Trong không khí đau thương bởi vụ tai nạn máy bay của Jeju Air, Hàn Quốc đã quyết định hủy bắn pháo hoa và tạm dừng hầu hết các hoạt động mừng năm mới ở nơi công cộng. Thay vì những lễ hội rực rỡ sắc màu, đất nước này chọn hướng về nỗi đau chung, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
Tại thủ đô Seoul, những sự kiện cuối năm vốn sôi động như Lễ hội mùa Đông Seoul đã được giảm thiểu quy mô, nhường chỗ cho không gian tưởng niệm. Chiếc chuông Bosingak, biểu tượng đón năm mới, vẫn vang lên nhưng không còn đi kèm những màn trình diễn rực rỡ. Thay vào đó, một "mặt trời lúc nửa đêm" khổng lồ sẽ tỏa sáng, như một lời cầu nguyện cho những người đã khuất.
Các màn trình diễn ánh sáng, âm nhạc tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Cổng Gwanghwamun, Dongdaemun Design Plaza cũng được điều chỉnh, giảm thiểu tối đa âm thanh, tập trung vào những hình ảnh mang tính biểu tượng và lời chia buồn. Ngay cả sự kiện toàn cầu Seoul Con, vốn thu hút hàng nghìn người tham gia, cũng đã được rút gọn quy mô. Thay vì những buổi biểu diễn sôi động, sự kiện này tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kinh tế.
Sân trượt băng Seoul Plaza, một địa điểm quen thuộc của người dân thủ đô, vẫn mở cửa nhưng không còn những bản nhạc vui tươi. Tất cả đều hướng về một mục tiêu chung: tưởng nhớ những người đã ra đi và chia sẻ nỗi đau với những gia đình chịu mất mát.
Người Hàn Quốc đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân vụ tai nạn máy bay của Jeju Air tại bàn thờ chung ở Cung thể thao Muan, huyện Muan-gun, tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc). Ảnh: Yonhap
Tại Nhật Bản, người dân vào thời điểm này có truyền thống vào chùa hoặc các đền thờ Thần đạo để cầu sức khỏe và thịnh vượng.
Trong không khí trang nghiêm của đêm giao thừa, những nơi như đền Tokudaiji ở thủ đô Tokyo trở thành điểm thu hút người thăm viếng nhiều nhất. Mọi người xếp hàng dài, kiên nhẫn chờ đến lượt để được gõ chuông, gửi gắm những mong ước của mình vào từng tiếng chuông ngân.
Khi đồng hồ điểm 12 giờ cũng là lúc tiếng chuông các ngôi chùa được ngân lên đồng loạt, báo hiệu khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Hàng nghìn chiếc đèn lồng đồng loạt được thả lên bầu trời, tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo.
Người dân Nhật Bản đến rung chuông cầu bình an tại đền Tokudaiji ở Tokyo. Ảnh: BBC
Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên không công bố thông tin các hoạt động được tổ chức nhân dịp đón năm mới. Tuy nhiên, một số hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 31/12 cho thấy một buổi khiêu vũ tập thể được tổ chức ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là sự kiện kỷ niệm 13 năm ngày nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên nắm quyền chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang.
Sáng cùng ngày, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một lá thư chúc mừng năm mới tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó cam kết sẽ củng cố hơn nữa hợp tác quân sự song phương.
"2025 sẽ được ghi nhận là năm chiến thắng đầu tiên trong thế kỷ 21, khi quân đội và nhân dân Nga đánh bại chủ nghĩa tân phát xít và giành được chiến thắng vĩ đại," Chủ tịch Kim Jong Un viết trong lá thư gửi Tổng thống Putin, theo trích dẫn từ KCNA.
Hình ảnh người dân CHDCND Triều Tiên khiêu vũ tập thể tại thủ đô Bình Nhưỡng được công bố hôm 31/12. Ảnh: KCNA
Bức thư cũng cho biết, ông Kim Jong Un cùng Nhân dân và toàn thể lực lượng vũ trang của Triều Tiên "gửi lời chào nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất tới Nhân dân Nga anh em, cũng như toàn thể quân nhân của quân đội Nga anh dũng".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" với Nga, bằng cách thúc đẩy các dự án mới để xây dựng những quốc gia hùng mạnh, mang lại hòa bình, thịnh vượng cho người dân".
Cuối thư, ông Kim Jong Un "chúc Tổng thống Vladimir Putin thành công hơn nữa với trọng trách của mình, chúc người dân Nga thịnh vượng, hạnh phúc và an khang".
Việt Anh