Một số nguồn tin giấu tên nhận định, liên minh do Anh và Pháp dẫn đầu nên hỗ trợ Ukraine xây dựng đòn bẩy chiến lược trong giai đoạn các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Kiev và Moscow vẫn “dậm chân tại chỗ”. Giải pháp được đề xuất bao gồm cả việc mở rộng mạng lưới sản xuất vũ khí ngay tại Ukraine, đặc biệt là đạn dược, một yếu tố then chốt nhằm tăng cường năng lực phòng thủ nước này. Theo tiết lộ từ các quan chức phương Tây, điều này là một phần kế hoạch trở lại bàn đàm phán của châu Âu.
Một quan chức cấp cao của NATO chia sẻ: “Hiện tại là thời điểm lý tưởng để công bố các dự án nhà máy đạn dược đặt tại Ukraine, với mô hình hợp tác sản xuất song phương hoặc đa phương. Việc tăng cường năng lực quốc phòng cho Ukraine, một đối tác của NATO, là bước đi cần thiết nhằm cung cấp những đảm bảo an ninh cụ thể mà Kiev đang khẩn thiết tìm kiếm”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại London hồi tháng 3/2025. Ảnh: Reuters
"Nếu sản xuất được chuyển sang Ukraine, việc viện trợ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều mà không cần thông qua các thủ tục rườm rà của từng chính phủ hay các chương trình viện trợ phức tạp. Đó là chưa kể Ukraine hiện sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lực lượng lao động có tay nghề cao sẵn sàng tham gia sản xuất”, một nguồn tin trong ngành cho biết thêm.
Những khuyến nghị này được đưa ra giữa lúc chính quyền Trump không đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đầu tuần này thừa nhận khả năng đạt được thỏa thuận là “không hề dễ dàng”, trong khi Washington gần như giữ im lặng về những gì diễn ra trên bàn đàm phán
Cuộc tấn công vào thành phố Sumy hồi cuối tuần qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Điện Kremlin chưa sẵn sàng nhượng bộ. Những tín hiệu rò rỉ từ tiến trình đàm phán cho thấy bầu không khí đang trở nên căng thẳng hơn, khi ông chủ Nhà Trắng đang tỏ ra mất kiễn nhẫn với cả hai bên tham chiến.
Tình trạng đó đang đẩy “liên minh tự nguyện” gồm 31 nước do Anh và Pháp dẫn dắt, với mục tiêu cung cấp đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, vào thế khó. Tuy vậy, dù tuyên bố sẽ tăng cường dòng chảy viện trợ tới Kiev, các mục tiêu chiến lược dài hạn của của khối này vẫn treo lơ lửng khi chưa có bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào được thông qua.
Trong bối cảnh các chính phủ châu Âu sắp chi hàng tỷ euro cho quốc phòng trong 5 năm tới, việc sản xuất tại Ukraine có thể trở thành giải pháp khả thi. “Ngay cả với Anh, việc tìm ra địa điểm an toàn và phù hợp để xây dựng nhà máy vũ khí là vô cùng khó. Dự án chung với Ukraine là lời giải tốt nhất cho vấn đề này”, một nguồn tin quốc phòng Anh cho biết.
NATO hiện đang trình bày chiến lược đầu tư vào hạ tầng quốc phòng lâu dài với các chính phủ châu Âu, trong đó nhấn mạnh rằng hợp tác chặt chẽ với Ukraine không chỉ giúp ngăn chặn Nga tái phát động xung đột, mà còn gửi thông điệp răn đe tới các khu vực khác. Tại hội nghị NATO vào tháng 7/2025, liên minh cũng đang cân nhắc nâng trần chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP, trong đó sản xuất đạn dược được xem là lĩnh vực ưu tiên.
Dù vậy, sáng kiến của châu Âu cũng tiềm tàng một số rủi ro nhất định, đặc biệt là khi Điện Kremlin sẽ coi việc sản xuất đạn dược chung là hành động leo thang. Năm 2023, khi BAE Systems – tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Anh, tuyên bố mở chi nhánh tại Ukraine, Nga ngay lập tức lên tiếng đe dọa sẽ xem bất kỳ cơ sở vũ khí phương Tây nào là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia quốc phòng châu Âu đều cho rằng: những rủi ro đó là có thể chấp nhận được, nếu điều đó đổi lại sự chủ động trong sản xuất vũ khí và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ông William Alberque – cựu Giám đốc kiểm soát vũ khí của NATO – đánh giá: “Sản xuất đạn dược tại Ukraine có thể mang lại lợi ích kép cho cả châu Âu lẫn Nhà Trắng. Nếu châu Âu có thể tạo thêm đòn bẩy chiến lược, điều đó sẽ giúp Ukraine nhanh chóng chạm tay tới hòa bình”.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo MSNBC, The Sun