Theo số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ sinh của Đức giảm xuống còn 1,35 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn ngưỡng 1,4 mà Liên Hợp Quốc đặt ra.
Chuyên gia kinh tế Willem Adema của OECD nhận định, tỷ lệ sinh giảm phản ánh xu hướng không muốn sinh con của các cặp vợ chồng trẻ. Theo ông, các yếu tố kinh tế và xã hội đã khiến nhiều người trẻ tuổi ưu tiên các mục tiêu cá nhân như sự nghiệp hoặc tài sản trước khi quyết định sinh con.
Châu Âu đối mặt thực trạng suy giảm tỷ lệ sinh nghiêm trọng. Ảnh: Ft montage/Dreamstime
Hậu quả nghiêm trọng nếu không có nhập cư
Tỷ lệ sinh thấp dẫn đến hệ quả là lực lượng lao động giảm, gây áp lực lên tài chính công và hạn chế tăng trưởng kinh tế. Độ tuổi trung bình của phụ nữ EU khi sinh con đã tăng lên 31,1 tuổi vào năm 2023, muộn hơn một năm so với một thập kỷ trước. Ở Đức, con số này là 31,4 tuổi, trong khi Tây Ban Nha, Ý và Ireland ghi nhận độ tuổi trung bình vượt ngưỡng 32.
Tỷ lệ sinh của Áo giảm còn 1,32 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn mức 1,41 của năm trước. Estonia cũng ghi nhận mức giảm tương tự, từ 1,41 xuống còn 1,31. Tỷ lệ sinh giảm không chỉ xảy ra tại các nước Nam Âu mà còn xuất hiện ở các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Pháp. Các quốc gia này trước đây từng được xem là hình mẫu nhờ chính sách hỗ trợ gia đình và bình đẳng giới. Phần Lan, nơi tỷ lệ sinh từng cao hơn trung bình EU đến năm 2010, hiện giảm xuống còn 1,26 vào năm 2023 - mức thấp nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1776.
Pháp, quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất EU, cũng không nằm ngoài xu hướng giảm. Năm 2022, tỷ lệ sinh tại Pháp là 1,79 trẻ em trên một phụ nữ, nhưng con số này giảm xuống còn 1,67 vào năm 2023, mức thấp nhất từng được ghi nhận. Ở Tây Ban Nha và Ý, tỷ lệ này còn giảm sâu hơn, lần lượt xuống 1,12 và 1,2 vào năm 2023.
Guangyu Zhang, chuyên gia về dân số tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách thân thiện với gia đình. Ông cho rằng những chính sách như vậy sẽ giúp cả phụ nữ và nam giới có thêm cơ hội để sinh số con mà họ mong muốn. Nhiều khảo sát cho thấy mong muốn sinh con của người dân cao hơn thực tế.
Sự bất ổn kinh tế và chính trị cũng góp phần vào việc giảm tỷ lệ sinh. Giáo sư Ann Berrington từ Đại học Southampton nhận định ngay cả khi có việc làm ổn định, những lo ngại về mất việc, lạm phát, hoặc xung đột ở Ukraine vẫn khiến nhiều người ngần ngại sinh con.
Thay đổi trong thái độ xã hội
Ngoài yếu tố kinh tế, thay đổi về chuẩn mực xã hội cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con. Chuyên gia Adema cho biết, áp lực về việc phải làm cha mẹ tốt và trách nhiệm chăm sóc con cái khiến nhiều người trẻ e ngại. Nhiều người lo sợ sẽ không thể gánh vác trách nhiệm lớn lao này.
Sự suy giảm tỷ lệ sinh ở châu Âu đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả, đồng thời tăng cường ổn định kinh tế và xã hội nhằm khuyến khích người dân sinh con. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quy mô dân số mà còn để lại tác động sâu sắc lên tăng trưởng kinh tế và cấu trúc xã hội trong tương lai.
Tùng Lâm