Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, người dân Ukraine bắt đầu lo ngại nguy cơ chính quyền mới của Washington sẽ cắt giảm viện trợ cho Kiev. Cùng với đó, câu hỏi liệu châu Âu có thể lấp được khoảng trống mà Mỹ để lại hay không cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo giới quan sát, dù một số đồng minh của Ukraine ở châu Âu có đủ khả năng thay thế Mỹ, nhưng việc triển khai hỗ trợ với mức độ lớn như vậy trong năm tới sẽ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Ông Donald Trump (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tòa nhà Trump Tower, TP New York (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: GETTY IMAGES
Khoảng trống quá lớn, khó thay thế
Theo ECFR, kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu đã tăng năng lực sản xuất đạn dược lên 50%. Châu Âu đặt mục tiêu sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025 - tăng gấp đôi công suất so với thời điểm tháng 2-2022.
Ông Stefan Wolff - GS về an ninh quốc tế tại ĐH Birmingham (Anh) - nói rằng “cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) đã được cải thiện và sẽ tiếp tục được cải thiện”. “Điều này sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho Ukraine, nhưng có khả năng sẽ dẫn đến việc đầu tư nhiều hơn vào năng lực quốc phòng nói chung” - GS Wolff nhận định.
Đồng quan điểm, ông Fabian Hoffmann - chuyên gia chính sách quốc phòng tại ĐH Oslo (Na Uy) - nói rằng “châu Âu đã đẩy mạnh đáng kể việc sản xuất một số vũ khí, chẳng hạn đạn pháo 155mm và các loại đạn khác”. “Với những mặt hàng này, châu Âu có thể bù đắp tương đối tốt, mặc dù tất nhiên vẫn sẽ không bằng sự hỗ trợ từ Mỹ” - ông Hoffmann nói.
Vị chuyên gia này lưu ý rằng so với Mỹ, châu Âu không có một số loại vũ khí quan trọng mà Ukraine cần. Mỹ “duy trì một kho dự trữ lớn gồm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, trong khi châu Âu lại không có kho dự trữ như vậy”.
Washington cũng có khoảng 2.000 tên lửa hành trình AGM-158A JASSM và hơn 2.000 tên lửa hành trình AGM-158B JASSM-ER trong kho vũ khí, trong khi “các quốc gia châu Âu không có số lượng tên lửa hành trình gần bằng vậy”, ông Hoffmann nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Hoffmann cũng nhấn mạnh rằng Mỹ là “nhà sản xuất duy nhất các tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS”. “Nếu Mỹ rút khỏi vị trí nhà cung cấp, Ukraine sẽ phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng trong phòng thủ tên lửa, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo” - ông Hoffmann cảnh báo.
“Nếu bạn hỏi tôi liệu EU có thể thay thế vai trò của Mỹ trong một đêm không, câu trả lời là không, vì sự hỗ trợ của Mỹ có nhiều lớp và mang tính chiến lược, bao gồm hệ thống phòng không như Patriot, tên lửa tầm trung và tầm xa hoạt động dựa trên công nghệ Mỹ, khả năng thu thập thông tin tình báo. Điều này rất quan trọng khi nguồn lực trên chiến trường hạn chế” - ông Pavel Havlicek, chuyên gia về Nga và Ukraine tại Hiệp hội các vấn đề quốc tế của CH Czech, nói với Kyiv Independent.
Bài toán năng lực sản xuất
Chuyên gia Lucian Kim tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (trụ sở Bỉ) cho rằng châu Âu sẽ không thể lấp đầy khoảng trống nếu ông Trump 'rút phích cắm' khỏi Ukraine vì “quân đội châu Âu - đặc biệt quân đội Đức - cũng đang thiếu vũ khí, và các đồng minh phương Tây không có đủ kho dự trữ và năng lực sản xuất để đáp ứng được mức độ viện trợ mà Ukraine nhận được từ Mỹ”.
Ông Kim cũng chỉ ra rằng sáng kiến của CH Czech về cung cấp đạn pháo cho Ukraine, được công bố vào đầu năm 2024, nhằm mục tiêu cung cấp 1 triệu quả đạn cho Ukraine vào cuối năm nay nhưng đã gặp phải sự chậm trễ.
Ngày 11-11, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell thông báo rằng khối này đã cung cấp 980.000/1 triệu quả đạn đã cam kết với Ukraine. Ông Borrell giải thích sự thiếu hụt này là do hạn chế “không lường trước được” về năng lực sản xuất.
Các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi châu Âu có thể tăng sản lượng vũ khí, lượng giao hàng vẫn không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Bà Samantha de Bendern, nhà nghiên cứu tại Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế (Chatham House - Anh) khẳng định EU khó có thể lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ ngừng viện trợ Ukraine.
"Mặc dù EU và các quốc gia thành viên đã có những bước tiến trong việc tăng cường viện trợ quân sự và sản xuất, nhưng thực tế rõ ràng là châu Âu hiện chưa thể thay thế vai trò của Mỹ, cả về quốc phòng cho bản thân EU lẫn cho Ukraine” - theo bà Samantha de Bendern.
Cản trở kinh tế, chính trị
Ngoài những hạn chế về mặt kỹ thuật, còn có những vấn đề chính trị cản trở việc châu Âu tăng thêm viện trợ cho Ukraine.
Theo bà de Bendern, với sự phân hóa lợi ích quốc gia và sự bất ổn chính trị, đặc biệt ở những quốc gia quan trọng như Đức và Pháp, châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng một phản ứng thống nhất và hiệu quả đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Bà de Bendern cũng cho rằng các chính phủ châu Âu đang chịu áp lực từ cử tri để chi tiền vào cơ sở hạ tầng y tế và các dự án công cộng khác thay vì viện trợ cho Ukraine. “Câu hỏi đối với châu Âu là liệu có nên chi tiền cho Ukraine hay xây thêm một bệnh viện” - theo bà De Bendern.
“[Đối với Ukraine], chiến thắng của ông Donald Trump đến vào thời điểm không thể tệ hơn. Hầu hết các chính phủ châu Âu đều gặp khó khăn về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai” - tờ Kyiv Independent dẫn lời ông Nick Witney, chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR).
(Từ trái sang) Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Đức hôm 18-10. Ảnh: GETTY IMAGES
“Đức, nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Ukraine ở châu Âu, đã rơi vào hỗn loạn chính trị với sự sụp đổ của liên minh do Thủ tướng Đức Olaf Scholz lãnh đạo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người ủng hộ Ukraine kiên định, đã mất đi phần lớn quyền tự do hành động kể từ cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 khiến đảng của ông mất đa số ghế” - theo bà De Bendern.
“Ở những nơi khác tại châu Âu, các đảng phái chính trị cực hữu và cực tả với những quan điểm ủng hộ Nga đang ngày càng gia tăng. Tình hình chính trị hiện tại ở châu Âu, cũng như năng lực quân sự thực sự của từng quốc gia châu Âu, có nghĩa là châu Âu sẽ không thể hành động trong ngắn hạn” - bà De Bendern nói thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Witney tại ECFR thêm rằng sự ủng hộ của châu Âu cho Ukraine sẽ đối mặt với áp lực mới khi “các quốc gia riêng lẻ tự lừa dối mình rằng họ có thể xây dựng ‘mối quan hệ đặc biệt’ với ông Donald Trump. Họ cũng cho rằng việc ủng hộ chính sách của ông Donald Trump đối với Ukraine sẽ là cách tốt để giành được sự ủng hộ từ chính quyền mới ở Mỹ”.
Châu Âu có thể làm gì để tiếp tục hỗ trợ Ukraine?
Bà Susan Stewart - chuyên gia tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức - cho rằng mặc dù EU không thể thực hiện một số dự án với tư cách là một khối, nhưng một số quốc gia thành viên có thể thành lập liên minh để tăng cường ủng hộ Ukraine .
“Có thể hình thành một ‘liên minh những quốc gia sẵn sàng’, gồm những quốc gia coi an ninh của chính họ bị đe dọa nghiêm trọng và/hoặc đã thể hiện sự ủng hộ kiên định đối với Ukraine” - bà Stewart lập luận.
Bà Stewart gợi ý liên minh này có thể do Ba Lan - nước sắp đảm nhận nhiệm chức Chủ tịch EU vào tháng 1 tới - đứng đầu, và có sự tham gia của Anh, Pháp và các quốc gia Baltic và Bắc Âu.
THẢO VY