Châu Âu đang "choáng" trước thái độ của Mỹ dành cho Ukraine trong tuần qua. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Tổng thống Donald Trump lại quay ngoắt 180 độ với người đồng cấp Volodymyr Zelensky, thậm chí còn có những lời chỉ trích không đúng sự thật.
Giới lãnh đạo châu Âu không góp mặt trong cuộc họp Nga - Mỹ trong tuần này. Họ không rõ khi nào Mỹ sẽ thông báo về đề xuất thỏa thuận hòa bình, hoặc đe dọa quay lưng với xung đột Ukraine. Và họ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Trên CNN, Armida van Rij - nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Chatham House - nhận định: “Cách mọi thứ diễn ra, hết đòn giáng này tới đòn giáng khác chỉ trong vài ngày, thực sự là cú sốc với châu Âu”.
Châu Âu chậm chân?
Các chính trị gia châu Âu đang tìm cách vượt qua cú sốc này. Một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Paris đã làm dấy lên loạt ý tưởng “diều hâu” nhằm định hình một thực tế mới bấp bênh.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở lục địa già vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Những đề xuất về một lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng chi tiêu quốc phòng hay thêm viện trợ quân sự đã được đề cập, song chưa bao giờ đồng nhất. Ý định rời rạc của châu Âu tạo nên một nửa bức tranh đối lập đầy bất ngờ trong tuần này. Ở nửa còn lại, Mỹ và Nga bất ngờ thân thiện, dễ dàng gạt bỏ những yêu cầu của Ukraine khỏi bàn đàm phán.
Một số chuyên gia nhắc tới sự xuất hiện của một người có uy tín đứng đầu đoàn kết châu Âu, xây dựng cầu nối giữa Kyiv và Washington. Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là những ứng viên sáng giá nhất. Cả hai dự kiến thăm Washington D.C vào tuần tới.
Dẫu vậy, những lãnh đạo châu Âu chủ chốt lại đối mặt với vấn đề nghiêm trọng riêng trong nước. Hơn nữa, họ cũng vấp phải bài toán nan giải về thời điểm và mức độ phản ứng với Mỹ, bởi họ hiểu nếu làm rạn nứt mối quan hệ với Nhà Trắng sẽ vô tình tạo lợi thế cho Moscow.
“Chúng tôi không muốn phá vỡ mối quan hệ với Mỹ”, nhà phân tích quốc phòng Nicholas Drummond nói. "Nhưng sẽ phải làm gì khi đồng minh thân cận nhất chung mâm với đối thủ lớn nhất?”.
Cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và Nga do các ngoại trưởng dẫn đầu tại Saudi Arabia bàn về xung đột Ukraine, nhưng không có sự góp mặt của Kyiv. Ảnh: Reuters.
Châu Âu đã chuẩn bị cho tình huống chính quyền Trump sẽ ít để tâm tới xung đột Ukraine hơn so với người tiền nhiệm, nhưng họ chưa chuẩn bị tinh thần cho tình huống chia rẽ đột ngột, rõ ràng và cay đắng như hiện tại. Châu Âu đã sốc, theo đúng nghĩa đen, khi một tổng thống Mỹ tại vị đổ lỗi lên đồng minh.
Song CNN nhận định đáng lẽ châu Âu có thể làm nhiều hơn thế. Suốt nhiều tháng, ông Trump cùng nhóm thân cận đã phản đối và suy đoán về điểm khởi đầu cũng như kết thúc xung đột Ukraine, báo hiệu sự thay đổi đột ngột trong chính sách tương lai.
Ngay từ thời điểm ông Trump đắc cử, ông van Rij cho rằng: "Các nguyên thủ quốc gia châu Âu nên họp lại với nhau, tìm ra đường hướng kế hoạch. Nhưng họ không làm vậy. Họ đợi tới tận bây giờ mới hành động với tâm thế vội vã”.
Hiện tại có hai khả năng, một là đạt thỏa thuận hòa bình, hai là không. Cả hai có thể đều cần sự lãnh đạo của châu Âu, khi chính quyền Trump nên rõ ưu tiên của họ nằm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và biên giới quốc gia.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có động thái quan trọng đầu tiên để thúc đẩy châu Âu theo đuổi mục tiêu chung, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong chính sách: Anh sẵn sàng triển khai lính gìn giữ hòa bình hậu xung đột Ukraine.
Hôm 19/2, các quan chức phương Tây cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ có khoảng dưới 30.000 quân, tập trung “trấn an”, đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng và nỗ lực tạo dựng lòng tin của công chúng.
Nỗ lực này do Anh và Pháp dẫn đầu. Paris lần đầu đề cập đến việc triển khai quân trên bộ vào năm 2024 nhưng bị châu Âu phản đối kịch liệt. Song, ông Starmer đã nói rõ một "biện pháp dự phòng" từ Mỹ rất quan trọng. Cả Anh và Pháp dự kiến trình bày với ông Trump về kế hoạch này tại Washington vào tuần tới.
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi chưa có lời giải. Ví dụ, nếu lính NATO bị tấn công trên vùng lãnh thổ không thuộc NATO, thì liên minh sẽ phản ứng thế nào. Và Anh cũng cần sự ủng hộ từ châu Âu, khi quân đội nước này giảm quy mô sau giao tranh tại Iraq và Afghanistan.
Một số nước châu Âu họp khẩn giữa lúc phái đoàn Nga - Mỹ gặp nhau tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.
Khi mối quan hệ rạn nứt
Việc đưa quân ra chiến trường không phải là một ý tưởng được ưa chuộng. Điều quan trọng nhất là Ba Lan - quốc gia tự hào có quân đội lớn nhất NATO ở châu Âu và là nhân tố quan trọng ở Ukraine – lại tỏ ra miễn cưỡng, lo ngại biên giới của chính họ sẽ dễ bị tổn thương.
Nếu một nhóm lãnh đạo châu Âu nhỏ hơn, không chính thức được hình thành, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhiều khả năng sẽ muốn góp mặt. Ông sẽ mang đến bàn đàm phán những sự thật khó chịu với các cường quốc như Anh, Pháp và Đức về mức độ đóng góp của họ cho quốc phòng.
Và Đức có lẽ sẽ phải hứng chịu chỉ trích nặng nề nhất. Một cuộc bầu cử - vào ngày 23/2 tới - diễn ra đúng vào thời điểm không thuận lợi có thể kéo theo nhiều tuần tranh luận về chính phủ mới. Ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng, Friedrich Merz, đã tận dụng Hội nghị An ninh Munich tuần trước để khẳng định lập trường cứng rắn về Ukraine.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Đức hiện chỉ ở mức 1,5% GDP. Ông Merz cho rằng cần tăng ngân sách, nhưng lại né tránh cam kết cụ thể. Xung đột Ukraine đã giảm tiếng nói của Berlin trong các vấn đề quốc phòng châu Âu, khi Đức từng dành hàng thập niên xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow, bất chấp cảnh báo từ Ba Lan. Do đó, ông Merz sẽ gặp nhiều khó khăn để giành lại vị thế này.
Có khả năng một thỏa thuận hòa bình được Mỹ và Nga nhất trí nhưng Ukraine bác bỏ, hoặc Moscow không chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình. Khi đó, Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ từ châu Âu do xung đột chưa có hồi kết, và châu Âu sẽ cần lấp đầy khoảng trống trong viện trợ quân sự.
Các quan chức phương Tây cho biết Kyiv có khả năng đã nhận đủ nguồn cung cấp quân sự nếu giao tranh kéo dài đến mùa hè. Song việc mất đi khoản viện trợ từ Mỹ sẽ là một đòn giáng mạnh, khi có “sự khác biệt về chất lượng” giữa nguồn cung cấp của Mỹ và châu Âu.
Việc hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ an ninh kéo dài hàng thập niên giữa Mỹ và châu Âu là một công việc phức tạp. Châu Âu hiểu họ cần làm vậy.
"Mỹ đang rời xa 70 năm hợp tác", một nhà lập pháp Anh nói với CNN. “Mỹ vẫn là trụ cột quan trọng trong NATO, và tôi hy vọng điều này sẽ được duy trì theo thời gian. Nhưng Mỹ cần tỉnh táo xem xét ai là đối thủ và ai là đồng minh”.
Trí Ân