Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, mức thuế quan của Mỹ do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố là "một đòn nghiêm trọng" đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, bà Leyen cũng khẳng định châu Âu "sẵn sàng đáp trả" và đang xây dựng "một gói biện pháp đối ứng" trong trường hợp các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ thất bại. Dù vậy, Chủ tịch EC vẫn nhấn mạnh « vẫn chưa quá muộn » để đàm phán.
Trong một động thái liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, sẽ nhóm họp cùng các lãnh đạo và "đại diện của các ngành chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan do Mỹ công bố" vào lúc 16h theo giờ Paris (khoảng 21h theo giờ Việt Nam) nhằm tìm ra giải pháp giảm thiểu thiệt hại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trưng bày sắc lệnh hành pháp đã ký ngày 02/04 - Ảnh: 20 Minutes
Với mức thuế quan mới của Washington lên tới 20% áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ EU, ngành công nghiệp rượu vang và rượu mạnh của Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ thụt giảm ít nhất 20% doanh thu từ thị trường Mỹ, tương đương khoảng 800 triệu Euro (880 triệu USD). Ngành này cũng đang vấp phải sự suy giảm tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của vang và rượu mạnh Pháp.
Đáp trả lại quyết định áp thuế mới, người phát ngôn của chính phủ Pháp Sophie Primas cho biết, Liên minh châu Âu "sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại" với Mỹ và có kế hoạch "tấn công các dịch vụ kỹ thuật số" của nước này.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố quyết định của Tổng thống Donald Trump về thuế quan là "sai về cơ bản", đồng thời đảm bảo rằng châu Âu sẽ phản ứng "theo cách thống nhất, mạnh mẽ và phù hợp". Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh những mức thuế quan mới này "là một đòn tấn công vào trật tự thương mại vốn tạo ra sự thịnh vượng trên toàn thế giới".
Tuy nhiên, ông Scholz cũng tái khẳng định sẵn sàng thảo luận với Washington và mong muốn "tránh cuộc chiến thương mại với Mỹ". Động thái có phần « hòa đàm » của Berlin xuất phát từ nguyên nhân Mỹ là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của nước này ở thời điểm hiện tại. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu xe ô tô của Đức sang Mỹ đạt khoảng 24 tỷ Euro (26,5 tỷ USD).
Ngoài ra, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã xuất khẩu gần 750.000 ô tô sang Mỹ trong năm 2024, trị giá 38,5 tỷ Euro (41,6 tỷ USD). Một số công ty như Mercedes, BMW và thậm chí cả Stellantis đã tăng sản lượng bán ra tại Mỹ trong những năm gần đây. Thị trường Mỹ đang cứu ngành công nghiệp ô tô truyền thống châu Âu trong bối cảnh các doanh nghiệp EU vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của xe điện giá rẻ tại thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.
Với London, một trong những đồng minh chính của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds phát biểu trên Sky News, Chính phủ nước này tin rằng "những quyết định mới của Tổng thống (Donald Trump) đã đưa Vương quốc Anh vào một vị thế tốt hơn so với EU". Hiện, London đang được áp dụng mức thuế quan tương đối ưu đãi với chỉ vỏn vẹn 10%, mức thấp nhất được công bố, nhất là khi so sánh với Liên minh châu Âu (20%) hoặc Trung Quốc (34%).
Các quyết định thuế quan mới của Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán châu Âu đã đón nhận một đợt giảm mạnh khi vừa mở cửa vào sáng thứ năm. Trong phiên giao dịch đầu ngày, sở giao dịch chứng khoán Paris giảm 1,79%, Frankfurt giảm 2,08%, Milan giảm 1,58%, Amsterdam giảm 1,44% và London giảm 1,07%.
Anh Tuấn/VOV-Paris