Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây úp mở khả năng rút khỏi tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn sớm. Điều này khiến châu Âu lo ngại sẽ phải “lấp chỗ trống”, đồng thời bảo đảm Ukraine có đủ nguồn lực để tiếp tục chiến đấu.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 28/4 cho biết ông Trump đã nhiều lần khẳng định mong muốn đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài.
“Tổng thống vẫn lạc quan rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận, nhưng cũng rất thực tế về những giới hạn hiện tại”, bà Leavitt nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ tang Giáo hoàng Francis tại Vatican, ngày 26/4/2025. Ảnh: Getty
Đàm phán bế tắc, Mỹ bắt đầu dao động
Theo Financial Times, một số quan chức châu Âu và Ukraine giấu tên cho rằng ông Trump có thể đang tìm cách rút khỏi các cuộc đàm phán. Theo họ, ông có thể lấy một bước tiến nhỏ để tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ” và chấm dứt vai trò trung gian.
Mặc dù chưa thể xác minh độc lập những tuyên bố này, nhưng chúng phù hợp với quan điểm từng được Nhà Trắng đưa ra rằng tiến trình đàm phán đang “diễn ra quá chậm” so với kỳ vọng của ông Trump.
“Tôi rất thất vọng khi Nga tiếp tục phóng tên lửa. Tôi muốn [Tổng thống Nga Vladimir Putin] ngừng bắn, ngồi xuống và ký thỏa thuận” ông Trump nói với phóng viên hôm 27/4 khi đang trên đường từ Vatican trở lại Nhà Trắng sau lễ tang Giáo hoàng Francis.
Tuyên bố của ông Trump về khả năng rút khỏi các cuộc đàm phán đi ngược lại với những cam kết lâu nay rằng ông có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine khi ông quay lại Nhà Trắng. Các quan chức châu Âu lo ngại ông Trump đang theo đuổi một “giải pháp nhanh chóng”, có thể không đảm bảo được nền hòa bình lâu dài, và khiến Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận thiệt thòi.
Các cuộc đàm phán của Mỹ chủ trì với Ukraine và Nga tại Saudi Arabia vào tháng 3 không đạt được đột phá. Đề xuất ban đầu của Washington về một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ủng hộ, nhưng bị Nga bác bỏ.
Theo các nguồn tin, lập trường cứng rắn của Moscow, đặc biệt là về các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, đã khiến ông Trump cân nhắc lại mức độ cam kết của mình với tiến trình hòa bình.
“Ông ấy đang tạo cho mình một cái cớ để rút khỏi tiến trình đàm phán và để lại phần còn lại cho Ukraine cùng châu Âu lo liệu”, một quan chức châu Âu nhận định.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky bên lề lễ tang Giáo hoàng tại Vatican, ông Trump nhận xét về người đồng cấp Ukraine rằng: “Tôi nghĩ ông ấy đã nhìn ra bức tranh tổng thể. Và tôi nghĩ ông ấy cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận”.
Bình luận này cùng với bài đăng sau đó trên mạng xã hội Truth Social trong đó ông Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm buộc Nga quay lại bàn đàm phán, khiến phía Ukraine cảm thấy có động lực tích cực.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, phía Ukraine cho biết họ bị “choáng váng” bởi sự thay đổi đột ngột từ phía Mỹ, khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã bác bỏ khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới đối với Nga, cho rằng điều này sẽ chỉ khiến chiến tranh kéo dài hơn.
Trả lời phỏng vấn NBC News ngày 27/4, ông Rubio nhấn mạnh: “Tuần này là thời điểm then chốt để chúng tôi quyết định liệu có nên tiếp tục tham gia tiến trình này hay không”, ám chỉ rằng Washington không muốn bị cuốn vào một tiến trình đàm phán kéo dài.
Đó là lý do nhiều quan chức Ukraine vẫn lo ngại Washington sẽ từ bỏ vai trò trung gian.
“Tôi xem đây là khả năng rất nghiêm túc”, một quan chức cấp cao Ukraine nói với Financial Times.
Châu Âu lo phải “thay vai” cho Mỹ
Các chuyên gia cảnh báo, nếu ông Trump thực sự rút khỏi tiến trình đàm phán, châu Âu sẽ phải gia tăng hỗ trợ, bao gồm cả viện trợ quân sự và tài chính, để duy trì khả năng kháng cự của Ukraine trên chiến trường.
Ông Peter Rough, Giám đốc Trung tâm châu Âu – Á Âu thuộc Viện Hudson, cho rằng nếu ông Trump rút khỏi đàm phán mà không đạt được bước tiến cụ thể nào, chiến sự sẽ tiếp tục leo thang. Khi đó, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ “rút tay” hoàn toàn khỏi cuộc xung đột, hay vẫn duy trì một số hình thức hỗ trợ, như viện trợ vũ khí hoặc chia sẻ tình báo.
“Trong ngắn hạn, Nga sẽ tiếp tục gây áp lực nhằm chia rẽ phương Tây và cô lập Ukraine. Một cuộc tấn công mới trong mùa xuân là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Rough nhận định.
Ông Peter Rutland, chuyên gia về Nga và giáo sư chính trị tại Đại học Wesleyan (Mỹ), cho rằng ngay cả khi từ bỏ vai trò trung gian, ông Trump khó có thể cắt hoàn toàn viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, vì điều đó sẽ khiến ông chịu nhiều chỉ trích nếu quân Nga tiến sát Kiev.
“Tuy nhiên, ông ấy có thể giảm quy mô viện trợ. Khi đó các nước châu Âu sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì hy vọng cho Ukraine,” ông Rutland nói.
Trong khi đó, bà Elina Beketova, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), cho rằng, Ukraine vẫn xem Mỹ là đồng minh quan trọng nhất.
“Nếu Mỹ rút lui, tình hình sẽ khó khăn hơn với Kiev. Đồng thời, điều đó có thể thúc đẩy châu Âu đảm nhận vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn, cả về quân sự lẫn ngoại giao” bà nói.
Ông Rough cũng cảnh báo rằng: “Nga sẽ tiếp tục gây sức ép, tìm cách buộc Mỹ rút lui, khoét sâu sự chia rẽ trong khối phương Tây… Moscow muốn phá vỡ liên minh và cô lập Ukraine trong thế đối đầu trực tiếp”.
Dù vậy, theo bà Beketova: “Nếu Mỹ và châu Âu giữ được sự đoàn kết, vẫn còn cơ hội buộc Nga phải ngừng bắn. Nhưng trước hết, các cuộc tấn công hàng ngày phải chấm dứt.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Newsweek, Financial Times