Châu Âu hoang mang sau khi Mỹ đề xuất viện trợ Ukraine

Châu Âu hoang mang sau khi Mỹ đề xuất viện trợ Ukraine
9 giờ trướcBài gốc
Mỹ bất ngờ "đánh úp" châu Âu
Trong một tuyên bố tại Phòng Bầu dục hôm 14/7, ông Trump cho biết một số khẩu đội Patriot sẽ đến Ukraine “trong vài ngày tới”, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ sản xuất các loại vũ khí hàng đầu và gửi chúng tới NATO". Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ và châu Âu am hiểu vấn đề, đề xuất này hiện vẫn chỉ nằm trên mặt giấy. Phần khó nhất giờ đây là xác định xem quốc gia nào sẽ sẵn sàng từ bỏ các hệ thống phòng không quý giá, đặc biệt là Patriot – loại vũ khí tối tân đang đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các thành phố Ukraine khỏi hỏa lực Nga.
Hai nguồn thạo tin cho biết kế hoạch do ông Trump cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte xây dựng gần đây đã được Ukraine và nhiều đồng minh tiếp nhận tích cực. Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu thừa nhận họ phải “thực sự trả tiền” để hiện thực hóa lời hứa của ông Trump và điều đó tạo ra sự bối rối không nhỏ trong nội bộ các quốc gia đồng minh của Mỹ.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Rutte nêu tên sáu quốc gia NATO, bao gồm Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Canada là những nước sẵn sàng tham gia vào chương trình tái trang bị vũ khí thông qua việc mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao tại Washington, vẫn có nhiều chi tiết cần làm sáng tỏ trong đề xuất này. Một đại sứ châu Âu thẳng thắn nhận xét: “Không ai trong chúng tôi được báo trước. Thậm chí, tôi nghi ngờ ngay cả nội bộ chính quyền Tổng thống Trump cũng chưa thực sự nắm hết những hệ quả mà kế hoạch này có thể kéo theo".
Phía Lầu Năm Góc không bình luận thêm, ngoài việc trích lại bài phát biểu của ông Trump. Nhà Trắng và các đại sứ quán Ukraine, Nga tại Washington tới nay cũng giữ im lặng.
Khó khăn trước mắt
Một quan chức NATO cho biết, khối này sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí thông qua phái bộ “Hỗ trợ An ninh và Đào tạo NATO cho Ukraine” đặt tại Đức. Hiện đã có tám quốc gia, trong đó có Đức, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Canada và Phần Lan, cam kết tham gia tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, “chi tiết cụ thể vẫn đang được đàm phán”.
Một cuộc họp then chốt giữa các quốc gia sở hữu hệ thống Patriot và đại diện các nhà tài trợ dự kiến sẽ sớm diễn ra, dưới sự điều phối của các chỉ huy cấp cao NATO. Một nguồn tin cho biết, phía Mỹ đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí tấn công trong khuôn khổ đề xuất chung với các đồng minh, dù bản thân ông Trump vẫn công khai phản đối việc Ukraine thực hiện các đòn tấn công trực diện vào Moscow.
Ông Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho rằng Tổng thống Trump đang nỗ lực “cân bằng” giữa việc thể hiện lập trường cứng rắn với Nga và thỏa hiệp với thực tế chính trị trong nội bộ Đảng Cộng hòa, nơi nhiều tiếng nói trong phe MAGA (Make America Great Again - tạm dịch: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) phản đối việc viện trợ cho Ukraine.
“Ông ấy đang thực hiện đúng những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử: làm cho châu Âu phải chi tiền. Và bây giờ, châu Âu đang thực sự làm điều đó”, ông Volker nhận định.
Ông Volker ước tính Ukraine có thể nhận được từ 12 đến 13 khẩu đội Patriot, nhưng quá trình giao hàng sẽ kéo dài cả năm.
Hai quan chức Mỹ cho biết, lập trường cứng rắn hơn của Tổng thống Trump đối với Moscow bắt đầu thành hình trong bối cảnh tiến trình hòa bình rơi vào trạng thái bế tắc ngày càng sâu sắc. Trong khi đó, ba nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nói rằng ông Putin chưa có ý định thỏa hiệp ở thời điểm này. Cũng theo các nguồn tin này. Nga tin rằng họ có thể vượt qua các đòn trừng phạt, kể cả việc Trump dọa áp thuế với những nước mua dầu từ Moscow.
“Đến một lúc nào đó, lời nói trở nên vô nghĩa. Phải có hành động. Phải có kết quả", ông Trump nói với ông Rutte vào đầu tuần này.
Tranh cãi xung quanh đề xuất viện trợ của ông Trump
Dù được mô tả là “bước ngoặt chính sách”, động thái mới nhất của Trump đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ các đồng minh châu Âu.
“Nếu chúng tôi trả tiền cho vũ khí, thì đó là hỗ trợ của chúng tôi. Nếu bạn hứa cung cấp vũ khí, nhưng lại để người khác trả tiền, thì bạn không thật sự là người viện trợ, đúng không?”, bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, nói sau một cuộc họp ở Brussels.
Ông Trump tuyên bố rằng có một quốc gia đang nắm giữ tới 17 khẩu đội Patriot và một phần trong số đó sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Tuyên bố này đã khiến nhiều quan chức Mỹ và châu Âu sửng sốt, bởi theo dữ liệu hiện có, ngoài Mỹ, không quốc gia thành viên NATO nào sở hữu số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot lớn đến như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, sau cuộc gặp tại Lầu Năm Góc hôm 14/7, xác nhận Berlin đang xem xét khả năng gửi thêm hệ thống Patriot, nhưng cảnh báo rằng không có hệ thống nào có thể đến Ukraine trước mùa thu.
Một quan chức Mỹ tiết lộ rằng Tổng thống Trump đang trực tiếp can dự vào quá trình đàm phán, dù các cuộc thảo luận hiện vẫn chỉ ở “giai đoạn thai nghén”.
“Giờ ai cũng nói: ‘Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ’, nhưng điều đó cụ thể là gì thì vẫn còn rất mơ hồ,” vị quan chức này nhận định.
Với Ukraine, câu hỏi đặt ra là: liệu ông Trump có thực sự chuyển giao vũ khí cho Ukraine, hay những tuyên bố gần đây của ông chủ Nhà Trắng chỉ là đòn gió nhằm buộc Nga nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng với châu Âu, dù câu trả lời cuối cùng có ra sao, các quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với một thực tế ngày càng rõ ràng: Trách nhiệm viện trợ Ukraine, từng được Washington gánh vác phần lớn, giờ đây đang dần đổ dồn về các thủ đô châu Âu.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Independent, CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-hoang-mang-sau-khi-my-de-xuat-vien-tro-ukraine-post1215398.vov