Châu Âu 'hoang mang' khi Tổng thống Trump 'ra tay' về Ukraine

Châu Âu 'hoang mang' khi Tổng thống Trump 'ra tay' về Ukraine
4 giờ trướcBài gốc
Ông Pete Hegseth (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN
Các nhà lãnh đạo châu Âu vốn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã phải chịu một ”đòn giáng” từ Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
Cú sốc từ chính quyền Tổng thống Trump
Chúng ta hãy bắt đầu với Hegseth, ông đã đưa ra các tuyên bố với những nội dung chính gồm: Tư cách thành viên NATO của Ukraine đã không còn được đưa ra thảo luận. Ukraine sẽ không được mời tham gia NATO; Mỹ sẽ không gửi bất kỳ binh sĩ nào đến Ukraine vì bất kỳ lý do gì, kể cả gìn giữ hòa bình; Mỹ sẽ không còn cung cấp hoặc trả tiền cho vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine nữa. Các thành viên NATO châu Âu sẽ phải hỗ trợ Ukraine; Trong khi Mỹ ủng hộ NATO, sự tham gia của Mỹ phải công bằng và bình đẳng, nghĩa là các thành viên NATO sẽ phải tăng đáng kể các khoản đóng góp của họ; Ukraine sẽ không thể quay trở lại biên giới mà họ đã có trước năm 2014, nghĩa là Mỹ mong đợi những nhượng bộ quan trọng về lãnh thổ từ Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Trump mới thông báo ông đã có cuộc điện đàm kéo dài một tiếng rưỡi với Tổng thống Nga Putin. Điểm mấu chốt là ông Putin cho biết ông sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Mỹ về Ukraine và các vấn đề an ninh khác.
Cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ đề cập đến nhiều chủ đề, như các vấn đề an ninh, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và "sức mạnh của đồng đô la".
Sau cuộc gọi, ông Trump dường như đã gọi điện "để thông báo" cho Tổng thống Ukraine Zelensky về cuộc trò chuyện của mình với ông chủ Điện Kremlin. Ông cũng lập tức thành lập nhóm đàm phán của mình, chỉ định Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và Đại sứ kiêm Đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu các cuộc đàm phán.
Điều đáng chú ý là danh sách những người tham gia không bao gồm Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg. Ông Kellogg đã công khai đưa ra ý tưởng tăng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với Nga như một cách để có được sự nhượng bộ về Ukraine. Theo ông, nếu xét trên thang điểm từ 1 - 10, các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga chỉ là 3. Kellogg đề xuất mức cấp độ trừng phạt lên cao hơn nữa.
Những bình luận này trực tiếp làm suy yếu cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với ông Putin và Nga, và dường như là ý tưởng của ông Kellogg (cùng với những người khác) để đảm bảo rằng Ukraine vẫn tiếp tục cuộc chiến. Lúc này, liệu Kellogg có một lần nữa xuất hiện với tư cách là một tiếng nói có trọng lượng về vấn đề Ukraine hay không thì vẫn còn phải chờ xem.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại St. Petersburg, Nga, ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
EU đối mặt cuộc khủng hoảng hậu thuẫn Ukraine
Sẽ mất thời gian để các nhà lãnh đạo ủng hộ cuộc chiến Ukraine của châu Âu, cùng với EU, suy ngẫm về tương lai, khi mà nền tảng của họ về cơ bản đã bị rút đi.
Người châu Âu không có vũ khí, quân đội cũng như tiền bạc để tiếp tục hậu thuẫn chiến tranh ở Ukraine. Họ cũng sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ để tiếp tục hậu thuẫn cuộc chiến nếu Mỹ không tham gia vào “sân chơi”. Trên thực tế, nếu châu Âu muốn tiếp tục một mình, không có Mỹ, họ sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của liên minh NATO.
Hơn nữa, nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu còn đang gặp rắc rối trong nước. Đức, Pháp, Ba Lan - và thậm chí cả Romania, nơi các cuộc bầu cử Tổng thống đã bị hủy bỏ để ngăn ứng cử viên đối lập hàng đầu được bầu - là những ví dụ về sự bất ổn ngày càng tăng trong giới lãnh đạo châu Âu.
Những tiết lộ về sự can thiệp của Mỹ và EU vào quá trình bầu cử ở Gruzia, Serbia và Slovakia, có lẽ cả Moldova, nhấn mạnh giai đoạn khó khăn trong nền chính trị hiện tại ở châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cho ngừng hoạt động Cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID), cơ quan đã hoạt động như một dạng mặt trận của CIA ở nhiều quốc gia nêu trên, bao gồm cả Ukraine. Với việc nguồn tiền và hỗ trợ bị cắt đứt, EU đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng vượt xa vấn đề tài chính. Trong đó, việc mất đi tính chính danh là một “lực lượng bảo vệ nền dân chủ” là mối đe dọa thực sự đối với giới tinh hoa cầm quyền.
Quan điểm địa chính trị của ông Trump
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump có một quan điểm địa chính trị quan trọng. Quan điểm này thể hiện như sau: An ninh châu Âu rất quan trọng nhưng không thực sự bị Nga đe dọa. Mỹ phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy với cơ sở công nghiệp rất hiện đại (chủ yếu do phương Tây cung cấp), lực lượng lao động khổng lồ và quân đội ngày càng được trang bị tốt và hùng mạnh.
Theo quan điểm của Trump, ông cần một nước Nga thân thiện hơn có thể giúp cân bằng các mối quan hệ quyền lực toàn cầu. Để đạt được điều đó, ông cần tìm cách định nghĩa lại mối quan hệ Mỹ - Nga, vốn đang trong tình trạng hỗn loạn sâu sắc và đầy sự thù địch lẫn nhau. Trong cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút với Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ ra các tiềm năng kinh tế và công nghệ, tạo cơ sở để cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Hiện tại, không ai có thể nói liệu có thể tìm được thỏa thuận cho Ukraine hay không, nhưng có lý do để lạc quan hơn rằng hai bên có thể giải quyết được vấn đề.
Chúng ta sẽ cần xem liệu người châu Âu có phản kháng và tìm cách cản trở thỏa thuận về Ukraine hay không. Thực tế là châu Âu không thể làm gì nhiều nếu hai nhà lãnh đạo Putin và Trump đồng ý về một thỏa thuận.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-hoang-mang-khi-tong-thong-trump-ra-tay-ve-ukraine-20250213154348636.htm