EU chuẩn bị các phương án đáp trả Mỹ mạnh mẽ
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố danh sách toàn diện các biện pháp trả đũa tiềm năng nhắm vào lượng hàng hóa Mỹ trị giá tới 95 tỉ euro (107,2 tỉ đô la). Danh mục dài 200 trang, hiện đang được tham vấn công khai đến ngày 10-6, bao gồm hơn 4.800 sản phẩm Mỹ. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này cho thấy Brussels đang rất quyết tâm, và không còn nhiều sự tin tưởng vào thiện chí từ phía Washington.
Danh sách trên là tập hợp những biểu tượng của công nghiệp Mỹ: từ máy bay, ô tô, rượu, thiết bị điện tử, hóa chất, máy móc, sản phẩm y tế và nhiều mặt hàng nông nghiệp. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2024 EU đã nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ với tổng giá trị vượt 109 tỉ euro.
Việc đưa rượu bourbon và các loại rượu mạnh khác vào danh sách đáp trả được coi là một động thái vừa thực tế, vừa mang tính biểu tượng, bởi lịch sử tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương từng nhiều lần “dậy sóng” vì rượu whisky Mỹ.
Không chỉ dừng ở thuế quan, EU còn cân nhắc hạn chế xuất khẩu 4,4 tỉ euro phế liệu thép và sản phẩm hóa chất sang Mỹ. Các biện pháp này có thể được triển khai dưới dạng hạn ngạch, giấy phép hoặc cấm hoàn toàn - tạo thêm áp lực lên các nhà sản xuất Mỹ, vốn đang gặp nhiều khó khăn do biến động thương mại.
EU từng thể hiện quyết tâm hành động khi phê duyệt gói thuế quan trả đũa trị giá 21 tỉ euro hồi tháng 4, dù sau đó đã tạm hoãn khi ông Trump tuyên bố ngưng áp thuế 90 ngày. Giờ đây, khi thời gian tạm ngưng sắp hết hạn vào tháng 7, Brussels đang phát đi thông điệp cứng rắn: sẽ không ngần ngại leo thang căng thẳng nếu đàm phán thất bại.
Sự cứng rắn trên là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đã bao phủ 380 tỉ euro - tương đương 70% xuất khẩu hàng hóa của EU sang Mỹ. Nếu Washington tiếp tục điều tra các lĩnh vực như dược phẩm, bán dẫn, xe tải, khoáng sản quan trọng, con số này có thể tăng lên 97%.
Có thể thấy, về mặt quy mô, gói đáp trả của EU nhỏ hơn nhiều so với các biện pháp thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, giới chức EU nhìn chung đã có sự tính toán khá kỹ lưỡng để có thể tối đa hóa sức ép lên phía Nhà Trắng, đồng thời không gây tổn hại quá mức cho các ngành công nghiệp châu Âu.
Với các doanh nghiệp Mỹ, rủi ro sẽ là rất đáng kể. Đòn giáng mạnh của EU sẽ khiến Boeing, nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ, đối mặt nguy cơ mất thị trường trọng yếu khi hàng chục đơn hàng cho các hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay tại EU đang bị đe dọa. Ngành ô tô cũng sẽ lo ngại tác động dây chuyền khi các “ông lớn” của ngành công nghiệp ô tô Đức như BMW, Mercedes-Benz sẽ phải tính toán lại chiến lược sản xuất và xuất khẩu tại Mỹ - điều mà Tổng thống Donald Trump rất mong đợi.
Brussels cũng không che giấu ý định mở rộng “kho vũ khí” nếu cần thiết. Các quan chức cấp cao EU đã đưa ra cảnh báo rằng những biện pháp đáp trả trong tương lai có thể nhắm vào dịch vụ công nghệ số của Mỹ, đặc biệt là của các tập đoàn Big Tech. Cần lưu ý rằng, trong lĩnh vực dịch vụ, Mỹ đang có thặng dư 109 tỉ euro với EU, và một biện pháp đáp trả nhắm vào lĩnh vực này có thể tạo ra tác động to lớn.
Quan điểm đàm phán kiên quyết, không khoan nhượng của EU
Trong khi sẵn sàng bảo vệ lợi ích kinh tế của mình bằng mọi công cụ có thể, giới chức EU vẫn luôn cố gắng tránh tình huống xấu nhất và nhấn mạnh ưu tiên giải pháp đàm phán. “EU vẫn hoàn toàn cam kết tìm kiếm kết quả thương lượng với Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhiều lần khẳng định. “Chúng tôi tin rằng có thể đạt được những thỏa thuận tốt vì lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp hai bên Đại Tây Dương”.
Tuy nhiên, ẩn sau ngôn ngữ ngoại giao là thái độ kiên quyết, không khoan nhượng. Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič cảnh báo “nhiều động thái áp thuế mới từ Mỹ có thể sắp được triển khai”, đồng thời nhấn mạnh khối này “không cảm thấy bị áp lực phải chấp nhận một thỏa thuận không công bằng”. Ông cũng thừa nhận các cuộc đàm phán “không hề dễ dàng”.
Bên cạnh việc chuẩn bị các biện pháp đáp trả thuế quan, EU còn đang chủ động củng cố nền tảng kinh tế nội khối. EU đang thúc đẩy các sáng kiến cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản nội bộ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực quan trọng, từ thép, hóa chất, ô tô cho đến hàng không vũ trụ.
Đồng thời, Brussels cũng xây dựng đề xuất ưu tiên doanh nghiệp châu Âu trong mua sắm công cho các lĩnh vực trọng yếu. Đây là tín hiệu cho thấy khối này sẵn sàng ưu đãi mạnh tay để giữ chân những “người khổng lồ” công nghiệp ở lại, thay vì chuyển đến Mỹ đầu tư, từ đó biến châu Âu thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp.
Triển vọng đàm phán bất định và nhiều rủi ro
Khi thời hạn chót 8-7 đang đến gần, triển vọng đạt được đột phá trong đàm phán thương mại EU - Mỹ vẫn hết sức bất định. Mỹ đã đạt thỏa thuận với Anh hồi tuần trước, nhưng cuộc đàm phán với EU lại là câu chuyện rất khác. Dù đã có nhiều cuộc gặp cấp cao và hàng loạt đề xuất từ cả hai phía, tiến triển thực chất vẫn rất hạn chế.
EU hiện vẫn kiên quyết không chấp nhận một thỏa thuận giữ nguyên mức thuế 10%. Một quan chức cấp cao của EC thẳng thắn: “Nếu Mỹ không giảm thuế xuống dưới 10%, sẽ không có đàm phán, không có thỏa thuận”. Lằn ranh đỏ này cho thấy quyết tâm của EU không nhượng bộ dễ dàng trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Những tuần sắp tới sẽ có ý nghĩa quyết định. Đợt tham vấn công khai về các biện pháp đáp trả của EU sẽ kéo dài đến ngày 10-6, sau đó EC sẽ chốt danh sách hàng hóa Mỹ bị nhắm tới. Thời điểm này được tính toán kỹ lưỡng: Brussels muốn sẵn sàng hành động ngay khi thời gian tạm ngưng áp thuế 90 ngày của Washington kết thúc.
Dù cả hai bên đều đã chuẩn bị cho kịch bản leo thang căng thẳng thương mại, vẫn còn nhiều tiếng nói kêu gọi thỏa hiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp hai bờ Đại Tây Dương liên tục thúc giục các nhà đàm phán tìm tiếng nói chung, cảnh báo chiến tranh thương mại toàn diện sẽ gây tổn thất lâu dài cho việc làm, đầu tư và giá cả tiêu dùng.
Rủi ro là rất đáng kể. Trong trường hợp đàm phán đổ vỡ và cả hai bên cùng áp thuế, hậu quả sẽ nghiêm trọng, không chỉ với EU và Mỹ mà còn với kinh tế toàn cầu. Chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn do thuế quan, đẩy chi phí tăng vọt và khiến vấn đề lạm phát nóng trở lại, đồng thời làm xói mòn tăng trưởng. Do vậy, các quốc gia thành viên EU có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ cũng sẽ không ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn.
Tuy nhiên, với Brussels, đây vẫn là cuộc chiến rất quan trọng, và không thể dễ dàng chấp nhận lùi bước. Giới chức EU coi đây không chỉ là trận chiến về thuế quan mà còn là phép thử khả năng bảo vệ chủ quyền kinh tế trong một thế giới ngày càng bất ổn. Việc EU và Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung trước khi “cơn bão thuế quan” ập đến hay không sẽ không chỉ quyết định vận mệnh của hàng triệu lao động hai bên bờ Đại Tây Dương, mà còn định hình trật tự thương mại toàn cầu trong thập niên tới.
Nguồn: Finance Yahoo, Washington Post, CNBC, The Guardian, Bloomberg
Lạc Diệp