Đường phố Hà Nội mù mịt dưới làn sương (chụp tại quận Nam Từ Liêm vào sáng 21/2). Ảnh: Nguyễn Quý
Số liệu ghi nhận từ hệ thống quan trắc không khí IQAir cho thấy, vào lúc 7h28 sáng 21/2, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh". Cụ thể, chỉ số AQI ở mức 165, xếp thứ 9 trong danh sách 123 thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Trong đó, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu đỏ "không lành mạnh" ở mức 193.
TP Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với chất lượng không khí không được tốt khi nằm trong nhóm có chất lượng không khí ở mức màu vàng "trung bình" với chỉ số AQI là 77, xếp thứ 54. Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước thuộc về thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) với chỉ số chất lượng không khí màu xanh lá ở mức 8 - Tốt.
Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất. Vào thời điểm này, TP có chất lượng không khí tốt nhất trong danh sách 123 địa điểm được IQAir theo dõi là Auckland, New Zealand ở màu xanh lá "Tốt," mức 16.
Từ khi bước vào mùa nồm ẩm, bầu trời Hà Nội thường xuyên trong tình trạng sương mù dày đặc, chất lượng không khí ở ngưỡng không tốt (chụp tại quận Nam Từ Liêm vào sáng 21/2). Ảnh: Nguyễn Quý
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc đang bước vào mùa nồm ẩm. Bầu trời thường xuyên trong tình trạng mù mịt, chất lượng không khí ở ngưỡng không tốt cho sức khỏe.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Tương tự, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 - 300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
VN Air là ứng dụng được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc.VN Air sử dụng nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý.
Nguyễn Quý