Một đợt nắng nóng dữ dội bao phủ miền nam châu Âu trong tuần qua. Thời tiết nóng khiến nhiệt độ ở Tây Ban Nha có khi lên đến 46 độ C, khiến nhà chức trách đặt hầu như toàn bộ đất liền của Pháp trong tình trạng báo động cao.
Nhiệt độ cực cao, cộng với tình trạng ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch gây nên tình trạng oi nóng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Nhiệt độ cao cũng buộc nhà chức trách ở một số quốc gia phải ban hành cảnh báo sức khỏe và huy động lính cứu hỏa để ngăn chặn cháy rừng bùng phát.
Theo báo cáo của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus năm 2024, châu Âu là châu lục có nhiệt độ tăng nhanh nhất trên Trái Đất, nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.
Không chỉ châu Âu, gần đây, Mỹ cũng ghi nhận tình trạng nhiệt độ tăng cao tại nhiều nơi.
Khách du lịch cầm ô để che nắng gần tháp Eiffel, Paris (Pháp) vào ngày 30-6. Ảnh: Ludovic Marin/AFP
Nắng nóng lan rộng
Tuần qua, chính quyền Tây Ban Nha đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong liên quan thời tiết oi nóng, trong đó 5 trường hợp liên quan nắng nóng và 2 trường hợp liên quan cháy rừng.
Bộ Y tế Ý cho biết 17 trong số 27 TP lớn của nước này đang phải hứng chịu đợt nắng nóng. Điển hình, TP Bolzano ở miền bắc nước Ý đang phải đối mặt đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên với nhiệt độ lên tới khoảng 37 độ C.
Vị trí của TP nằm trong thung lũng, kết hợp với việc có nhiều công trình xây dựng và không gian xanh hạn chế, khiến nhiệt độ càng tăng cao.
Hôm 3-7, nhiệt độ tại Áo có nơi lên đến 38 độ C. Tại TP Salzburg, khách du lịch tập trung đông ở trung tâm TP, gần hệ thống phun nước làm mát, theo trang tin Euro News.
Tại bang Aargau của Thụy Sĩ, nhà máy điện hạt nhân Beznau đã bị ngắt kết nối một phần khỏi lưới điện do nắng nóng. Một lò phản ứng hạt nhân của nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn.
Công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân cho biết lý do giảm công suất hoạt động của nhà máy là do nhiệt độ nước của sông Aare tăng cao. Nhà chức trách cho rằng việc xả nước nóng của nhà máy điện hạt nhân vào dòng sông có thể khiến nước sông càng thêm nóng, gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Tại TP Mora (Bồ Đào Nha), nhiệt độ có nơi ghi nhận đạt 46,6 độ C. Đây được coi là một mức nhiệt cao kỷ lục tại nước này trong tháng 6.
Người dân đi bộ giữa đợt nắng nóng ở Seville (Tây Ban Nha) vào ngày 2-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hôm 1-7, Pháp cũng ban hành cảnh báo cao nhất về nắng nóng cho 16 khu vực của nước này. Trong hai ngày 1 và 2-7, đỉnh tháp Eiffel cũng tạm thời đóng cửa do nắng nóng.
Cuối tháng 6, Mỹ cũng ghi nhận đợt nắng nóng kỷ lục. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, chỉ riêng hôm 24-6, 50 TP ở miền đông nước Mỹ đã ghi nhận mức cao kỷ lục về nhiệt độ hàng ngày, trong đó TP New York ghi nhận ngày nóng nhất kể từ năm 2012.
Nắng nóng đã khiến nhiều học sinh trung học tham dự một buổi hòa nhạc tại bang New Jersey ngất xỉu. Tại các bang South Dakota và Nebraska, nhà chức trách cũng ghi nhận tình trạng đường nhựa bị biến dạng do nắng nóng, theo tờ The Guardian.
Cảnh báo và khuyến nghị
Để tránh ảnh hưởng sức khỏe do nắng nóng và nhiệt độ tăng cao, chuyên gia khuyến nghị mọi người nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Mọi người cũng nên dùng vải tối màu để chặn cửa sổ, ngăn ánh nắng vào phòng. Vào ban đêm, mọi người nên mở cửa sổ và bật quạt để giúp lưu thông không khí.
Chuyên gia cũng lưu ý việc bổ sung đủ nước là rất quan trọng và nên thường xuyên bổ sung độ ẩm cho da thông qua xịt ẩm hoặc khăn ướt. Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến nghị không nên tập thể dục nặng ngoài trời khi thời tiết nắng nóng và hạn chế sử dụng lò vi sóng để tránh làm tăng nhiệt độ trong nhà.
Đối với những người buộc phải làm việc ngoài trời, chuyên gia khuyên nên để ý các dấu hiệu kiệt sức vì nóng (bao gồm đổ mồ hôi nhiều, da lạnh hoặc ẩm ướt, mạch nhanh hoặc yếu) và say nắng (có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, da nóng, lú lẫn và ngất xỉu), theo tờ The New York Times.
Một người tham dự lễ hội âm nhạc ở miền nam nước Pháp vào cuối tháng 6. Ảnh: AFP
Về lâu dài, các nhà chức trách cho rằng việc mở rộng mảng xanh đô thị là chìa khóa để hạ nhiệt độ tại các TP. Theo nghiên cứu, những khu vực râm mát tại các đô thị có thể mát hơn tới 5 độ C so với những khu vực ngoài trời.
Điển hình, TP Bolzano (Ý) hiện có khoảng 13.000 cây xanh và tăng 250 cây mỗi năm theo kế hoạch phủ xanh của TP. Tuy nhiên, các chuyên gia về khí hậu cho biết cần thêm hàng ngàn cây nữa thì mới có tác dụng trong việc giúp giảm nhiệt độ tại TP này.
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng sạch, hạn chế đốt năng lượng hóa thạch cũng là những biện pháp giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và nhiệt độ tăng cao.
KHOA ĐIỀM