Đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc các thành viên NATO nên dành 5% GDP cho quốc phòng đã gây ra những phản ứng trái chiều ở châu Âu, bởi con số này cao gấp đôi mục tiêu hiện tại mà nhiều nước vẫn chưa đáp ứng được.
“Tôi nghĩ NATO nên chi tiêu 5% GDP cho quốc phòng. Mọi quốc gia đều có thể chi trả được, nhưng họ nên chi tiêu ở mức 5% chứ không phải 2%”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo ngày 7/1.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất các nước NATO nâng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP. Ảnh: Getty
Hiện tại, chưa có thành viên nào của NATO chi tiêu 5% GDP cho quốc phòng.
Các ước tính của NATO cho thấy Ba Lan dẫn đầu liên minh về chi tiêu quốc phòng theo tỷ lệ phần trăm GDP vào năm 2024, với hơn 4%. Estonia và Mỹ lần lượt xếp sau, với mức chi 3,43% và 3,38%.
Phát biểu của ông Trump đã gây thất vọng cho một số quan chức châu Âu.
Châu Âu “kẻ mừng, người lo”
Ralf Stegner, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Đức, cho rằng những bình luận của ông Trump là “hão huyền và thực sự điên rồ”.
“Vậy chúng ta sẽ lấy đâu ra nguồn lực để giải quyết những vấn đề thực tế? Chúng ta vẫn phải giải quyết vấn đề nghèo đói, phá hủy môi trường, nội chiến, di cư và hiện có quá ít nguồn lực để đối phó với những vấn đề này một cách tích cực hơn”, ông Stegner nêu quan điểm trên trang Facebook cá nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi trong đề xuất của ông Trump
“Tôi không nghĩ con số là 5% GDP, hiện tại điều đó là bất khả thi đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới”, ông Crosetto phát biểu với hãng tin Ansa.
Tuy nhiên, ông Crosetto cũng cho biết ông cũng mong muốn mức chi tiêu quốc phòng sẽ được nâng lên trên 2%.
Theo kế hoạch, Italy chi 1,49% GDP cho quốc phòng trong năm 2024, trong khi Đức, quốc gia đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2 tới, chi tiêu ở mức 2,12%.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia gần Nga và trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn, việc tăng chi tiêu quốc phòng có thể không phải là một ý tưởng tồi.
Ba Lan ủng hộ đề xuất của ông Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysh nói rằng nước này “có thể là cầu nối xuyên Đại Tây Dương giữa thách thức mà ông Trump đặt ra và việc thực hiện nó ở châu Âu”.
Estonia, quốc gia có chung đường biên giới với Nga, đã tăng chi tiêu quốc phòng và hiện là nước chi tiêu nhiều thứ 2 trong NATO, thậm chí còn xếp trên Mỹ một bậc.
Phản ứng trước những tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Estonia Kristen Michal nói rằng đó là “thông điệp mà Estonia đã ủng hộ trong nhiều năm qua”.
“Đây là một tín hiệu rõ ràng gửi đến Nga rằng họ không nên thử thách sự kiên nhẫn của NATO và rằng chúng ta đã chuẩn bị cho điều đó”, ông Michal nói.
Tại một cuộc họp của Nhóm Bắc Âu và các đối tác vào năm 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur đã kêu gọi các đồng minh tăng chi tiêu lên 2,5% để đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Thụy Điển, quốc gia đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, cũng ủng hộ đề xuất của ông Trump.
“Ở Thụy Điển, có một sự đồng thuận rộng rãi rằng chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Các thời chính phủ Mỹ lâu nay đều kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và phải gánh chi phí quốc phòng của mình nhiều hơn. Chúng tôi củng hộ quan điểm này”, Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard nói với Politico.
Litva cũng ưu tiên chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga ngày càng gia tăng. Tổng thống Gitanas Nauseda gần đây đã kêu gọi các quốc gia châu Âu “thể hiện sự ủng hộ lớn hơn đối với chương trình toàn cầu của Mỹ” bằng cách tăng tỷ lệ đóng góp vào chi phí quốc phòng.
Bài toán phi thực tế hay chiến thuật ép buộc?
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết châu Âu hiểu rằng họ phải chi nhiều hơn cho quốc phòng.
Trong một chuyến thăm Warsaw vào tháng 11/2024, ông Rutte đã ca ngợi những nỗ lực chi tiêu quốc phòng của Ba Lan, nói rằng điều này gửi đi “một thông điệp rõ ràng không chỉ đến các đối thủ của chúng ta mà còn đến Mỹ, rằng châu Âu hiểu họ phải làm nhiều hơn để đảm bảo an ninh chung của chúng ta. Điều đó bắt đầu bằng việc chi tiêu nhiều hơn”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng con số 5% của Trump là không thực tế.
“Nhiều quốc gia NATO ở châu Âu tăng chi tiêu quân thông qua các khoản nợ, cắt giảm các khoản chi tiêu khác và tăng thuế. Những yếu tố này cũng chỉ đưa chi tiêu quân sự lên mức bằng một nửa so với đề xuất 5% GDP của ông Trump. Vì vậy tôi không nghĩ đây là một mục tiêu thực tế”, Nan Tian, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói với Business Insider.
“5% GDP cũng cao hơn mức các quốc gia này đã chi vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh”, nhà nghiên cứu Tian cho biết thêm.
Ruther Deyermond, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học King's College London, thậm chí còn gọi đề xuất của ông Trump là “chiến thuật ép buộc”.
“Có vẻ như mục đích của đề xuất 5% là để nó trở thành mục tiêu không thể đạt được, dường như ý định [của ông Trump] là các quốc gia sẽ thất bại. Đây là một chiến thuật ép buộc: trả tiền hoặc đất nước của các bạn sẽ gặp rắc rối. Nhưng điều đó cũng cho thấy NATO không còn là một liên minh có ý nghĩa nữa”, ông Deyermond bình luận trên trang mạng xã hội X.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Business Insider