Chất thi nhân trong hồn thầy giáo Toán

Chất thi nhân trong hồn thầy giáo Toán
18 giờ trướcBài gốc
Nhà giáo Mỵ Duy Thọ (người thứ 4, hàng 2 từ phải sang) chụp hình kỷ niệm tại Trường THPT Lam Sơn, Thanh Hóa, 1986. Ảnh tư liệu
Ở đời, thỉnh thoảng chúng ta hay gặp những người giỏi một nghề nhưng khi chuyển đam mê sang lĩnh vực khác cũng thành công không kém. Nhà giáo Mỵ Duy Thọ là một trong số không nhiều những người có được điều đặc biệt ấy.
Anh là một trong những giáo viên đầu tiên dạy các lớp chuyên Toán của tỉnh Thanh Hóa từ những ngày các lớp chuyên Văn Toán sơ tán lên Vĩnh Lộc rồi về THPT Hàm Rồng và Lam Sơn.
Năm 1992, anh chuyển ra Hà Nội vẫn nghiệp làm thầy nhưng đã thật nhạy bén tinh tường hội nhập với công nghệ thông tin; anh tự học tin học, thành danh trong công nghệ với phần mềm MyEqText nổi tiếng được giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2007. Nhưng điều làm tôi bất ngờ hơn cả là khi đọc thơ anh đã mang đến cho tôi bao nét tươi mới như tình yêu một thuở mà vẫn hàm chứa được sự dày dặn chừng mực của một tầm mức thiên phú.
Tôi ra Hà Nội sau anh chừng 30 năm. Giữa chúng tôi có sự kết giao ngày thêm sâu nặng, một phần do tính cách, phần nữa là tình yêu văn học, một tình yêu có chọn lựa mà chẳng thiếu sự phiêu diêu. Hồi còn cùng dạy ở Trường Lam Sơn, học sinh Toán của anh có em học thêm môn Hóa chỗ tôi để thi đại học.
Thật tình, khi ấy tôi chỉ biết anh danh tiếng trong làng dạy Toán còn văn thơ thì không thấy biểu hiện. Mãi sau tôi mới rõ Mỵ Duy Thọ là thế, làm gì cũng không ồn ào, anh lặng lẽ, có thương nhớ ai cũng âm thầm.
Này đây, năm 1981 của hơn 40 năm trước, ông anh tôi đã biểu cảm lòng mình trong bài thơ “Sao nay em nghỉ học?”. Thế này thì mọi người sẽ nghĩ sao đây cái chất thi nhân trong hồn thầy giáo Toán?!
“Tôi đến lớp. Sớm hơn
Hình như để đón em
Lâu rồi. Thành thói quen
Chứ nào đâu có hẹn
. . .
Hôm nay. Như mỗi ngày
Tôi chờ em. Chẳng thấy
Lớp đã đông thế này
Mà sao. Chưa muốn dạy”.
Một thực tế là, nhiều thầy giáo lúc đầu thương sau đó nhớ rồi cuối cùng thì yêu học trò. Tôi không dám chắc trong trường hợp này, thầy giáo Toán có dám vậy không, nhưng bảo rằng ông anh tôi nhớ trò bằng thơ - một thứ nhớ có chút phiêu lưu thì rõ thật rồi?!
“Thiếu ánh mắt của em
Bài Toán. Chùng bước giải
Vắng nụ cười của em
Đồ thị. Không mềm mại”.
Và rồi, cuối cùng, thầy giáo cũng phải tự thú bằng thơ vậy thôi:
“Chẳng biết tự bao giờ
Hình thành. Tâm tưởng đó
Thiếu em. Bài rạn vỡ
Thiếu em. Lòng bơ vơ”.
(Lam Sơn - 1981)
Nhà giáo Mỵ Duy Thọ. Ảnh: NVCC
Mỵ Duy Thọ sinh 1947, tuổi Đinh Hợi, người làng Si, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Anh đến với thơ khá sớm, tìm hiểu sâu kĩ hơn ta sẽ thấy anh có một chiều kích lạ thường trong tư duy cũng như trò chơi con chữ trên nhiều chủ đề. Chất giọng thơ tình của anh đằm thắm mặn mà, bàng bạc một niềm bâng khuâng xưa cũ mà không thiếu cái nồng nàn như còn váng vất và dang dở trong “Tìm lại người dưng”:
“Tôi về. Tìm lại người dưng
Chơi ô. Đánh đáo. Lúc khùng cãi nhau
Mẹ kêu. Dạ với đâu đâu
Bạn kêu. Thoắt cái đã mau khỏi nhà
Mẹ về. Có miếng bánh đa
Giấu nơi túi áo. Nhớ quà bạn thân”.
Và rồi cái tuổi thơ đam mê chơi ô đánh đáo ấy cũng trôi qua để mà khôn lớn:
“Mãi rồi. Đến một ngày xuân
Phổng phao. Hai đứa. Quên dần trò chơi
Bạn nay. Cấy lúa thạo rồi
Tôi đi nhổ mạ. Cho đời có nhau”.
Cái người dưng của anh sao mà phức tạp, mà chông chênh trong anh làm vậy:
“Gánh mạ. Rải cánh đồng sâu
Chân ai trắng nõn. Bùn ngầu ai thương
Thủy nông. Nạo vét bờ mương
Áo ai ướt sũng. Ai vương nỗi lòng”.
Cái tình với người dưng ấy ngấm vào anh hồn nhiên từ lúc nào không hay để mãi đến giờ anh còn tiếc nuối:
“Tuổi trai. Trai mãi khù khờ
Thương ai. Thương mãi. Đến giờ
vẫn thương”.
Một trong những chủ đề thơ Mỵ Duy Thọ làm tôi yêu thích, là khi anh viết về quê hương, ở đó có bố mẹ, có thầy giáo cũ cùng nỗi quê với bờ cỏ đọng sương mềm, bầy chim sẻ và đàn cò đang sải cánh. Hãy thưởng thức những vần thơ như khúc tưởng niệm trong “Đường về làng” của anh trên Báo Văn Nghệ số 20/2021.
“Đường về làng ta. Bóng tre nghiêng
Tháng Ba bừng đỏ. Hoa mộc miên
Hàng xoan lặng lẽ. Che bờ ngói
Lối ngõ nhà ai. Cúc đang lên
Đường về làng em. Về làng anh
Cái thời. Hai đứa tuổi mầm xanh
Anh trèo tam quan. Tìm chim sẻ
Em dưới nhìn lên. Sợ mong manh”.
Cái nỗi niềm làng trong anh không chỉ đọng lại rồi bung nở như cúc đương lên mà xa xót khôn nguôi khi bị đạn bom cày xới giữa lúc: “Em vào đại học. Anh đi lính/ Thương cổng tam quan. Sập mái đình”. Con đường về làng anh, về làng em không chỉ đơn thuần là khoảng cách về địa lý mà dường như đã mang một thân phận để “Đi mãi theo anh tiếng súng rền”.
Nhiều và rất nhiều kỉ niệm về quá khứ với anh như không bao giờ cạn. Mỵ Duy Thọ chỉ còn cách phải gói chúng lại trong “Chỉ có ngày xa xưa ấy”:
“Và có lẽ. Chỉ có ngày xa xưa ấy
Anh em mình. Thức dậy đã có nhau
Bắp ngô nướng. Mỗi đứa một đầu
Sách học rồi. Giữ mai sau em học”.
Không phải bỗng dưng mà hai tiếng thời gian lại được anh nhấn nhá trong một bài thơ ngắn:
“Thời gian ơi! Có bao giờ trở lại
Heo may về. Ổ rơm trải ôm nhau
Chăn chiên mỏng. Đắp chiếu. Kéo lút đầu”.
Chẳng phải nhà thơ nhớ những lần được cùng sung sướng mà sự gắn kết ở chỗ anh em cùng chung quãng đời gian khổ. Mỵ Duy Thọ mở đầu bài thơ bằng một lời nửa như khẳng định nửa như không: “Và có lẽ. Chỉ có ngày xa xưa ấy” rồi anh kết lại “Anh em mình. Luôn được ở bên nhau” - một sự xác tín còn hơn cả đáp số của một bài toán nhiều cách giải!?
Bên cạnh sự giao cảm với đời, tiếng lòng trong thơ anh đôi khi xa xót vạn điều sâu thẳm. Ta hãy đọc những dòng thơ trong “Yêu quê chồng” để cảm nhận cùng thi nhân khi sóng vỗ bờ rào rạt hay cùng nhau chung hưởng cái mặn mòi của hơi gió biển khơi mới hiểu được lời tâm sự của người bạn một đời gắn bó với anh:
“Biển đã ngấm trong anh. Từ thời thơ bé
Biển đã giúp anh. Mưu sinh cùng mẹ”.
Nhưng từ những vần thơ dậy lên như triều lên sóng vỗ bờ rào rạt ấy ta vẫn nhận ra trong đó ẩn tàng bao niềm thương cảm:
“Em yêu anh. Yêu tháng ngày vất vả
Yêu dòng sông. Yêu nón lá đồng quê
Yêu con cua. Con cáy. Bãi ngoài đê
Hoàng hôn muộn. Thương thân cò lẻ bóng”.
Rồi đây nữa, khi anh về thăm thầy học cũ mà nhớ lại:
“Mùng Năm. Em tìm đến nhà
Cửa phòng vẫn khóa. Then hoa vẫn cài
Nhìn quanh. Chẳng thấy bóng ai
Ngoài hiên ngơ ngác. Một vài bóng chim”.
Không gặp thầy nên người trò nhỏ chỉ còn biết tự trăn trở:
“Ra về. Nghĩ gần. Nghĩ xa
Tàu xe chắc kẹt. Bến phà chắc đông
Thầy về. Tết có vui không
Có nhớ lũ nhỏ. Đang mong bóng thầy”.
Nhớ và mong thầy như anh là cái chung của nhiều người từng một thời cắp sách tới trường, riêng học trò Mỵ Duy Thọ thì đặc biệt hơn, bởi chút buồn ở anh, là chút buồn thanh sáng và sâu thẳm xiết bao!
Là một nhà giáo tâm huyết với nghề, với trẻ nên thơ thiếu nhi của Mỵ Duy Thọ cũng khá sắc. Anh luôn muốn đưa tâm hồn các em đi khám phá thiên nhiên và nhiều bài trong đó ẩn chứa sự giáo dục các em về nhân tính. Hãy thưởng thức đôi vần anh viết cho các em trong “Diều và Gió”:
“...Cả lũ sáng đi học
Cánh diều nằm ngẩn ngơ
Gió tìm về tận ngõ
Cứ vừa bay vừa chờ
Diều được ăn no gió
Dây căng như dây đàn
Gió gặp Diều gặp bạn
Cùng liệng dọc liệng ngang”.
Rồi không chút bất ngờ mà tràn đầy thi tứ khi nhà thơ đã nhập thân cho Diều và Gió có nội tâm và tính cách đầy mơ mộng như giấc ngủ tuổi thơ:
“Đêm Diều nằm nhớ Gió
Gió nhớ Diều lang thang
Em nằm mơ dây kéo
Diều bay trên đồng làng”.
Mỵ Duy Thọ yêu và làm thơ từ khá sớm nhưng thật sự bùng nổ mươi năm trở lại đây. Từ 2012 đến 2023 liên tục được các nhà xuất bản tên tuổi như Văn học, Hội Nhà văn cấp phép in 7 tập thơ, và sắp tới anh còn cho in nhiều tập thơ thiếu nhi.
Tôi thật tự hào và may mắn khi được kết thân với Mỵ Duy Thọ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, một thầy giáo Toán tầm cỡ. Anh luôn hết lòng vì học trò, là tấm gương tự học tự vươn lên mà giải thưởng Nhân tài Đất Việt về phần mềm MyEqText là một minh chứng. Cũng như nhiều người, nhiều học trò, tôi yêu quý và mong anh mãi vững bước và trường sức trên xa lộ văn chương.
Nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chat-thi-nhan-trong-hon-thay-giao-toan-post707632.html