoàng Su Phì (Hà Giang), công tác tại Đội thi hành án dân sự Hoàng Su Phì.
Một buổi họp phối hợp nghiệp vụ giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quang Bình và đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quang Bình.
Ông Tuấn tâm sự, 22 năm gắn bó với đồng bào vùng cao, sống cùng bà con, ăn cơm từ hạt gạo nương đồng bào cấy, uống nước từ khe đá chảy ra. Mãi đến năm 2018 ông mới chuyển về công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quang Bình. Bản thân ông từng "vỗ ngực" tự hào rằng mình quá hiểu về cuộc sống cũng như văn hóa của đồng bào, nhưng khi thực hiện các vụ việc, ông mới ngẫm lại bản thân mình phải không ngừng học hỏi. Có khi là học hỏi từ chính những người mà mình yêu cầu họ thi hành án ấy.
Nói về chuyện nghề, ông Tuấn bảo nửa đời ông đã làm nghề thi hành án dân sự này rồi, kể thì mấy ngày đêm cũng không hết. Nhưng vài năm gần đây thì ông nhớ nhất là vụ thi hành án ở xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, vì ở vụ này ông đã mất rất nhiều công sức đi lại, kể cả chuyện thuyết phục đồng bào.
Ly kỳ vụ lên núi bắt trâu ở Nặm Cài
Chuyện bắt đầu bằng vụ nổ mìn vào năm 2018 tại thôn Nặm Cài, xã Tiên Nguyên, sau đó ngày 03/07/2018, Tòa án nhân dân huyện Quang Bình Kết luận bản án số 34/2018/HST tuyên bị cáo Phượng Chòi Chán (dân tộc Dao) phạm tội tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ với mức phạt 3 năm tù giam. Đồng thời, ông Chán phải bồi thường cho ông Triệu Giào Hin, trú tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tổng là 260 triệu đồng. Do sau vụ nổ, ông Hin bị mù mắt, cụt tay.
Sau khi chấp hành án phạt tù trở về năm 2023, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để ông Phượng Chòi Chán tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế.
Một thời gian sau, cơ quan Thi hành án dân sự cử ông Đào Thanh Tuấn trực tiếp xuống địa phương để xác minh tài sản chung của vợ chồng ông Phượng Chòi Chán. Đồng thời, yêu cầu ông Chán thi hành phần dân sự theo quyết định của bản án hình sự, cụ thể là nộp tiền đền bù cho ông Triệu Giào Hin.
Tuy nhiên, ông Chán quanh co không nộp, đồng thời thỏa thuận sẽ nộp mỗi tháng 1,5 triệu đồng đền bù, tổng tiền mỗi năm ông Chán sẽ nộp 18 triệu đồng cho ông Hin.
“Lúc đó tôi cùng với anh em cán bộ xã xuống vận động thì ông Chán đồng ý thỏa thuận vậy thôi, nhưng sau đó chúng tôi về ông ấy lại đổi ý nói là không nộp cho ông Hin nữa. Mãi nhiều lần lên thuyết phục, ông Chán mới quyết định vườn chè của ông ấy để ông Hin hàng năm hái để trừ dần, khổ nỗi ông Hin và vợ đều khuyết tật, có nhìn thấy gì đâu mà hái, đi lại còn khó khăn”, ông Đào Thanh Tuấn chia sẻ.
Cán bộ THADS ở vùng cao thường xuyên phải đi đường mòn vào bản để điều tra tận nơi, xác minh tận gốc điều kiện thi hành án; cùng như làm công tác vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành.
Nhận thấy ông Chán gây khó cho công tác thi hành án, cán bộ thi hành án dân sự đã bàn với gia đình ông Hin thống nhất phương án thuê người từ tận xã Hồ Thầu xuống xã Tiên Nguyên để hái chè.
Năm 2023, cả năm ông Hin chỉ thu được từ tiền thu hoạch chè của ông Chán hơn 13 triệu đồng, đành tặc lưỡi coi như năm đó ông Chán đã trả hết và yêu cầu năm sau chỉ nhận tiền của ông Chán nộp, chứ không thu chè nữa, vì kinh phí thuê người hái quá tốn kém và không thể thu nổi số tiền như bản án đã tuyên.
Bước vào năm 2024, vẫn với thái độ không chấp hành án bồi thường, mọi tài sản ông Chán đều dấu nhẹm không ai hay biết. Đồng nghĩa với việc ông Hin có nguy cơ không nhận được tiền bồi thường hàng năm như hai bên đã thỏa thuận.
Ông Tuấn kể: “Lúc này tôi lại phải về xã nắm thêm tình hình, tôi xác minh xem ông Chán còn có tài sản khác để nộp thi hành án không. Nhưng tìm hiểu qua cả Trưởng thôn cũng như hàng xóm của ông Chán đều nói nhà ông Chán không có tài sản nào khác nữa.
Một tháng sau, tôi lên chợ phiên chơi, cũng là vừa để tìm hiểu thêm về vụ việc trên thì một người tôi quen ở khu trung tâm xã nói ông Chán thời gian này khá phóng khoáng, chắc vừa bán con trâu, con dê. Khi này, tôi mới đặt câu hỏi, vậy chắc chắn ông Chán vẫn còn tài sản, vật nuôi nhưng giấu ở chỗ khác”.
Theo ông Tuấn, từ manh mối ấy, ông đã lân la mua thịt, rượu đến một nhà hàng xóm (ông xin dấu tên) của ông Chán, đồng thời cũng là anh em họ với ông này để nhâm nhi. Sau đó, nhờ người này thăm dò xem ông Chán còn tài sản khác không.
Một góc bản làng vùng cao huyện Quangn Bình (tỉnh Hà Giang).
Trong một lần nói chuyện bên chén rượu, được người hàng xóm của ông Chán ghi âm lại, ông Chán nhận là mình còn có đàn trâu đang thả rông trên núi. Do không lùa về nhà bao giờ nên không ai biết ông này còn có đàn trâu này.
Từ cuộc nói chuyện ấy làm chứng cứ, ông Tuấn đã nhờ cán bộ xã Tiên Nguyên cùng lên Nặm Cài phối hợp vận động ông Phượng Chòi Chán bán trâu để bồi thường cho ông Triệu Giào Hin. Ban đầu ông Chán còn phủ nhận, nhưng sau quá trình thuyết phục, ông Chán cứng họng và đồng ý cùng cán bộ chấp hành viên lên núi bắt trâu về bán.
Vậy là một vụ án khó đã được thi hành xong, khép lại trong hoan hỉ, thành công ngoài mong đợi. Ông Đào Thanh Tuấn cảm thấy ấm lòng vì nỗ lực của nhiều người đã được đền đáp, công lý đã được thực thi với ông Triệu Giào Hin.
Rời khỏi huyện Quang Bình, Hà Giang khi ánh nắng chiều vàng vọt xuyên qua đỉnh núi, tôi nhớ như in tâm sự trên bàn trà của ông Nguyễn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quang Bình nói: “Câu chuyện của anh Đào Thanh Tuấn chỉ là một trong số rất ít những câu chuyện thi hành án dân sự của bọn mình phải làm thôi, còn nhiều chuyện gian nan nhưng mà cũng thú vị lắm. Nói chung ngày nào còn làm cái nghề này, bọn mình vẫn phải cố gắng đi, cố gắng hiểu đồng bào, mỗi vụ việc là những kinh nghiệm đúc rút trong đời làm nghề. Bản thân tôi cũng gắn bó với nghề lâu rồi, dù rất yêu nghề nhưng cũng đã đến lúc mình phải nhường bước cho lớp trẻ. Thời gian tới tôi cũng có nguyện vọng xin nghỉ chế độ, để dành cơ hội cho người trẻ tiếp tục cống hiến với nghề”.
Phàn Giào Họ
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/chap-hanh-vien-dao-thanh-tuan-va-an-tuong-lan-len-nui-bat-trau-o-nam-cai-post549299.html