Châu Âu cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine là bước ngoặt trong xung đột Nga

Châu Âu cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine là bước ngoặt trong xung đột Nga
một ngày trướcBài gốc
Điều này có nghĩa là Ukraine có thể sử dụng các loại vũ khí tầm xa do Ukraine cung cấp để nhắm vào mục tiêu là các cơ sở quân sự trên đất Nga.
Đây không chỉ là một thay đổi mang tính kỹ thuật quân sự, nó có thể là một bước ngoặt cả về chính trị, chiến lược và ngoại giao. Khi những vũ khí tầm xa có thể được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, thì nhiều câu hỏi đang được đặt ra, đặc biệt là tương lai của các các đối thoại nhằm tìm lối thoát cho xung đột.
Ukraine nhiều khả năng sẽ nhận được các tên lửa tầm xa có thể tấn công vào sâu lãnh thổ Nga (Ảnh: Reuters)
Bước ngoặt trong xung đột Ukraine
Việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga có thể khiến tình hình xung đột leo thang và khó có thể tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong thời gian tới. Việc sử dụng các loại vũ khí tầm xa, uy lực do các đồng minh phương Tây cung cấp sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu xuyên biên giới, điều này cũng khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Bởi lẽ, khi các bên đang nỗ lực tìm kiếm cho giải pháp hòa bình, thì quyết định cho phép sử dụng vũ khí của phương Tây tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga được cho là châm ngòi dẫn đến tác động đáng kể về địa chính trị, thậm chí thổi bùng lên những căng thẳng giữa Nga và quốc gia thành viên EU và NATO.
Tháng 11/2024, Nga cũng đã cảnh báo các quốc gia EU và NATO về việc sẽ trả đũa nếu các nước này nếu can thiệp sâu vào cuộc chiến. Thậm chí, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu phương Tây can thiệp sâu vào cuộc chiến đồng nghĩa với việc khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới mới. Mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố, Moscow sẽ tấn công đáp trả vào các mục tiêu của Anh nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga.
Ngay trong ngày thứ 2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết rằng việc dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn tên lửa sẽ gây nguy hiểm cho Ukraine và các đồng minh, đồng thời khẳng định những quyết định như vậy hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của Nga về việc đạt được một giải pháp chính trị.
Như vậy có thể thấy, quyết định này đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa âm ỉ cháy ở châu Âu, báo hiệu những nguy cơ tiềm tàng cho an ninh trên toàn châu lục. Chưa kể tới những nguy cơ leo thang xung đột không thể kiểm soát khi Ukraine triển khai ngay lập tức việc sử dụng các vũ khí hạng nặng để nhắm tới các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Các mối đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin là hiện hữu, đặc biệt nếu Nga coi các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ như một mối đe dọa từ phương Tây. Cần nhắc lại rằng học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trường hợp này xảy ra. Mới đây thôi, ngày 21/5, quân đội Nga bắt đầu các cuộc diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Đây là lần đầu tiên Nga công khai thông báo về cuộc diễn tập liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giới phân tích cho rằng cuộc diễn tập này nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Ukraine và phương Tây, trong bối cảnh các nước đồng minh tăng cường viện trợ quân sự, thậm chí mở đường cho Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ảnh hưởng đến đàm phán
Sẽ rất khó thực hiện hoạt động đàm phán trong những tháng tới nếu căng thẳng tiếp tục leo thang như hiện tại. Cần phải nhắc lại rằng động thái này diễn ra sau khi Nga diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân, đó cũng là lời cảnh báo rõ ràng nhất từ phía Moscow rằng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống Ukraine.
Vấn đề đặt ra lúc này là liệu có thực sự cần thiết cho phép Ukraine sử dụng tối đa viện trợ quân sự của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga hay không? Bởi nó có thể ảnh hưởng toàn diện, với những tác động qua lại phức tạp giữa chiến lược quân sự nói chung của EU và cả các cân nhắc về địa chính trị hiện tại. Trên thực tế, mặc dù động thái này có thể mang lại lợi thế đáng kể cho Ukraine, nhưng về cơ bản sẽ không làm thay đổi bức tranh tổng thể hiện tại, chưa kể kịch bản này cũng có thể mang lại những rủi ro an ninh cho toàn bộ châu lục.
Dù mang nhiều lý do, việc dỡ bỏ các hạn chế hiện nay đối với việc sử dụng vũ khí của phương Tây cũng khiến cho những nút thắt trong quá trình đàm phán hòa bình càng khó gỡ hơn bao giờ hết. Tổng thống Trump và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang mong các cuộc đàm phán sớm có kết quả, quyết định này một lần nữa lại thúc đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang và châu Âu có thể tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến hiện nay.
Bản chất leo thang xung đột tại Ukraine đòi hỏi cần có sự đánh giá liên tục và cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo các biện pháp được thực hiện sẽ góp phần tạo ra một giải pháp bền vững và công bằng mà không dẫn tới leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, ngay cả tổng thống Trump, người đã thể hiện mong muốn giải quyết cuộc xung đột từ trước khi nhậm chức, cũng đang mất kiên nhẫn với tiến độ đàm phán hòa bình Nga - Ukraine và đang cân nhắc sẽ hoàn toàn từ bỏ tham gia vào tiến trình này nếu như những động thái thúc đẩy cuối cùng của ông không mang lại hiệu quả. Điều này có thể đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong lập trường của ông Trump về vấn đề Nga-Ukraine.
Mặt khác, động thái này cũng dẫn tới những thay đổi lớn trong cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc xung đột hiện tại và đưa ra các điều kiện cũng như chiến lược cho việc đàm phán hòa bình. Động thái của các quốc gia Phương tây dỡ bỏ các giới hạn về vũ khí tầm xa mà họ cung cấp cho Ukraine chắc chắn sẽ khiến cho tình hình phức tạp hơn và có thể khẳng định khó có triển vọng nào về một thỏa thuận ngừng bắn lập tức giữa Nga và Ukraine trong giai đoạn tới, trừ khi có sự thay đổi tích cực hơn từ các bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.
Hải Đăng/VOV-Praha
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-cap-vu-khi-tam-xa-cho-ukraine-la-buoc-ngoat-trong-xung-dot-nga-post1202768.vov