Châu Á - lời giải cho bài toán khí đốt của Canada

Châu Á - lời giải cho bài toán khí đốt của Canada
15 giờ trướcBài gốc
Một con tàu chở khí hóa lỏng LNG chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Tàu GasLog Glasgow, do tập đoàn Shell thuê, đã rời bờ biển phía Bắc bang British Columbia vào ngày 1/7 (theo giờ địa phương), đánh dấu chuyến hàng thương mại đầu tiên từ tổ hợp xuất khẩu LNG trị giá 18 tỷ USD do Shell PLC dẫn đầu, đồng thời mở ra bước ngoặt đưa Canada gia nhập thị trường LNG toàn cầu sau thời gian dài chờ đợi.
Ông Chris Cooper, Giám đốc điều hành (CEO) LNG Canada, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi dẫn đầu một lĩnh vực năng lượng mới tại Canada với quy mô lớn”. Ông gọi đây là một khoảnh khắc “lịch sử”, thể hiện rằng Canada có thể “tự đứng vững trên đôi chân của mình”. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang giúp Canada đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng an toàn cho người dân châu Á đang tìm cách giảm phát thải carbon”.Chuyến hàng này diễn ra gần 15 năm sau khi hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu LNG đầu tiên từ bờ Tây Canada được nộp lên các cơ quan quản lý liên bang. Kể từ đó, hơn chục dự án LNG khác nhằm tận dụng khoảng cách vận chuyển ngắn hơn từ Canada đến châu Á và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên dồi dào đã xuất hiện rồi lại biến mất, do những tranh cãi chính trị về đường ống, tiêu chuẩn môi trường ngày càng siết chặt và những biến động của thị trường toàn cầu.
“Rất nhiều người đã cố gắng thúc đẩy các cơ sở LNG đi vào hoạt động. Và LNG Canada là dự án duy nhất tiến xa đến vậy”, ông Cooper nói. “Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo điều kiện để hệ sinh thái thu hút thêm đầu tư. Chúng ta thấy dự án Woodfibre LNG sắp khởi động, cũng như Cedar LNG và Ksi Lisims LNG – điều đó cho thấy chất xúc tác đã được kích hoạt”.
Ông Ian Archer, Phó Giám đốc tại S&P Global Inc. và là chuyên gia về thị trường khí đốt tự nhiên Bắc Mỹ cho biết rất nhiều "hy vọng và ước mơ" gắn liền với sự thành công của LNG Canada. Ông Archer nói: “Đây thực sự là một sự kiện rất quan trọng đối với khí đốt tự nhiên của Canada, vì nó đã chứng minh rằng LNG không chỉ có thể cung cấp cho một thị trường duy nhất, mà còn có thể thúc đẩy và mở rộng ra các thị trường khác”.Việc xây dựng cơ sở LNG Canada, với công suất 14 triệu tấn mỗi năm, bắt đầu cách đây gần 7 năm và chính thức đi vào vận hành trong bối cảnh nhu cầu khí đốt tại Bắc Mỹ đang yếu đi do những bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Tuy nhiên, hầu hết các dự báo, bao gồm cả báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn gần đây nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều cho rằng giá khí đốt tự nhiên sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2025 nhờ nhu cầu sản xuất điện tăng và công suất xuất khẩu LNG mở rộng. EIA dự đoán giá khí đốt giao ngay tại trung tâm khí Henry Hub của Mỹ sẽ đạt trung bình 4 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong năm 2025, tăng mạnh so với mức 2,2 USD/MMBtu của năm 2024.
Các nhà sản xuất năng lượng tại miền Tây Canada cùng giới đầu tư đã chờ đợi từ lâu ngày LNG Canada đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc nguồn khí đốt tăng dần được đưa ra bờ biển phía Tây để xuất khẩu – tương tự cú hích về giá dầu thô Canada sau khi dự án mở rộng đường ống Trans Mountain (TMX) hoàn tất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy tổ hợp LNG mới này tạo ra tác động đáng kể tới thị trường.
Khí đốt tự nhiên của bờ Tây Canada, được giao dịch với mức chiết khấu thấp hơn so với chuẩn Henry Hub, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do sự kết hợp giữa lượng hàng tồn kho cao và các hạn chế về lưu lượng đường ống. Ông Archer cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một thị trường cực kỳ bão hòa và có rất nhiều khí đốt đang chờ tiêu thụ. Tương tự như TMX, chúng tôi kỳ vọng LNG Canada sẽ có tác động đến giá cả, nhưng hiện tại chưa thấy điều đó và có thể sẽ mất thêm thời gian”.
Bất chấp mức giá yếu trong ngắn hạn, triển vọng dài hạn của ngành năng lượng Canada vẫn được củng cố bởi kỳ vọng nhu cầu khí đốt tăng mang tính cấu trúc trên toàn khu vực Bắc Mỹ. Điều này được thúc đẩy bởi công suất xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào cuối thập kỷ, lên mức 24–26 tỷ feet khối/ngày (bcf/ngày).
Ngành công nghiệp LNG non trẻ của Canada cũng có thể tăng trưởng đáng kể vào cuối thập kỷ này, từ mức khoảng 2,5 bcf/ngày hiện đang được xây dựng hoặc vận hành, lên hơn 6 bcf/ngày nếu các dự án hiện tại được tiến hành theo đúng kế hoạch — bao gồm cả việc mở rộng Giai đoạn 2 của dự án LNG Canada.Liên doanh LNG Canada gồm 5 đối tác – Shell, tập đoàn năng lượng quốc gia Petronas của Malaysia, PetroChina, Mitsubishi Corp. và Kogas – hiện đang cân nhắc việc thông qua Giai đoạn 2. CEO Cooper cho biết các đối tác đều theo dõi sát sao quá trình vận hành ban đầu của tổ hợp.
“Chúng tôi muốn quan sát tất cả các yếu tố: chuỗi cung ứng, hậu cần, cách mọi thứ vận hành”, ông nói, đồng thời cho biết các đối tác sẽ cân nhắc giữa chi phí mở rộng dự án, tính cạnh tranh của LNG Canada, các chính sách trong nước, vấn đề phát thải khí nhà kính và ý kiến từ các bên liên quan. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có một phần việc là đưa Giai đoạn 1 vào vận hành trơn tru, và phần tiếp theo là chứng minh tính khả thi về mặt kinh tế của Giai đoạn 2”.
Một báo cáo vào đầu tháng 6/2025 cho biết Petronas đang xem xét việc bán tài sản tại Canada – điều mà công ty đã mạnh mẽ bác bỏ – đã làm dấy lên lo ngại lâu nay trong ngành năng lượng Canada về khả năng dòng vốn quốc tế sẽ rút lui. Tuy nhiên, ông Cooper khẳng định cả 5 đối tác trong liên doanh LNG Canada vẫn “rất quan tâm” đến việc mở rộng dự án. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với 5 đối tác đầu tư Giai đoạn 1 và hiện chưa thấy có gì thay đổi,” ông nói.
Thủ tướng Mark Carney ngày 30/6 tuyên bố rằng Canada “có những gì thế giới đang cần” khi phản hồi thông tin về lô hàng LNG đầu tiên. Ông phát biểu: “Với chuyến hàng đầu tiên từ LNG Canada đến châu Á, Canada đang xuất khẩu năng lượng cho các đối tác tin cậy, đa dạng hóa thương mại và góp phần giảm phát thải toàn cầu – tất cả đều được thực hiện trong quan hệ hợp tác với người dân bản địa. Bằng cách biến khát vọng thành hành động, Canada có thể trở thành siêu cường năng lượng hàng đầu thế giới với nền kinh tế mạnh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)”.
Thanh Hải/BNEWS/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/chau-a-loi-giai-cho-bai-toan-khi-dot-cua-canada/379643.html