Châu Âu ở thế tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ dành nhượng bộ lớn cho Nga

Châu Âu ở thế tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ dành nhượng bộ lớn cho Nga
6 giờ trướcBài gốc
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu
Một số quan chức châu Âu lo ngại rằng sự khác biệt trong quan điểm về bản dự thảo thỏa thuận từ chính quyền ông Trump có thể thử thách quan hệ song phương với các nước như Anh, Đức và một số quốc gia châu Âu khác, làm suy yếu an ninh xuyên Đại Tây Dương và thậm chí làm ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6.
“Châu Âu từ trước đến nay vốn ở thế yếu khi phải đối đầu với Mỹ. Họ đã luôn cố tránh vì lý do này”, ông Jeremy Shapiro, Giám đốc chương trình Mỹ tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định. Hy vọng của châu Âu về việc được tham gia vào các cuộc đàm phán về Ukraine do Mỹ dẫn đầu đã tiêu tan vào 23/4 khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hủy cuộc họp ở London với các quan chức Ukraine và châu Âu. Trong khi đó, Đặc phái viên của Tổng thống Trump là ông Steve Witkoff chọn thực hiện chuyến thăm thứ tư đến Điện Kremlin.
Ảnh minh họa: Bruegel
Chính quyền ông Trump đã đưa cho Kiev một bản phác thảo thỏa thuận theo kiểu "chấp nhận hoặc từ chối", với các điều khoản được một số nhà quan sát cho là nghiêng hẳn về phía Moscow, trong đó bao gồm việc Mỹ công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, sau 11 năm kể từ khi Moscow tuyên bố sáp nhập.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa bác bỏ đề xuất trên vào 22/4, khẳng định không công nhận chủ quyền của Nga đối với bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà Moscow đã kiểm soát kể từ năm 2014.
Ngày 23/4, ông Trump chỉ trích lập trường của ông Zelensky, cho rằng quan điểm đó "rất gây hại" cho nỗ lực hòa bình của ông và "mang tính khiêu khích".
"Ông ấy có thể chọn hòa bình hoặc chiến đấu thêm 3 năm nữa trước khi mất cả đất nước", Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Đề xuất của Washington nhằm công nhận quyền kiểm soát của Moscow với Crimea, đi ngược lại chính sách đã được NATO thống nhất, có lẽ là sự nhượng bộ lớn nhất mà Mỹ dành cho Nga những tháng gần đây trong nỗ lực nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Chính quyền Tổng thống Trump cũng loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO, điều từ lâu vốn là một trong những yêu cầu then chốt của Nga.
Kịch bản tệ nhất
Theo một số nhà quan sát, trong khi Moscow được đưa hàng loạt nhượng bộ thì Kiev lại chịu nhiều sức ép. Họ hầu như không nhận được gì để đối lấy việc từ bỏ lãnh thổ của mình.
“Kịch bản tệ nhất là Mỹ không đạt được thỏa thuận với Nga và đẩy toàn bộ gánh nặng sang Ukraine. Khi đó, châu Âu sẽ buộc phải lựa chọn giữa Ukraine và Mỹ", một nhà ngoại giao cấp cao EU cho hay.
Các quan chức Ukraine cho biết trước cuộc đàm phán hôm 23/4 rằng họ sẵn sàng thảo luận về các điều khoản khác trong bản dự thảo thỏa thuận do Mỹ đề xuất.
"Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng không đầu hàng. Sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào trao cho Nga những nền tảng vững chắc để tái tổ chức và quay lại mạnh mẽ hơn", Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko viết trên mạng xã hội X.
Các quan chức phương Tây nói với Financial Times rằng các nước châu Âu sẽ không ủng hộ bất kỳ động thái nào của Mỹ công nhận Crimea là của Nga hoặc gây áp lực buộc Kiev phải chấp nhận điều đó, đồng thời giữ vững lập trường lâu nay rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì liên quan đến chủ quyền của Ukraine mà Tổng thống Zelensky phản đối.
"Crimea là của Ukraine", bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU nói.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU thì nhấn mạnh: “Crimea và nguyện vọng gia nhập NATO trong tương lai là những lằn ranh đỏ đối với chúng tôi".
Theo một quan chức cấp cao châu Âu, chính quyền ông Trump đã được thông báo rằng việc các nước châu Âu công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga là điều không thể xảy ra. Các cường quốc lớn của NATO tại châu Âu cần phải “ngăn cản” Washington không hành động đơn phương, vị quan chức này nói thêm.
Tình trạng pháp lý của Crimea có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng trong nội bộ NATO, vốn luôn giữ lập trường rằng không bao giờ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo này. Trước khi có đề xuất của Mỹ, các quan chức NATO đã cố gắng giảm nhẹ những bất đồng nội bộ về vấn đề Ukraine và nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh hàng năm của liên minh tại Hague sẽ tập trung vào chi tiêu quốc phòng chứ không phải cuộc xung đột.
Tuy nhiên, thỏa thuận được đề xuất cùng khả năng Mỹ có thể từ bỏ đàm phán, đổ lỗi cho Kiev và bình thường hóa quan hệ với Moscow, có thể dẫn đến một cuộc rạn nút nghiêm trọng giữa các nhà lãnh đạo NATO.
"Vấn đề cốt lõi tại hội nghị thượng đỉnh lần này là chúng ta đang ở đâu trong vấn đề Ukraine", một quan chức cấp cao phương Tây nhận định.
Những bất đồng tương tự cũng có nguy cơ gia tăng trong nội bộ EU, đặc biệt liên quan đến việc nên xử lý các biện pháp trừng phạt kinh tế của khối đối với Nga như thế nào nếu Washington quyết định dỡ bỏ các lệnh hạn chế của mình.
“Tình hình hiện tại thực sự không mấy khả quan”, một quan chức EU nói. Bất kỳ động thái nào từ phía Mỹ nhằm công nhận Crimea là của Nga hoặc yêu cầu các nước châu Âu nới lỏng trừng phạt đối với Moscow sẽ “hủy hoại sự thống nhất của EU. Mọi thứ đang trở nên rất rối ren”.
23 nước châu Âu, là thành viên của cả EU và NATO, hiện đang cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp với chính quyền ông Trump về các cam kết an ninh tương lai của Mỹ đối với châu Âu cũng như một thỏa thuận thương mại, nhằm tránh một cuộc chiến thuế quan toàn diện có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của họ. Họ lo ngại rằng Washington có thể sử dụng vấn đề Ukraine như đòn bẩy trong các cuộc đàm phán này.
Ông Jeremy Shapiro thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) tỏ ra hoài nghi về khả năng EU có thể duy trì sự đoàn kết.
“Nếu Mỹ rút lui, sẽ không thể nào có chuyện châu Âu tiếp tục thống nhất về vấn đề Ukraine. Mỹ chính là nguồn gốc của sự thống nhất đó", chuyên gia Jeremy Shapiro khẳng định.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Financial Times
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-o-the-tien-thoai-luong-nan-khi-my-danh-nhuong-bo-lon-cho-nga-post1194539.vov