Tờ Financial Times đã tiết lộ về kế hoạch đầy tham vọng nói trên của châu Âu, cụ thể là do Anh và Pháp khởi xướng, trong bối cảnh Mỹ và Nga đang thúc đẩy đàm phán hòa bình về Ukraine mà không tính tới vai trò của Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, Anh và Pháp sẽ thành lập một lực lượng bảo đảm tại Ukraine, với việc sử dụng sức mạnh không quân là chủ yếu, thay vì triển khai bộ binh. Trước đây, châu Âu từng đề xuất kế hoạch triển khai một lực lượng lớn bộ binh tới Ukraine.
Một quan chức phương Tây tiết lộ rằng, nhiệm vụ tại Ukraine có thể được chỉ huy bởi Lực lượng Viễn chinh liên hợp, một đội hình quân sự kết hợp giữa Pháp và Anh, với trung tâm chỉ huy có thể đặt tại Northwood (London) hoặc tại Fort Mont-Valerien gần Paris. Theo quan chức này, các cuộc thảo luận về kế hoạch vẫn đang diễn ra với một số quốc gia. Các phương thức hành động khác nhau được lên kế hoạch tùy thuộc vào từng quốc gia, trong đó không quân đóng vai trò quan trọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) thúc đẩy nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP
Với kế hoạch trên, Anh và Pháp muốn tránh can dự trực tiếp vào xung đột mà sẽ tạo ra một lực lượng răn đe đủ mạnh cũng như thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh đáng tin cậy để ngăn chặn vi phạm thỏa thuận ngừng bắn sau khi đạt được.
Cùng với kế hoạch của Anh và Pháp, châu Âu cũng tiến hành một cuộc khảo sát trên 27 nước thành viên của EU để lên danh sách những gì khối này sẵn sàng cung cấp cho Ukraine về binh sĩ và vũ khí. Những đóng góp này có thể đóng vai trò là bảo đảm an ninh nhằm tuân thủ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.
Trong đó, một số nước châu Âu đã thảo luận các điều khoản chính trong đề xuất của họ với giới lãnh đạo quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này cho thấy kế hoạch của Anh và Pháp đang được xem xét nghiêm túc và có thể sẽ được tích hợp vào cách tiếp cận rộng lớn hơn của NATO đối với an ninh Ukraine.
Cách tiếp cận này cho thấy kế hoạch của Anh và Pháp vẫn cần có sự hỗ trợ của Washington với vai trò là quốc gia cầm trịch NATO. Chính Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực quân sự nào của châu Âu nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Ukraine đều cần có sự hỗ trợ của Mỹ.
Điều này chứng tỏ mặc dù kế hoạch được khởi xướng bởi Anh và Pháp nhưng vai trò của Washington vẫn được xem là then chốt cho sự thành công của sáng kiến này. Kế hoạch này hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển và có thể điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế và sự tham gia của các đồng minh.
Thực tế là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu đã “quen” dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là về hậu cần, trong các chiến dịch lớn. Theo Reuters, bà Claudia Major thuộc trung tâm tư vấn Đức SWP, các nước châu Âu thiếu năng lực quyết định trong các lĩnh vực tình báo, phòng không, xác định mục tiêu mà chỉ Mỹ mới có đủ số lượng và khả năng.
Vì vậy, có thể thấy kế hoạch quân sự của Anh và Pháp không mang tính khả thi khi không được Mỹ ủng hộ. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ không có một quân nhân Mỹ nào ở Ukraine, còn Moscow cũng nhất định bác bỏ việc NATO can thiệp vào Ukraine.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron một lần nữa kêu gọi EU tự chủ về quốc phòng, thúc đẩy phòng thủ chung châu Âu vào thời điểm hiện nay. Sau Hội nghị An ninh Munich gần đây, với thông điệp rõ ràng từ Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance rằng Washington giờ đây sẽ không nhân nhượng và thương xót châu Âu, châu Âu đã “thức tỉnh” nhận ra Washington không còn coi mình là đồng minh.
Mặc dù để biến kế hoạch quân sự bảo vệ Ukraine thời kỳ hậu chiến thành hiện thực với châu Âu là không hề dễ dàng nhưng là điều châu Âu cần phải thúc đẩy, ít ra là để chứng tỏ vai trò và giá trị của mình với đồng minh Mỹ, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng châu Âu cần phải chứng minh “giá trị gia tăng” của mối quan hệ đối tác với Mỹ. Châu Âu cần phải tái thiết lập một thế cân bằng mới với Mỹ để Mỹ tôn trọng lợi ích của đối tác. Ông cũng nhận định rằng châu Âu không thể và không nên hoàn toàn thay thế Mỹ. Nhưng châu Âu có thể củng cố chính họ để bảo đảm Washington tôn trọng lập trường của mình, buộc Mỹ phải đối thoại với châu Âu trên cơ sở mới.
MAI NGUYÊN