Tuyên bố của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky được cho là sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán về cuộc xung đột. Vì thế, những động thái từ phía châu Âu được cho là nhằm gây sức ép buộc Nga phải có những nhượng bộ trên bàn đàm phán nhằm tiến tới một lệnh ngừng bắn. Nhưng vấn đề được quan tâm là liệu châu Âu có thể để gây sức ép với Nga?
Ngay trong chính nội bộ EU cũng tồn tại nhiều ý kiến trái chiều trong việc tiếp tục duy trì sự ủng hộ cho Kiev. Ảnh: Reuters
Đòn trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng?
Đến thời điểm hiện tại Liên minh châu Âu đã ban hành tổng cộng 17 gói trừng phạt nhắm tới Nga, liên quan đến hơn 2.400 cá nhân và tổ chức, trong đó bao gồm cả các lãnh đạo Nga, các đảng chính trị hay những tập đoàn lớn.
Các lệnh trừng phạt này cho phép EU đóng băng tài sản của những cá nhân và tổ chức bị nêu tên, song song với việc cấm họ nhập cảnh vào lãnh thổ toàn bộ các quốc gia thành viên Khối 27 và khóa mọi nguồn tài nguyên hay kinh tế từ châu Âu.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt còn bao gồm việc loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT nhằm hạn chế việc thanh toán quốc tế của Moscow; đóng băng tài sản đối với Ngân hàng Trung ương Nga, ngân hàng nắm giữ khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối; đóng đường ống dẫn dầu North Stream 2 từ Nga qua châu Âu.
Có thể nói châu Âu đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp ở các mức độ khác nhau với mục đích gây sức ép lên phía Nga và buộc nước này phải thỏa hiệp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các gói trừng phạt này vẫn không đạt được kết quả như EU mong đợi. Bởi theo số liệu công bố vào năm 2024 của Ngân hàng thế giới (World Bank), Nga đã thăng hạng từ nước có mức thu nhập “trung bình cao” lên mức “cao” nhờ sức mạnh tăng trưởng kinh tế.
Thay vì xuất khẩu hàng hóa và các loại nguyên liệu hóa thạch sang châu Âu, Moscow chỉ đơn thuần chuyển địa điểm sang khu vực châu Á hay thậm chí là các nước ở Nam Mỹ, qua đó thay đổi dòng chảy kinh tế và nhanh chóng hồi phục sau các đòn trừng phạt của phương Tây.
Trước tình hình đó, EU đang chuyển hướng sang “trừng phạt” các doanh nghiệp hay tổ chức có liên hệ với Nga. Theo thông tin từ các nguồn nội bộ, phía EU đang tính đến việc áp thuế, cùng với Mỹ, có thể lên tới 500% với các quốc gia hay các doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt của Nga. Tương tự, Khối 27 cũng tính đến các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhắm đến các đối tác quan trọng của Moscow, từ tài chính, kinh tế cho đến đầu tư.
Không dừng lại ở đấy, EU cũng đặt giả thuyết cho việc tăng cường sức ép lên các ngân hàng của Nga, bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn các ngân hàng này ra khỏi các tổ chức toàn cầu hay gia tăng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính của Moscow.
Một quan chức EU giấu tên cho biết, Khối 27 cũng cân nhắc việc áp dụng các biện pháp trừng phạt với các loại tiền mã hóa (Cryptocurrency) có liên quan đến Nga. Dù vậy, quan chức này khẳng định đây không phải là một biện pháp khả thi bởi điều này cần rất nhiều thời gian để triển khai và châu Âu chưa sẵn sàng cho chuyện đó.
Lý do châu Âu không thể thuyết phục Nga
Xét một cách tổng thể, tình hình đang có lợi cho phía Nga. Quân đội nước này vẫn đang liên tục gây sức ép cho quân đội Ukraine trên hầu hết các mặt trận.
Chưa kể đến, quân đội Ukraine hiện thiếu thốn đạn dược, nhu yếu phẩm cùng nhiều thiết bị quân sự. Thực tế này đã đẩy Kiev và các đồng minh phương Tây vào tình cảnh “bối rối” khi không cung cấp và đáp ứng được các yêu cầu của tiền tuyến.
Ngay trong chính nội bộ EU cũng đang tồn tại nhiều ý kiến trái chiều trong việc tiếp tục duy trì sự ủng hộ cho Kiev. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về tiến triển hòa bình gần đây giữa Nga và Ukraine không có sự góp mặt của châu Âu mặc dù Khối 27 đã có nhiều nỗ lực nhằm củng cố lại vị thế trong vấn đề này.
Tóm lại, phía Nga cho rằng Ukraine và các đồng minh châu Âu đang không đủ các điều kiện cần thiết để có thể đưa ra yêu cầu về một lệnh ngừng bắn với Moscow. Thay vì hai bên cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời mời đàm phán vào ngày 10/5 mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, tạo thế cởi mở và cân bằng cho cả hai bên.
Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5, sẽ là cơ hội để 2 bên có bước đầu đối mặt trực tiếp và đưa ra lập trường của mình cũng như thảo luận một cách cụ thể về tình hình thực tế. Và kể cả trong trường hợp không đi đến được một thỏa thuận ngừng bắn thì sự kiện này cũng sẽ cung cấp cho các lãnh đạo Mỹ và châu Âu các dữ liệu quý giá để có thể tiến hành phán đoán và đưa ra các hành động phù hợp với Nga trong thời gian sắp tới.
Tác động tới cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán riêng Nga-Ukraine do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng dường như đang đi vào bế tắc. Việc không chỉ Tổng thống Pháp mà cả Thủ tướng Đức cũng đưa ra tuyên bố sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Moscow, được giới chuyên gia nhận định là một động thái chiến thuật nhằm đưa Tổng thống Nga vào thế khó trong quá trình đàm phán.
Tương tự, vào tối 13/5, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã gửi lời mời tham dự cuộc đàm phán ở Thổ Nhỹ Kỳ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, với lý do việc xuất hiện của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tạo động lực cho sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù ông Trump đã ẩn dụ sẽ không tham dự và cử Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ông Zelensky đã thành công trong việc gây sức ép tới ông Putin.
Nếu trong trường hợp Tổng thống Nga không đến tham dự các cuộc đàm phán vào ngày 15/5, phía Ukraine và các đồng minh sẽ coi Nga không có thiện chí và điều này sẽ làm giảm uy tín của ông Putin trong mắt ông Trump.
Và trong trường hợp ngược lại, ông Putin xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, các đe dọa về gia tăng trừng phạt sẽ là yếu tố để Tổng thống Nga cân nhắc trong quá trình đàm phán.
Các chuyên gia nhận định tất cả những động thái gần đây của Ukraine và các đồng minh châu Âu đều lấy ông Trump làm “động lực chính” nhằm lôi kéo Mỹ, quốc gia hiện đang đóng vai trò quan trọng cho không chỉ Ukraine mà cả châu Âu, về phía mình.
Việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn là mong manh nhưng nếu có được sự ủng hộ trở lại của Mỹ, Kiev sẽ có thêm hy vọng tái thiết lập thế cân bằng với Moscow trong các cuộc đàm phán tương lai.
Anh Tuấn/VOV-Paris