Kantar BrandZ, công ty chuyên về dữ liệu và phân tích marketing, vừa công bố bảng xếp hạng thường niên các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu.
Thị trường toàn cầu từng vượt qua nhiều sóng gió, nhưng sự biến động do đại dịch COVID-19 và những thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng 5 năm qua đã làm chao đảo bức tranh toàn cảnh. Các cuộc đàm phán về thuế quan giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác khiến thị trường trở nên bất ổn hơn. Trong khi một số công ty bị khuất phục trước áp lực, những cái tên khác lại tiến lên mạnh mẽ.
Apple vẫn đứng đầu danh sách 2025 của Kantar BrandZ, năm thứ tư liên tiếp, với giá trị thương hiệu khoảng 1.300 tỉ USD. Theo Kantar BrandZ, đó là mức tăng 28% so với năm 2024.
Sau khi vượt qua Amazon vào năm 2022, Apple vẫn tiếp tục thống trị bảng xếp hạng của Kantar BrandZ. Trong khi Google, Microsoft và Amazon lần lượt xếp vị trí thứ hai, ba và tư.
Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Tim Cook, Apple đã thành công trong việc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Huawei (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc).
Apple đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới của Kantar BrandZ 4 năm liền - Ảnh: NurPhoto
Một điểm nổi bật khác trong danh sách của Kantar BrandZ năm 2025: Nvidia chứng kiến giá trị thương hiệu tăng tới 152% so với 2024. Nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới đã vươn lên vị trí số 5 trong danh sách này.
Gần đây, vốn hóa thị trường của Nvidia tăng lên 3.300 tỉ USD sau khi công ty công bố thỏa thuận bán chip AI ở Trung Đông.
Hôm 13.5, Nvidia đồng ý bán hàng trăm nghìn chip AI ở Ả Rập Saudi, trong đó phần lớn cung cấp cho một công ty khởi nghiệp AI do quỹ đầu tư quốc gia của nước này thành lập. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu với chip AI của Nvidia vẫn đang tăng mạnh.
Thỏa thuận trên diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du Vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hôm 14.5, Reuters đưa tin Mỹ và UAE đã đạt thỏa thuận sơ bộ cho phép quốc gia Trung Đông này nhập khẩu 500.000 chip AI tiên tiến nhất Nvidia mỗi năm, bắt đầu từ năm nay.
Thỏa thuận có hiệu lực đến ít nhất năm 2027, không loại trừ khả năng kéo dài đến 2030, góp phần thúc đẩy nỗ lực xây dựng các trung tâm dữ liệu quan trọng để phát triển mô hình AI mà UAE đang theo đuổi.
Hãng UAE G42 dự kiến được nhập 100.000 chip AI Nvidia mỗi năm, số còn lại được chia cho các công ty Mỹ chuẩn bị xây trung tâm dữ liệu tại UAE như Microsoft và Oracle. Theo nguồn tin của Reuters, sự đàm phán chưa kết thúc nên thỏa thuận còn có thể thay đổi.
10 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu theo Kantar BrandZ
1. Apple
2. Google
3. Microsoft
4. Amazon
5. Nvidia
6. Facebook
7. Instagram
8. McDonald’s
9. Oracle
10. Visa
Báo cáo của Kantar BrandZ cũng nêu bật một số thương hiệu lần đầu góp mặt trong top 100. ChatGPT là "tân binh" có thứ hạng cao nhất, ở vị trí số 60, hơn công ty dịch vụ tài chính Stripe đến 25 bậc và hơn 26 bậc so với chuỗi nhà hàng Chipotle.
7 "tân binh" có thứ hạng cao nhất trong top 100 của Kantar BrandZ
60. ChatGPT
85. Stripe
86. Chipotle
89. Booking.com
95. Hilton
97. Uniqlo
99. DoorDash
Martin Guerrieria, người đứng đầu Kantar BrandZ, cho biết các thương hiệu cần làm nhiều hơn là chỉ khác biệt so với đối thủ để tồn tại trên thị trường toàn cầu.
“Sự thống trị của Apple, Instagram và McDonald’s nêu bật sức mạnh trải nghiệm thương hiệu nhất quán mà người tiêu dùng có thể liên tưởng và ghi nhớ. Sự thăng tiến ngoạn mục của ChatGPT cho thấy một thương hiệu có thể trở nên nổi tiếng và tạo ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội đến mức thay đổi cả cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Song khi cạnh tranh trong lĩnh vực AI tạo sinh ngày càng gay gắt, OpenAI sẽ cần đầu tư vào thương hiệu của mình để giữ vững lợi thế tiên phong”, Martin Guerrieria bình luận.
ChatGPT là "tân binh" có thứ hạng cao nhất trong top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới của Kantar BrandZ - Ảnh: Internet
OpenAI cần làm gì để giữ vững lợi thế tiên phong?
Dù OpenAI và AI tổng quát (AGI) mà họ đang theo đuổi sẽ tạo ra tác động gì với thế giới, công ty khởi nghiệp Mỹ này đã được ghi tên vào lịch sử. Chưa từng có công ty nào xây dựng được một đế chế internet dành cho người dùng nhanh đến vậy.
AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".
Google mất 13 năm để đạt mốc 1 tỉ người dùng, còn Facebook mất 8 năm. Nhờ thành công lan truyền của ChatGPT, OpenAI dường như đang trên đà đạt được con số đó chỉ sau 3 năm.
Tốc độ phát triển này khiến ngay cả các lãnh đạo công ty cũng bất ngờ. Đến gần đây, họ vẫn khẳng định mục tiêu chính là biến OpenAI thành nền tảng AI để các doanh nghiệp khác tích hợp vào, chứ không phải trở thành công ty tiêu dùng đại chúng. Tuy nhiên, Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) hồi giữa tháng 4 cho biết lượng người dùng của họ đã tăng gấp đôi chỉ trong vài tuần và hiện chiếm khoảng 1/10 dân số thế giới. Điều này thật khó tin khi ChatGPT chỉ đạt mốc 200 triệu lượt truy cập hàng tuần vào tháng 8.2024.
Sự tăng trưởng thần tốc này khiến OpenAI cần giải quyết một số câu hỏi căn bản mà bất kỳ công ty internet tiêu dùng nào cũng phải đối mặt.
Làm gì để giữ chân người dùng và kiếm tiền?
Một trong những câu hỏi đó là làm thế nào để OpenAI giữ chân người dùng khi các đối thủ khổng lồ đang kiểm soát những kênh phân phối kỹ thuật số chính? Meta Platforms có một lượng người dùng khổng lồ trên Facebook, WhatsApp và Instagram. Apple có iPhone. Khi các công ty này đang tích cực quảng bá các trợ lý AI đa năng của riêng họ, OpenAI phải đối mặt với thách thức tương tự như Google từng gặp những ngày đầu, đó là duy trì kết nối trực tiếp với người dùng. Trong trường hợp Google, mối đe dọa đến từ hệ điều hành Windows của Microsoft, công ty thống trị thế giới điện toán thời điểm đó.
Ít nhất OpenAI cũng có thể tự hào về thỏa thuận phân phối đáng chú ý mà họ đã ký với Apple năm ngoái. Theo thỏa thuận này, trợ lý ảo Siri sẽ chuyển một số truy vấn của người dùng sang ChatGPT nếu không thể tự trả lời. Tuy nhiên, nếu Apple vượt qua được các rào cản gần đây khiến việc ra mắt đầy đủ các dịch vụ AI của họ bị trì hoãn, thỏa thuận hợp tác với OpenAI chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.
OpenAI sẽ cần phát triển thiết bị và phần mềm của riêng mình để vượt qua các rào cản này. Từng đối mặt với vấn đề tương tự, Google đã tạo ra trình duyệt Chrome thay thế Internet Explorer của Microsoft và phát triển hệ điều hành Android để cạnh tranh với iOS trên iPhone. Chiến lược “phòng thủ” đó đã rất thành công, nhưng nay lại quay lại gây khó khăn cho Google. Thẩm phán phụ trách vụ kiện chống độc quyền tại Mỹ đang xem xét liệu có buộc Google phải bán Chrome hay không. Nếu điều đó xảy ra, OpenAI có cơ hội hiếm thấy để mua lại Google Chrome - trình duyệt được hơn một nửa người dùng internet toàn cầu sử dụng.
Câu hỏi lớn thứ hai mà OpenAI hầu như chưa giải quyết: Làm sao kiếm tiền từ lượng người dùng mới này? Đến nay, quảng cáo vẫn là các kiếm tiền ưa thích của các công ty internet đại chúng. Thế nhưng, Sam Altman lại từ chối ý tưởng này và dựa vào mô hình đăng ký thuê bao.
Cách tiếp cận đó đã đem lại kết quả ấn tượng. Doanh thu của OpenAI tăng vọt lên khoảng 4 tỉ USD trong năm ngoái, và các nhà đầu tư gần đây đã định giá công ty ở mức 300 tỉ USD. Google từng không đạt được mức định giá đó (300 tỉ USD) cho đến khi có doanh thu hàng năm là 60 tỉ USD, cho thấy OpenAI vẫn còn rất nhiều điều phải chứng minh.
Trong cuộc trò chuyện với nhà phân tích Ben Thompson của bản tin Stratechery, Sam Altman cho biết ông muốn kiếm tiền bằng cách đưa người dùng trực tiếp đến các trang thương mại điện tử thay vì thông qua quảng cáo. Nếu có thể phát triển thành một trợ lý cá nhân toàn năng mà người dùng internet tin tưởng để hướng dẫn họ trong thế giới số, ChatGPT sẽ sở hữu vị thế cực kỳ mạnh để tạo ra lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn toàn mới xoay quanh ChatGPT vẫn chưa bắt đầu.
Nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn
Câu hỏi lớn thứ ba mà OpenAI phải trả lời: Rốt cuộc ChatGPT được tạo ra để làm gì? Làn sóng người dùng gần đây tăng mạnh sau khi OpenAI thêm khả năng tạo ảnh vào mô hình GPT-4o. Động thái này làm dấy lên trào lưu tạo ra những hình ảnh có vẻ giống phong cách của Studio Ghibli, hãng phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản.
Những tính năng kiểu trào lưu như vậy có thể tạo ra đỉnh cao về lượng người dùng, nhưng khó có thể trở thành nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn. Hãy so sánh với Google, nơi người dùng ngay từ lần đầu đã biết rõ họ dùng nó để làm gì: Tìm kiếm web tốt hơn.
Rất nhiều người thấy ChatGPT hữu ích, từ làm bài tập về nhà đến nghiên cứu chuyên sâu. Chatbot AI của OpenAI đang phát triển rất nhanh. Chức năng tìm kiếm web của ChatGPT được bổ sung vào tháng 10.2024, mở ra sự cạnh tranh trực tiếp với Google. Tháng 4 vừa qua, ChatGPT đã được mở rộng bộ nhớ để có thể ghi nhớ toàn bộ tương tác trước đây với người dùng nhằm phản hồi tốt hơn. Đây là bước tiến lớn để biến ChatGPT thành dạng trợ lý cá nhân mà Sam Altman hằng mơ ước.
Chiến lược sản phẩm còn chưa định hình rõ ràng là điều dễ hiểu trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng và phần thưởng cuối cùng vẫn còn mù mờ. Song khi đang chạy nước rút tới cột mốc 1 tỉ người dùng, OpenAI vẫn còn chặng đường dài để chứng minh rằng họ có thể trở thành gã khổng lồ internet tiêu dùng tiếp theo hay không.
Sơn Vân