Chắt chiu may được mấy lời tri âm

Chắt chiu may được mấy lời tri âm
4 giờ trướcBài gốc
1. Quê hương luôn là niềm cảm hứng cho người cầm bút. Tùy từng độ tuổi, sự từng trải... mà cảm xúc về quê hương ở mỗi người không giống nhau. Bài thơ Áo tơi là tâm tình của người con đang ở Hà Nội giữa những ngày nắng nóng, lại thương nhớ về quê với hình ảnh chiếc áo tơi mà mẹ và người dân quê anh thường mặc để chống chọi với “gió Lào, nắng táp, mưa sa”:
Nhớ quê, nhớ những rặng tre
Nhớ tàu lá cọ nắng che mái đầu
Nhớ ao làng, nhớ sông sâu
Vẫy vùng tắm mát đỏ ngầu mắt đen.
Nhớ da diết bóng thân quen
Áo tơi mẹ mặc, sạm đen chân bùn.
Hình ảnh chiếc áo tơi là cảm hứng chủ đạo của bài thơ, gợi nhiều liên tưởng về cuộc sống lam lũ và sức sống mãnh liệt của người dân miền Trung qua bão lũ nắng hanh. Và sâu thẳm là cái tình của anh với quê hương. Những câu thơ lục bát giàu hình ảnh, phảng phất âm hưởng ca dao, gieo vào lòng ta một nốt nhạc tình quê êm ái, bâng khuâng...
Nghe tiếng chim cu gáy, anh chạnh lòng, ngỡ ngàng nhận ra tiếng hồn quê, cũng chính là tiếng lòng mình:
Nắng như cháy cả da trời
Như khô khát cả những lời ve ngân
Bỗng đâu nghe rất quen thân
Tiếng chim cu gáy lúc gần, lúc xa
Tiếng nghe êm ả hiền hòa
Tiếng hồn quê bỗng vỡ òa trong ta ...
(Tiếng chim cu gáy)
Những hình ảnh con đò, cánh diều, bờ đê, chuồn chuồn, châu chấu, đường làng... luôn là cảm hứng về tình quê trong nhiều bài thơ của anh:Thu, Trú cơn mưa, Thu nồng, Chiều, Nghe mưa, Về quê... Như anh từng bộc bạch: Mới hay tuổi càng về già/ Càng da diết, càng đậm đà tình quê, một quy luật của tình cảm.
2. Đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Vinh, Lê Xuân Đồng xung phong nhập ngũ lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam tại chiến trường Trị - Thiên - Huế từ 1972 đến 1975. Thơ anh nói về tình đồng đội trong chiến đấu với những nỗi đau mất mát.
Đồng đội anh, người nằm lại chiến trường, người bị thương, người bị chất độc da cam, người may mắn còn lành lặn... Hồi ức về chiến tranh là những trận đánh cấp tiểu đội, trung đội, đại đội hay cấp sư đoàn; là tình quân dân; là những chiến thắng và sự hy sinh của đồng đội. Khi có dịp trở lại thăm chiến trường xưa, anh không thể không nhớ tới trận đánh, những người bạn. Vì thế mà có bài thơ Sơn Na, Thăm bạn, Quảng Trị ơi...
Thương những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại, Lê Xuân Đồng càng thương hơn những đồng đội mang thương tật trở về. Hiển hiện trong anh lại là những mảnh đời đớn đau, bất hạnh, xót xa không thể ngờ được:
Mảnh đạn đã lấy ra rồi
Mà khi trái gió trở trời vẫn đau...
...Mấy thằng vợ cứ sinh non
Sáu lần đẻ, chẳng đứa con nào thành.
(Đồng đội)
Và đây lại thêm một đồng đội nữa cũng trong hoàn cảnh ấy:
Không dính bom đạn chiến trường
Về quê anh bị vết thương buốt lòng
Bao ngày vợ nhớ vợ trông
Bây giờ làm vợ, có chồng không con...
... Không gục ngã giữa chiến trường
Về quê chết giữa lịm thương vợ hiền.
(Lịm thương)
Nhà thơ Lê Xuân Đồng chọn những bất hạnh của người lính và người thân yêu của họ như một thông điệp với bạn đọc về chiến tranh. Anh không luận giải về chiến tranh mà chỉ bộc lộ những cảm xúc chân thành với đồng đội, với những hy sinh mất mát của họ để thơ, tự nó “tìm đến những tâm hồn đồng điệu”.
3. Thơ về tình yêu của Lê Xuân Đồng thường là hoài niệm về quá khứ của một thời trai trẻ. Ký ức về tình yêu là một cử chỉ âu yếm, một bông cỏ may, nơi đầu mày cuối mắt... luôn tạo nên vẻ đẹp của chất thơ - chất thơ của tình yêu. Bài thơ Phải lòng là một lời thú nhận tình cảm với người bạn gái. Cách nói vòng vo để biện minh cho trạng thái chớm yêu của đôi trai gái: Con đê phải lòng dòng sông.../ Trời thu phải lòng trong xanh.../ Chân mây phải lòng mặt trời... để rồi:
Riêng còn hai đứa chúng mình
Giữa đông người vẫn lẻn tìm mắt nhau
Cùng chung thích hương hoa cau
Vào ra thích chạm áo nhau nhẹ nhàng
Để rồi rạo rực, mơ màng
Để rồi đêm ấy bàng hoàng nhớ mong!
Bài thơ tìm đến cách biểu đạt mới mà vẫn cứ gần gũi, quen thuộc bởi sự hồn nhiên chân thành của tình cảm lứa đôi.
Yêu say đắm và những cuộc hò hẹn với bao kỷ niệm:
Chia tay người ấy trên đê
Quay về lạc lối bốn bề cỏ may
Xác xơ những ngọn hao gầy
Heo may lành lạnh chở đầy hoàng hôn...
(Tím bông may)
Vận dụng linh hoạt cổ tích về tình yêu từ sân khấu dân gian truyền thống, anh cảm nhận vẻ đẹp hồn nhiên của gái trai thời nay:
Sân đình trưa đó vắng teo
Lẳng lơ bốn mắt buông neo cuộc tình
Thì ra táo rụng sân đình
Hai đứa ăn dở đi rình của chua.
(Táo rụng sân đình)
Ở tuổi này mà viết về tình yêu một cách táo bạo và hiện đại là một bản lĩnh, một thành công của Lê Xuân Đồng. Anh đã không e ngại và không né tránh bởi anh trân trọng những gì mà tạo hóa đã sinh ra và ban tặng cho người phụ nữ:
Yếm thắm là yếm thắm ơi
Sao yếm không kín cái nơi ỡm ờ...?
Ỡm ờ, xúng xính, chung chiêng
Trăm con mắt chụm vào miền hoang sơ.
“Cái nơi ỡm ờ...” ấy thật ý tứ, hóm hỉnh, tế nhị. Anh cũng không giấu lòng mình khi được ngắm em từ “sau gáy”:
Người thô ngắm ngực, ngắm đùi
Người thanh ngắm dáng, nụ cười trên môi
Hôm nay em ngồi trước tôi
Được ngắm sau gáy với đôi vai trần...
... Nét cong chảy xuống lưng gầy
Nét nghiêng tròn trịa thơm đầy hai vai.
(Gáy em)
Cái mô-típ trong ca dao “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay...” đã được nhà thơ lần lượt giải mã, có lý có tình:
Em ơi, đừng hát cái câu:
“Yêu nhau cởi áo qua cầu gió bay”
Em đừng dối mẹ dối thầy
Áo em, em cởi còn đây kia mà!
(...) Áo em, em trải làm giường
Còn đâu nữa để gió vương qua cầu...!
(Đừng hát)
Đây là một bài thơ hay, hay về cái tứ: đừng dối mẹ và cũng đừng giấu mẹ nữa.
Yêu say đắm, nồng nhiệt “thế vẫn còn chưa đủ” (Xuân Diệu), như còn vướng víu, mắc nợ nhau. Trong bài thơ Mắc nợ, nhà thơ viết:
Con tằm mắc nợ vương tơ
Đêm dài mắc nợ giọt sương đầu cành
Vầng trăng mắc nợ trời xanh
Tình yêu mắc nợ ngọt lành nụ hôn.
Từ quy luật của tự nhiên anh nghĩ đến quy luật của tình yêu. Thực ra mắc nợ trong tình yêu là một cách lý giải cho tình yêu tha thiết thủy chung, luôn mong chờ được gần gũi, chăm sóc, đem lại cho nhau niềm vui hạnh phúc. Điệp từ mắc nợ được dùng nhiều lần trong bài thơ mà vẫn không nhàm, không thừa, luôn hợp lý trong từng vế của câu thơ lục bát.
4. 94 bài thơ lục bát được Lê Xuân Đồng chau chuốt, mềm mại bởi cách ngắt nhịp, gieo vần luôn uyển chuyển. Với vốn từ ngữ phong phú, anh luôn biết cách lựa chọn và sử dụng hợp lý... để những câu lục bát không bị lặp vần, ép vần. Cái cách cấu tứ của mỗi bài thơ cũng thật tự nhiên, đa dạng, tác giả không bị gò bó bởi khuôn mẫu hay đi lại lối mòn nào. Hình như tác giả đang trên hành trình làm mới thơ của mình và thơ lục bát nói chung.
Đọc Tơ lòng ta bắt gặp một Lê Xuân Đồng trí tuệ, mẫn cảm trong việc sử dụng lợi thế của thể thơ lục bát để thể hiện những đề tài phong phú của đời sống. Một Lê Xuân Đồng am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc trong ứng xử với cảnh huống từng bài thơ và một tâm hồn luôn nhạy cảm, tinh tế và dạt dào cảm xúc. Nhưng trước hết, có một nhà giáo - nhà thơ Lê Xuân Đồng luôn ăm ắp nghĩa tình với quê hương, với bạn bè đồng đội, với đồng nghiệp và học sinh thân yêu!
Bài và ảnh: LÊ XUÂN SOAN (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/chat-chiu-may-duoc-nbsp-may-loi-tri-am-33925.htm