Châu Âu nới lỏng quy định xanh, doanh nghiệp Việt cũng 'dễ thở'

Châu Âu nới lỏng quy định xanh, doanh nghiệp Việt cũng 'dễ thở'
8 giờ trướcBài gốc
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển ngày 23.5 cho biết Ủy ban châu Âu vừa công bố một loạt điều chỉnh mới trong quy định nông nghiệp của EU. Những thay đổi này tiếp tục xu hướng nới lỏng và linh hoạt hóa các quy tắc nông nghiệp xanh trong khối; đồng thời có thể giúp nông dân tiết kiệm tới 1,58 tỉ euro mỗi năm, theo ước tính của Ủy ban châu Âu.
Châu Âu có nhu cầu cao với mặt hàng nông sản tuy nhiên yêu cầu về sản phẩm xanh ngày một phổ biến đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng đáp ứng - Ảnh: IT
Cụ thể, gói cải cách mới nhất, nằm trong chuỗi sáng kiến đơn giản hóa rộng lớn mang tên "omnibus" được triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen, vừa được công bố tại Brussels, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu của gói này là giảm thiểu gánh nặng hành chính không cần thiết trong việc thực hiện Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) - cơ chế trợ cấp nông nghiệp của EU.
Ủy ban nhấn mạnh rằng cải cách không chỉ đơn giản hóa quy trình mà còn nhằm tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng phục hồi của ngành nông nghiệp và thúc đẩy số hóa. Các quy định mới hướng đến việc tinh giản kiểm tra tại trang trại và yêu cầu báo cáo, xử lý các điểm chồng chéo trong quy định về nông nghiệp hữu cơ và các điều kiện môi trường.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là khuyến khích các chính quyền quốc gia xây dựng hệ thống kỹ thuật số tương thích, theo nguyên tắc "báo cáo một lần, sử dụng nhiều lần". Điều này giúp nông dân nộp dữ liệu chỉ qua một nền tảng duy nhất, giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí và quản lý trang trại hiệu quả hơn. Gói cải cách dự kiến giúp nông dân tiết kiệm 1,58 tỉ euro mỗi năm, còn các chính quyền quốc gia tiết kiệm thêm khoảng 210 triệu euro.
Một điểm gây tranh cãi trong cải cách lần này là việc nới lỏng các điều kiện môi trường bắt buộc gắn với trợ cấp CAP, được xem là phản ứng trước các cuộc biểu tình của nông dân năm ngoái. Tuy nhiên, Ủy ban khẳng định họ không dỡ bỏ kiến trúc xanh của CAP, mà chỉ áp dụng cách tiếp cận thực tế hơn: 8 trong số 9 điều kiện môi trường vẫn được giữ nguyên, và các nước thành viên có thể sử dụng các quy định quốc gia tương đương để đạt được mục tiêu EU.
Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen giải thích rằng nếu các điều kiện môi trường đã tồn tại trong luật quốc gia, thì sẽ được coi là tương đương và không áp đặt thêm nghĩa vụ mới với nông dân. Ông cũng thừa nhận việc áp dụng tiêu chuẩn đồng nhất trên một ngành nông nghiệp đa dạng là thách thức lớn, nên EU đang chuyển sang cách tiếp cận phù hợp với từng vùng.
Tuy vậy, một số ý kiến chỉ trích rằng EU đang thụt lùi so với các cam kết xanh ban đầu, trong khi số khác cho rằng đây là phản ứng hợp lý trước một chiến lược bền vững chưa đạt kết quả như mong muốn.
Gói cải cách lần này được xem là bước chuyển lớn trong cách EU điều hành ngành nông nghiệp, và sẽ là nền tảng cho đề xuất CAP sau năm 2027, dự kiến sẽ được công bố sau khi trình bày ngân sách dài hạn của EU.
Để hỗ trợ các nông trại nhỏ, mức hỗ trợ hàng năm theo hình thức gói thanh toán sẽ được tăng gấp đôi, từ 1.250 - 2.500 euro. Một lựa chọn hỗ trợ đơn giản hóa khác sẽ cho phép các nông trại nhỏ nhận đến 50.000 euro nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay dịch bệnh động vật cũng sẽ được hưởng hỗ trợ khẩn cấp tốt hơn, thông qua các công cụ quản lý rủi ro linh hoạt hơn trong các Kế hoạch chiến lược CAP của mỗi quốc gia.
Ngoài ra, Quỹ dự trữ nông nghiệp EU sẽ chỉ được sử dụng cho các biến động thị trường mang tính toàn khối, không dùng cho các sự kiện riêng lẻ ở cấp quốc gia như sương giá, nhằm đảm bảo nguồn quỹ được sử dụng đúng trọng tâm.
"Các nước thành viên cũng sẽ được linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh các kế hoạch chiến lược quốc gia của mình, vốn là những bản kế hoạch gửi hàng năm tới Brussels để thực hiện mục tiêu CAP. Chỉ những thay đổi mang tính chiến lược mới cần sự phê duyệt trước của Ủy ban, giúp đẩy nhanh tiến trình cho nông dân hưởng lợi từ các điều chỉnh mới", Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhấn mạnh.
Có thể nói, những quy định xanh về nông nghiệp của EU đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Từ các sản phẩm nông nghiệp đến công nghiệp, tất cả đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững cao nhất. Điều này vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, các nhóm sản phẩm như điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt…) và dệt may được cho là sẽ chịu tác động mạnh nhất với những quy định xanh từ EU. Các sản phẩm này sẽ phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải, và sử dụng nguyên liệu tái chế.
Ví dụ, các sản phẩm điện tử phải được thiết kế để dễ dàng sửa chữa và tái chế, trong khi nông sản phải được trồng theo phương pháp hữu cơ và không sử dụng hóa chất độc hại...
Để tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải chứng minh được rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm.
Những thay đổi từ quy định xanh của EU có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao "dễ thở hơn" về chất lượng trên toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu trên. EU thường công bố dự thảo chính sách và mở cửa cho ý kiến đóng góp từ rất sớm, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng. Hơn nữa, lộ trình triển khai các chính sách này thường diễn ra dần dần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện từng bước.
Không chỉ vậy, nhiều tiêu chuẩn xanh chỉ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi một số quy trình làm việc hoặc cách thức khai báo thông tin, chứ không nhất thiết đòi hỏi đầu tư quá lớn. Thậm chí, một số tiêu chuẩn mới của EU đã từng là những tiêu chuẩn tự nguyện mà doanh nghiệp đã thực hiện trước đó để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chau-au-noi-long-quy-dinh-xanh-doanh-nghiep-viet-cung-de-tho-232913.html