Ảnh minh họa. Nguồn: Qirim
EU và các đồng minh phương Tây đã và đang áp dụng nhiều biện pháp chống lại đội tàu chở dầu bóng tối của Nga cùng các tác nhân liên quan – động thái này nhằm ngăn chặn G7 lách luật giá trần đối với dầu thô của Nga – vốn có hiệu lực từ cuối năm 2022.
Mức giá trần này được lập ra để cho phép dầu của Nga được bán cho các nước thứ ba thông qua các dịch vụ bảo hiểm của phương Tây, với điều kiện giá không quá 60 đô la một thùng.
EU sẽ thúc đẩy mức giá trần thấp hơn trong tuần này, tại cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G7 tại Canada. Xuất khẩu dầu khí là một trong những nguồn thu chính của Nga.
4 lệnh trừng phạt mới này sẽ tác động đến hơn 130 thực thể và cá nhân. Theo gói trừng phạt thứ 17, EU sẽ liệt kê 75 thực thể mới vào danh sách đen bao gồm công ty dầu khí lớn của Nga Surgutneftegaz, một công ty bảo hiểm vận chuyển và bốn công ty quản lý đội tàu bóng tối có liên quan đến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồng Kông, các nguồn tin của EU cho biết.
Các nhà ngoại giao EU đã cân nhắc áp dụng lệnh trừng phạt đối với chi nhánh Litasco tại Dubai - chi nhánh giao dịch của công ty dầu lớn thứ 2 của Nga Lukoil, nhưng chi nhánh này đã bị xóa khỏi danh sách trừng phạt do sự phản đối của Hungary và thiếu cơ sở pháp lý, các nguồn tin của EU cho biết. Tuy nhiên, họ đã liệt kê chi nhánh vận chuyển Litasco ở Dubai của Eiger Shipping DMCC.
Có thêm 189 tàu nữa, trong đó có 183 tàu chở dầu, được thêm vào danh sách đen, nâng tổng số tàu bị trừng phạt lên 324.
EU đã đối thoại với các quốc gia cung cấp dịch vụ đăng ký tàu chở dầu, nhằm mục đích ngăn chặn việc Moscow sử dụng cái gọi là “cờ tiện lợi”, ám chỉ những lá cờ được đăng ký cho các quốc gia khác ngoài chủ sở hữu thực tế.
Các nguồn tin cho biết thêm, những lá “cờ tiện lợi” đã được sử dụng bao gồm cờ của các quốc gia châu Phi như Sierra Leone, Gabon và Comoros, các đảo Caribe và Thái Bình Dương, Ấn Độ, Azerbaijan và quốc gia không giáp biển San Marino ở châu Âu.
Gói trừng phạt này cũng thắt chặt các biện pháp liên quan đến việc bán các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, tức là các sản phẩm hoặc công nghệ có thể được quân đội Nga tái sử dụng, đồng thời gói này cũng trừng phạt các thực thể hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga tại Trung Quốc, Belarus và Israel.
Theo truyền thông nhà nước Nga, các biện pháp trừng phạt này bị coi là "bất hợp pháp", "đơn phương" và là một phần của "cuộc chiến kinh tế" do phương Tây phát động nhằm làm suy yếu Nga. Mátxcơva cho rằng các lệnh trừng phạt này không chỉ không hiệu quả mà còn gây tổn hại đến chính các nền kinh tế châu Âu, dẫn đến khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt này chỉ làm gia tăng căng thẳng và cản trở nỗ lực hòa bình.
Đáng chú ý, Nga cáo buộc EU đang sử dụng các lệnh trừng phạt như một công cụ để áp đặt ý chí chính trị và kinh tế lên các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các biện pháp mà họ cho là vi phạm luật pháp quốc tế.
Yến Anh
Reuters