Châu Âu chia rẽ về cách sử dụng 'vũ khí bí mật' 200 tỷ euro

Châu Âu chia rẽ về cách sử dụng 'vũ khí bí mật' 200 tỷ euro
5 giờ trướcBài gốc
Lá bài thương lượng
Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, ước tính khoảng 300 tỷ USD tài sản của chính phủ Nga đã bị phong tỏa trong các tài khoản ở phương Tây. Trong đó, tổ chức tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữ khoảng 209 tỷ USD, Mỹ giữ 4 tỷ USD.
Kênh RT (Nga) dẫn lời phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng số tài sản của Nga mà Mỹ và các đồng minh châu Âu "đóng băng" cuối cùng sẽ dẫn đến hành động pháp lý. Ông bình luận về vấn đề này: “Tuyên bố rằng họ đã tìm được cơ sở hợp pháp để tiếp tục hành vi bất hợp pháp này là vô nghĩa”. Năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi hành vi tịch thu tài sản này là điều không đứng đắn và nhấn mạnh rằng “việc đánh cắp tài sản chưa bao giờ mang lại điều tốt đẹp cho ai”.
Tờ Politico (Mỹ) đánh giá rằng việc đóng băng các tài khoản này là hành động quyết liệt có thể đảm bảo giúp châu Âu có chiếc ghế lớn hơn trong bàn đàm phán về chấm dứt xung đột tại Ukraine. Theo Politico, chính phủ Estonia thừa nhận lợi thế của việc giữ lại tài sản đóng băng của Nga làm "quân bài mặc cả". Estonia nhận định rằng chúng là đòn bẩy tài chính và ngoại giao, đảm bảo Nga có động lực rõ ràng, hữu hình để đàm phán.
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hôm 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng EU sẽ cần tham gia đàm phán hòa bình “vào một thời điểm nào đó” bởi các lệnh trừng phạt EU áp đặt đối với Nga.
Các quan chức Mỹ và Nga đã thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong cuộc hội đàm kéo dài 4,5 tiếng đồng hồ tại thủ đô Riyadh. Tuy nhiên, không có quan chức Ukraine và châu Âu nào tham dự cuộc hội đàm này. Cả châu Âu và Ukraine đều tuyên bố sẽ không chấp nhận những thỏa thuận không có sự tham gia và đồng ý từ trước của họ. Theo Politico, vấn đề tài khoản bị đóng băng của Nga không được đề cập trong cuộc hội đàm ở Riyadh.
Tuy nhiên, khi bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhiều quốc gia tập hợp tại Nam Phi để dự họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn bất đồng về khả năng sử dụng 200 tỷ euro tài sản đóng băng Nga.
Chia rẽ
Đồng tiền giấy và xu mệnh giá 20 euro tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna ngày 24/2 chia sẻ: “Chúng tôi có thể thay thế sự hỗ trợ của Mỹ bằng tài sản bị đóng băng của Nga, trong trường hợp Washington quyết định không hỗ trợ Kiev nữa”. Ông nhận định cần sử dụng những tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu.
Các nước Baltic và Bắc Âu cũng cho rằng cần trao số tiền này cho Ukraine ngay lập tức. Những nhà ngoại giao hàng đầu của Ba Lan, Séc, cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng ủng hộ đề xuất này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha lo ngại rằng việc tịch thu tài sản đóng băng của Nga sẽ khiến các nhà đầu tư quốc tế hoảng sợ, đồng thời từ bỏ lợi thế lớn nhất của EU trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Về phần Nga, quốc gia này lập luận rằng việc gỡ bỏ lệnh đóng băng tài sản và chuyển chúng cho Ukraine sẽ khiến Kiev có thêm lợi thế, từ đó phản đối đề nghị chấm dứt xung đột của Tổng thống Trump.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp với Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục ngày 24/2, khẳng định rằng các đồng minh phương Tây có thể sử dụng hợp pháp lợi nhuận từ các tài sản đóng băng trong thời gian xung đột. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh rằng việc tịch thu chính những sản này là bất hợp pháp. Đáng chú ý, ông nhận xét rằng việc đóng băng những tài sản này đã mang lại đòn bẩy quan trọng.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas trong cuộc họp báo ngày 24/2 cũng thừa nhận khả năng tịch thu tài sản đóng băng của Nga trong tương lai là khá mong manh. Bà nói: “Chúng ta cần mọi người ủng hộ điều này. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có”.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cho rằng có thể sử dụng khoản tiền 200 tỷ euro để trang trải chi phí khổng lồ cho việc tái thiết Ukraine mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lên tới 486 USD.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Politico, RT)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-chia-re-ve-cach-su-dung-vu-khi-bi-mat-200-ty-euro-20250225164354155.htm