Chặt chẽ từ bước đầu

Chặt chẽ từ bước đầu
9 giờ trướcBài gốc
Những yêu cầu này vừa được Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú tiếp tục nhấn mạnh cuộc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng 6 tháng đầu năm 2025 và nhận được sự đồng tình từ cán bộ, đảng viên.
Thời gian qua, với sự mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hàng loạt vụ án đã được làm rõ, nhiều cá nhân vi phạm đã bị xử lý, nhận được sự đồng tình từ dư luận. Nhưng cũng cho thấy một thực tế đáng buồn khi chưa bao giờ, số cán bộ, đại biểu Quốc hội vi phạm kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, trong đó có cả các cán bộ do T.Ư quản lý lại nhiều đến như vậy. Thậm chí, có những đại biểu Quốc hội, cán bộ vừa trúng cử, được bầu vào chức danh lãnh đạo đã bị xử lý hoặc vi phạm các quy định dẫn đến phải miễn nhiệm. Nếu chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật 11 cán bộ diện T.Ư quản lý. Đây thật sự là những con số không nhỏ.
Hiện nay, các địa phương đều đang tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong đó, công tác nhân sự luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, việc làm sao để giới thiệu, lựa chọn được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực tham gia vào cấp ủy, giữ các vị trí lãnh đạo là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Như lãnh đạo T.Ư đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm, việc chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội, xa hơn, đó là sự chuẩn bị nhân sự cho tương lai phát triển của tổ chức Đảng, đơn vị và rộng ra là đất nước. Các cán bộ được lựa chọn phải thật sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, nhiều quy định liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự đã được ban hành, quán triệt. Các cấp ủy, địa phương cũng khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai để kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn đưa vào quy hoạch, đến đào tạo bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất và đề cử, bầu cử… Trong đó, việc công khai, minh bạch quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí cũng được nhấn mạnh để không chỉ các cấp, các ngành hiểu thực hiện mà cũng tạo điều kiện để người dân giám sát. Để từ đó, tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục triệt để tình trạng đúng quy trình nhưng lại không chọn đúng người. Đồng thời, việc lắng nghe ý kiến của người dân, sẽ giúp loại bỏ được những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn; chọn được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Thực tế cũng cho thấy, có những cán bộ khi được lựa chọn để đề cử, bổ nhiệm là cán bộ rất tốt, rất có năng lực nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đã không đủ bản lĩnh chính trị vững vàng để vượt qua cám dỗ về vật chất. Đây là điều rất đáng tiếc. Thế nên, việc thẩm định kỹ lưỡng từ đầu, đánh giá chính xác với từng nhân sự, quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cán bộ, cộng với có cơ chế giám sát, kiểm tra công vụ mạnh mẽ sẽ góp phần, lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài vào vị trí lãnh đạo các cấp, cũng góp phần khắc phục được tình trạng đáng buồn, khi cán bộ vừa được bổ nhiệm đã bị xử lý kỷ luật.
Hà Bình
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/chat-che-tu-buoc-dau.762977.html